Chủ động phòng chống dịch bệnh mùa hè

Mùa hè, thời tiết nắng nóng, côn trùng phát triển là thời điểm dễ phát sinh các loại bệnh lây qua đường tiêu hóa, bệnh lây do côn trùng như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn, sốt xuất huyết…

Những năm gần đây, mô hình bệnh tật lại có nhiều thay đổi. Không ít loại bệnh trước đây thường chỉ xuất hiện vào mùa đông-xuân như quai bị, thủy đậu, cúm… thì nay xuất hiện vào cả mùa hè. Đặc biệt, bệnh tay-chân-miệng (TCM) đang diễn biến phức tạp. Vì vậy, người dân cần chủ động phòng tránh.

Theo báo cáo từ Trung tâm YTDP Hà Tĩnh, từ đầu năm đến nay, bệnh dịch TCM diễn biến tương đối phức tạp. Đến nay đã có 192 ca mắc rải rác trên địa bàn 6 huyện, thành phố. Còn các loại dịch bệnh khác tương đối ổn định. Riêng tính từ thời điểm bắt đầu mùa hè đến nay, chỉ xuất hiện rải rác vài ca thủy đậu.

Học sinh Trường mầm non I - TP Hà Tĩnh thực hành rửa tay bằng xà phòng để phòng chống dịch bệnh
Học sinh Trường mầm non I - TP Hà Tĩnh thực hành rửa tay bằng xà phòng để phòng chống dịch bệnh

Bác sỹ Nguyễn Chí Trung – Trưởng Khoa Dịch tễ Trung tâm YTDP Hà Tĩnh cho biết: Mặc dù đến thời điểm này, bệnh dịch đang ổn định nhưng cũng đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Hiện nay, đang là thời điểm bước sang mùa hè, tình hình thời tiết đang diễn biến phức tạp và bất thường, là nguyên nhân có thể bùng phát các loại dịch bệnh như tả, lỵ, thương hàn, sốt xuất huyết, TCM, cúm A(H5N1), A(H1N1), sốt phát ban và sốt do các vi rút khác gây ra.

Để chủ động phòng chống các dịch bệnh mùa hè, Trung tâm YTDP Hà Tĩnh đã có công văn chỉ đạo Trung tâm YTDP các huyện, thị xã, thành phố tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, bao gồm: Chỉ đạo, theo dõi việc giám sát dịch bệnh trên địa bàn toàn huyện đặc biệt là các ổ dịch cũ, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để xử lý kịp thời; tăng cường công tác giám sát từ các phòng khám bệnh, khoa truyền nhiễm, phòng khám đa khoa khu vực đến trạm y tế xã và cộng đồng để phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh dịch đầu tiên, kịp thời thu dung điều trị bệnh nhân, đồng thời tiến hành các biện pháp xử lý dịch không để lây lan ra diện rộng; tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng cách phát hiện các loại dịch bệnh và các biện pháp dự phòng tại cộng đồng; vận động nhân dân trong xã, phường, thôn, xóm hàng tuần tổng vệ sinh môi trường xung quanh nhà ở, khơi thông cống rãnh, lật úp các dụng cụ phế thải, thả cá vào các bể chứa nước, phát quang bụi rậm quanh nhà; triển khai công tác đào tạo, đào tạo lại và tập huấn chuyên môn nghiệp vụ công tác phòng chống dịch cho cán bộ tuyến huyện, xã và thôn bản; chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa chất và trang thiết bị cần thiết phục vụ khi có dịch xảy ra. Khi xẩy ra dịch phải triển khai khẩn cấp các biện pháp chống dịch và thực hiện nghiêm túcchế độ khai báo thông tin, báo cáo thường xuyên.

Theo khuyến cáo từ các chuyên gia y tế, mọi người đều có thể mắc các bệnh truyền nhiễm vào mùa hè nhưng đối tượng dễ mắc nhất vẫn là trẻ em. Chẳng hạn như, bệnh tiêu chảy thường gặp ở trẻ em từ 6 – 12 tháng tuổi; TCM thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi (chiếm 91%); quai bị thường gặp ở lứa tuổi thanh-thiếu niên; thủy đậu thường gặp ở trẻ em dưới 10 tuổi (chiếm 90%); viêm não Nhật Bản thường gặp ở trẻ từ 3 – 5 tuổi. Nguyên nhân là do cơ thể trẻ đang lớn, hệ thống miễn dịch đang từng bước hình thành, chưa thành ý thức để tự giác phòng bệnh, khi mắc bệnh dễ lây cho các bạn cùng lớp.

Vì vậy, các trường học cần chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh mùa hè cho trẻ. Cần thành lập và kiện toàn BCĐ công tác y tế học đường; xây dựng kế hoạch chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho học sinh; phát hiện sớm các trường hợp nhiễm bệnh, báo cho y tế địa phương để áp dụng các biện pháp phù hợp; liên hệ chặt chẽ với phụ huynh để phối hợp giám sát, theo dõi sức khỏe học sinh.

Đối với các bậc phụ huynh, cần quan tâm đến sức khỏe của con mình. Khi phát hiện con ốm cần đưa đến các cơ sở y tế để khám bệnh; tuân thủ các hướng dẫn chuyên môn; nếu mắc bệnh phải nghỉ học và cách ly cần báo cho nhà trường để tránh lây bệnh cho các trẻ khác.

Đối với cộng đồng, công tác phòng, chống dịch còn gặp không ít khó khăn do cán bộ còn thiếu trong khi tình hình dịch bệnh có những diến biến phức tạp; nhận thức của người dân còn hạn chế, nhất là thói quen vệ sinh cá nhân, vệ sinh ATTP chưa tốt. Để công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè đạt hiệu quả, ngành Y tế và các địa phương cần phối hợp chặt chẽ, tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế cơ sở, đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới tận mỗi người dân để họ biết cách tự phòng tránh.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, mõi người dân cần có ý thức chủ động phòng chống các loại dịch bệnh. Đối với bệnh lây qua đường máu như: sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, cần vệ sinh môi trường, dọn dẹp phế thải, loại trừ các ổ bọ gậy, phun thuốc diệt muỗi, thực hiện nằm màn. Đối với bệnh lây theo đường hô hấp như cúm, rubela… cần đeo khẩu trang phòng hộ khi tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh.

Người dân còn cần tăng cường khả năng miễn dịch bằng cách tiêm vắc xin phòng bệnh, đồng thời, cần thực hiện ăn uống hợp lý về dinh dưỡng như: ăn chín, uống sôi, chọn mua thực phẩm tươi sạch; không để thức ăn sống, chín lẫn nhau; ăn ngay sau khi nấu xong (tốt nhất là 2 giờ đầu); đun chín kỹ các loại thức ăn khi sử dụng lại; không ăn thức ăn ôi thiu, quá hạn sử dụng; thức ăn nấu chín phải được bảo quản hợp vệ sinh; không ăn tiết canh, gỏi, nem trạo, nem chua, uống nước lã; rửa tay với nước sạch bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast