Chất lượng đá lạnh, nước đóng chai: Biết đâu mà lần?!

(Baohatinh.vn) - Nắng nóng gay gắt, nhu cầu sử dụng nước đóng chai, nước đá của người dân tăng mạnh. Tuy nhiên, giữa một “rừng” nhãn hiệu nước đóng chai, hàng trăm cơ sở sản xuất đá lạnh mọc lên, người tiêu dùng khó lòng nhận biết đâu là sản phẩm thực sự sạch hoặc đơn giản là không gây hại cho sức khỏe.

Muôn đường đá lạnh… bẩn!

Theo quy định, đá lạnh dạng viên nhỏ (đá viên, đá tinh khiết) được sử dụng phục vụ ăn uống, đá dạng cây (khuôn hình chữ nhật, 1 cây từ 10-20 kg) được dùng ướp thực phẩm. Tuy nhiên, người sản xuất và cả người tiêu dùng dường như đang gộp hai công dụng đó làm một mà không lường trước hậu quả có thể xảy ra khi sử dụng sản phẩm không đảm bảo vệ sinh.

Lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy bình, chai nước lọc không đảm bảo chất lượng của một cơ sở sản xuất tự phát tại xã Kỳ Thịnh (Kỳ Anh).
Lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy bình, chai nước lọc không đảm bảo chất lượng của một cơ sở sản xuất tự phát tại xã Kỳ Thịnh (Kỳ Anh).

Tại một cơ sở sản xuất đá viên tinh khiết được công nhận đạt tiêu chuẩn trên địa bàn TP Hà Tĩnh, đá được sản xuất theo quy trình khép kín, tự động từ hệ thống tiếp nhận nguồn nước ban đầu đến khi ra đá thành phẩm. Nguồn nước làm đá là nước sạch (do nhà máy nước cung cấp) đạt chuẩn trên 100 chỉ số theo quy định. Ngoài ra, các bộ phận như bồn chứa, khuôn đá, dao cắt… đều được làm bằng inox chống gỉ. Được biết, để được cấp phiếu kiểm nghiệm đá đạt tiêu chuẩn, cơ sở này phải lấy mẫu ra tận Hà Nội để kiểm nghiệm và làm các thủ tục đúng quy định. Theo quan sát của chúng tôi, nếu ở cơ sở này quy trình sản xuất đá lạnh hiện đại, sạch sẽ bao nhiêu thì rất nhiều cơ sở khác thô sơ, mất vệ sinh bấy nhiêu.

Thạch Kim (Lộc Hà) là địa phương đông dân cư và có nhu cầu sử dụng đá lạnh trong bảo quản thủy, hải sản cao. Ở đây, có một số gia đình sản xuất đá ướp, không có cơ sở sản xuất đá viên. Tuy nhiên, khi có nhu cầu mua đá để uống, chúng tôi được người dân chỉ đến cơ sở sản xuất đá ở thôn Long Hải. Đập vào mắt chúng tôi là cảnh tượng mất vệ sinh: phía ngoài được trưng dụng để sản xuất đá, nền nhà ẩm ướt, khuôn làm đá gỉ sét dựng ngổn ngang. Đá được đặt trên nền nhà, thậm chí, người bán còn dùng chân giữ đá để chặt… Được biết, cơ sở này không chỉ sản xuất đá uống làm từ nước khe suối mà còn làm đá ướp thực phẩm, đặc biệt, cả đá dùng để uống và ướp thực phẩm đều dạng cây, mỗi cây nặng 20 kg bán với giá 12 nghìn đồng/cây đá ướp, 15 nghìn đồng/cây đá uống. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, nước ở đây được đổ trực tiếp vào khuôn mà không qua bất kỳ một hệ thống lọc nào; nhìn sơ qua, hai loại đá này cùng một kích cỡ, một màu sắc nên rất dễ xảy ra nhầm lẫn.

Tình trạng mất vệ sinh cũng diễn ra tràn lan tại nhiều cơ sở sản xuất đá nhỏ, lẻ, hộ gia đình trên toàn địa bàn. Các cơ sở sản xuất được khảo sát đều dùng hệ thống máy làm đá thô sơ, nguồn nước không đảm bảo vệ sinh và làm theo kiểu… “đa không”: nhân viên không đeo găng tay, không khẩu trang, không khám sức khỏe định kỳ…

Sản xuất đá lạnh mất vệ sinh đã đành, công đoạn vận chuyển đá đến nơi tiêu thụ cũng mất vệ sinh không kém. Đá được đựng trong bao tải cáu bẩn, tận dụng lại từ bao đựng thức ăn gia súc, có khi còn để “trần” trên xe máy, xích lô đi khắp đường phố. Những “khối đá di động” này chủ yếu phục vụ các quán giải khát, trà đá hay quán nhậu. Người bán cứ bán, người uống cứ uống, chẳng ai biết đá làm ở đâu, chất lượng thế nào?

“Loạn” nước uống đóng chai

Chỉ ghé vài cửa hàng có bán nước uống đóng chai, chúng tôi đã hoa mắt vì vô số nhãn hiệu được bày bán như: Lavie, Vital, Aquafina, Sơn Kim, Veronica... Tùy theo uy tín của từng thương hiệu mà giá từng loại cũng chênh lệch nhau từ 10.000-30.000 đồng/bình 20 lít hoặc 24 lít. Người tiêu dùng chỉ cần “a lô” là các đại lý phân phối sẵn sàng cung ứng tận nơi với các loại nước uống đóng chai khác nhau, thậm chí có nơi chỉ 10.000 đồng cũng mua được một bình nước uống đóng chai 20 lít. Giá “bèo” nhưng bình nước vẫn được niêm phong kỹ lưỡng, trên nhãn mác ghi “lọc từ nguồn nước ngầm”, “tiệt trùng bằng tia cực tím và ozon”, “siêu tinh lọc qua hệ thống R.O”, “lọc bằng kỹ thuật mới nhất của U.S.A”, “siêu sạch”... Với những lời quảng cáo “có cánh”, người tiêu dùng không mảy may nghi ngờ về chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, đầu tháng 6 vừa qua, đoàn kiểm tra VSATTP tỉnh vừa xử lý một số cơ sở sản xuất nước đóng chai trên địa bàn về các lỗi như không đảm bảo VSATTP trong sản xuất; không đủ trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện khử trùng nước và sát trùng dụng cụ…

Theo quan sát, đa số các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai bằng nước giếng khoan hoặc nước sạch. Tuy nhiên, không nhiều cơ sở thực hiện việc kiểm định chất lượng nước đúng quy trình. Phần lớn bao bì được tái sử dụng nhiều lần, phương pháp rửa bình bằng thủ công nên những bình tái sử dụng rất dễ làm nước nhiễm bẩn sau khi được xử lý. Đó là chưa nói đến vấn đề điều kiện vệ sinh nơi sản xuất; công nhân không ít cơ sở không tuân thủ các quy định về VSATTP như đeo khẩu trang, găng tay... khi sản xuất.

Tăng cường công tác quản lý

Theo Chi cục VSATTP tỉnh, đơn vị chỉ kiểm tra, quản lý những cơ sở lớn, tuyến huyện sẽ chịu trách nhiệm những cơ sở nhỏ lẻ. Tuy nhiên, theo nghị định về thương mại, những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ không nhất thiết phải đăng ký kinh doanh. Thế nên mới có chuyện ở Lộc Hà có 7 cơ sở đăng ký sản xuất đá ướp thực phẩm nhưng chỉ tính dọc trục đường chính của huyện đã có hơn 10 cơ sở sản xuất cả đá ướp và đá uống.

Bác sỹ Võ Ánh Quốc - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Lộc Hà khuyến cáo: “Nước đá không đảm bảo ATVSTP có thể là nguồn lây bệnh nguy hiểm, chứa các loại vi khuẩn, gây bệnh đường ruột, tiêu chảy cấp. Tuyệt đối không dùng nước đá ướp thực phẩm chung với nước đá dùng để uống vì có thể dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Đồng thời nên sử dụng đá có nguồn gốc rõ ràng; khi lam đá lạnh sử dụng trong gia đình nên dùng nước đun sôi hoặc nước tinh khiết”.

Ông Phan Văn Hùng - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: “Toàn tỉnh hiện có 17 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất nước uống đóng chai có đăng ký tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Theo nguyên tắc, khi muốn được công bố chất lượng, cơ sở đó phải tự mang mẫu nước đi kiểm tra (ở Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia) và lấy kết quả nộp cho Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh kết hợp đảm bảo một số tiêu chuẩn về nhà xưởng, công nhân thì sản phẩm mới được phép lưu hành. Tuy nhiên, trong đợt kiểm tra 12 cơ sở sản xuất vừa qua, có đến 4 cơ sở bị xử phạt về điều kiện sản xuất không đảm bảo. Thời gian tới, đoàn kiểm tra ATVSTP tỉnh sẽ tăng cường quản lý, giám sát và kiên quyết xử lý vi phạm nếu có”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast