Cho những người có H...

Gắn bó với công tác tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS đã khá lâu; từng tiếp xúc và nghe rất nhiều tâm sự của những người bị nhiễm... thú thực, từ lâu, tôi chỉ “nhặt” được những nỗi niềm trăn trở và sự buồn lây. Tuy nhiên, gần đây, tôi thực sự vui mừng khi nhận được rất nhiều sự chia sẻ từ những người có H (HIV) với nội dung: Chúng tôi vẫn vui, vẫn khoẻ, vẫn đẹp và vẫn làm việc như bao người. Chỉ khác là, mỗi ngày chúng tôi phải uống 2 lần thuốc AVR…

"Chúng tôi vẫn sống khoẻ và có ích!"...

Trở về sau cuộc thi “Dấu cộng duyên dáng” khuôn mặt Đỗ Thị Thu Hà, giáo viên trường Mầm non Sơn Kim I trở nên rạng rỡ hơn. Em vui vẻ: “Vui lắm chị ạ! Tất cả mọi người tham gia dự thi đều có H nhưng trông ai cũng khoẻ đẹp và duyên dáng. Vui hơn nữa là từ cuộc thi này, chúng em nhận được rất nhiều sự quan tâm từ cộng đồng. Họ luôn đồng hành chia sẻ và ghi nhận chúng em”.

Đỗ Thị Thu Hà cùng học sinh trong giờ học
Đỗ Thị Thu Hà cùng học sinh trong giờ học

Còn nhớ, cách đây 4 năm, lần đầu tiên tôi gặp Hà trong buổi ra mắt CLB “Vì ngày mai tươi sáng” của những người có H. Tôi tò mò để ý em vì khuôn mặt trí thức hiện rõ nét e ngại. Và sau buổi sinh hoạt CLB, em đã chủ động tìm gặp tôi với một mong muốn được viết bài lên báo để gửi đến tất cả các bạn gái một thông điệp từ chính cuộc sống của em: Hãy quan hệ tình dục an toàn ngay cả chính với chồng mình, nhất là khi biết chồng đã bị nghiện ma tuý, đừng chủ quan. Hãy tự mình bảo vệ cuộc sống của chính mình!

Hà kể, vì chủ quan nên em đã bị lây nhiễm HIV từ chồng. Khi cầm trên tay kết quả xét nghiệm dương tính với HIV, trong em chỉ còn bóng tối. Em quyết định xin nghỉ việc. Tuy nhiên, hiệu trưởng trường em là cô Lê Thị Ngọc Hoa không đồng tình. Cô Hoa đã giải thích và động viên em ổn định tâm lý.

Chỉ sau 2 ngày, Hà đã quay lại lớp. Tất cả đồng nghiệp đón nhận em đầy sự quan tâm và vẻ cảm thông. Hà đã tìm bác sỹ tư vấn và đọc tất cả những tài liệu dự phòng lây nhiễm cho người khác để có cách ứng xử đúng trong công việc và cuộc sống. Ban đầu, có một số phụ huynh tỏ ra e ngại. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn, lớp học của em luôn được mọi người quan tâm. Và từ đó đến nay, năm nào lớp em cũng có số học sinh đông nhất trường.

Hà vừa cười vừa tâm sự với tôi: “Đã nhiều nhà báo tìm về phỏng vấn em chị ạ. Ai cũng hỏi bây giờ em cảm thấy thế nào? Em nói: Không thế nào cả. Em cũng như mọi người thôi, chỉ khác là mỗi ngày em phải uống 2 lần thuốc AVR… Nhóm bọn em bây giờ sinh hoạt cũng thuận lợi hơn rất nhiều. Thuốc được chuyển về lấy tại huyện. Chúng em còn được dự án tài trợ kinh phí sinh hoạt nhóm nữa. Mà nhóm bây giờ không thuộc CLB “Vì ngày mai tươi sáng” nữa chị ạ. Chúng em đã tách nhóm về huyện với tên gọi mới “Sông Lam xanh Hà Tĩnh” gồm 20 thành viên, trong đó có 3 người không nhiễm H. Mọi người đều khoẻ mạnh; dũng cảm đối mặt với căn bệnh; sống vui, sống khoẻ và sống có ích!”.

Hà còn cho tôi biết thêm về anh Việt, một thành viên có H rất tích cực trong công tác phòng chống HIV/AIDS lâu nay và là Chủ nhiệm CLB “Vì ngày mai tươi sáng”. Dạo này Việt khoẻ hơn rất nhiều, đã tăng đến mấy cân. Việt vẫn vui vẻ, lạc quan và vẫn làm cho xe khách đường dài như ngày nào.

Để người có H được chăm sóc tốt hơn

Nhìn lại quá trình phòng chống HIV/AIDS của Hà Tĩnh cho thấy những thành quả đáng ghi nhận. Năm 1997, Hà Tĩnh phát hiện trường hợp nhiễm HIV đầu tiên. Hồi đó, ngành chức năng vẫn còn có sự lúng túng khi vào cuộc phòng chống, còn người dân thì biểu hiện rõ sự kỳ thị, xa lánh và thậm chí là sợ hãi. Và xuyên suốt thời gian từ đó đến nay, nhận thức và hành động về công tác phòng chống HIV/AIDS của toàn xã hội không ngừng được cải thiện. Những hoạt động ấy không còn là nhiệm vụ của riêng ngành Y tế mà đã có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành. Đặc biệt, các tổ chức đoàn thể, hệ thống chính trị cấp địa phương đã vào cuộc rất thực chất. Nhờ vậy, đã tạo được bước chuyển mạnh mẽ trong nhận thức người dân.

ĐVTN Hà Tĩnh tham gia trò chơi tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS

ĐVTN Hà Tĩnh tham gia trò chơi tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS

Đến nay, hầu hết người bị nhiễm và người không bị nhiễm đều có một thái độ rất đúng đối với căn bệnh thế kỷ này. Không còn sự kỳ thị, phân biệt, đối xử; sống đối mặt và dự phòng lây nhiễm. Đặc biệt, chương trình can thiệp giảm thiểu tác hại; tư vấn, xét nghiệm, chăm sóc và điều trị; chương trình dự phòng lây truyền mẹ con, an toàn truyền máu, khám và quản lý các bệnh qua đường tình dục... và một số dự án được triển khai thực hiện trên địa bàn đã tạo điều kiện tốt chăm sóc bệnh nhân H và giảm thiểu được nhiều nguy cơ lây nhiễm; giúp các bệnh nhân H có được cuộc sống đúng nghĩa.

Tuy nhiên, công tác phòng chống HIV/AIDS vẫn còn nhiều lo ngại. Số người bị nhiễm vẫn tiếp tục gia tăng và ngày càng trẻ hoá. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 1.269 trường hợp, trong đó có 235 trường hợp đã tử vong, 330 trường hợp chuyển sang AIDS. Điều lo ngại nữa là hiện các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao như công nhân di biến động, lái xe đường dài, nghiện chích ma tuý, mại dâm đang ngày càng gia tăng.

Tiến sỹ, bác sỹ Đường Công Lự - Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Hà Tĩnh cho biết: Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tăng cường và đẩy mạnh các hoạt động, đặc biệt sẽ tập trung vào việc đáp ứng các nhu cầu cấp thiết về tiếp cận các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ, điều trị và dự phòng lây nhiễm HIV cho tất cả mọi người có nhu cầu. Có thêm tín hiệu đáng mừng là hiện các điều kiện chăm sóc người có H không ngừng được cải thiện. Trung tâm sắp có trụ sở làm việc riêng. Hơn thế, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có quyết định xây dựng thêm nhà 4 tầng với diện tích 1.000 m2 để phục vụ bệnh nhân và mua các loại máy móc, trang thiết bị phục vụ công tác cận lâm sàng hỗ trợ cho bệnh nhân AIDS, các bệnh lây truyền qua đường tình dục và các nhiễm trùng cơ hội. Trung tâm cũng đang xây dựng và trình Bộ Y tế phê duyệt dự án Methadone và phát triển dịch vụ trong những năm tới...

Tất cả nỗ lực đều hướng tới mục đích đưa nội dung “Tiếp cận phổ cập và quyền con người”, chủ đề ngày toàn thế giới phòng chống HIV/AIDS năm 2010 vào cuộc sống; để những người mắc H có điều kiện được sống lâu hơn, sống vui, sống khoẻ và có ích cho xã hội; ngăn chặn nhiều nguy cơ lây nhiễm.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast