Chú trọng xử lý môi trường, chủ động phòng, chống sốt xuất huyết

Theo Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) Hà Tĩnh, tính đến ngày 8/8, toàn tỉnh đã có 41 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH) tại 18 xã/phường của 7 huyện, thị, thành phố. Hiện nay đang đầu mùa mưa, rất thuận lợi cho muỗi phát triển, nguy có bùng phát dịch SXH rất cao nếu không được sự quan tâm của cộng đồng.

Bệnh nhân sốt xuất huyết thời gian qua chủ yếu ở huyện Thạch Hà (31 trường hợp); số còn lại rải rác các huyện: Can Lộc, Hương Khê, Hương Sơn, Kỳ Anh, thị xã Hồng Lĩnh và thành phố Hà Tĩnh. Trung tâm YTDP đã lấy 36 mẫu xét nghiệm, kết quả có 24 mẫu dương tính với vi rút SXH.

Xã Thạch Long (Thạch Hà) là địa bàn có ổ dịch SXH với 26 trường hợp mắc, trong đó 11 người đang còn điều trị, tập trung ở 2 thôn Đông Hà (18 người mắc). Do nguồn nước bị nhiễm mặn nên hầu hết người dân nơi đây dùng nước mưa để sinh hoạt, ăn uống. Tại 2 thôn Đông Hà 100% hộ gia đình dùng lu, vại, bể chứa nước mưa để sinh hoạt. Một thực tế nữa là trên địa bàn có bọ gậy nguồn, trong khi đó ý thức của người dân trong việc phòng chống dịch bệnh là rất thấp; một số gia đình dùng lu, vại, thùng chứa nước sinh hoạt không có nắp đậy và nếu như các dụng cụ chứa nước không được vệ sinh thường xuyên là môi trường sinh trưởng và phát triển của muỗi - tác nhân lây lan dịch bệnh.

Dụng cụ chứa nước không được vệ sinh thường xuyên là môi trường sinh trưởng và phát triển của muỗi - tác nhân lây lan dịch SXH.
Dụng cụ chứa nước không được vệ sinh thường xuyên là môi trường sinh trưởng và phát triển của muỗi - tác nhân lây lan dịch SXH.

Bác sỹ Nguyễn Văn Hồng - Trưởng Trạm y tế xã Thạch Long cho biết: “Từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên chúng tôi đã báo cáo lên trên, đồng thời phối hợp với đài truyền thanh xã phát mỗi ngày 2 lần về các thông tin phòng chống SXH; phối hợp với chính quyền địa phương, hội phụ nữ, đoàn thể ra quân tổng vệ sinh môi trường, khuyến cáo, hướng dẫn nhân dân diệt loăng quăng, thau rửa các dụng cụ chứa nước, tuyệt đối không để nước tụ đọng tại vườn nhà. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương đã mua hàng ngàn con cá rô phát cho các hộ gia đình và tiến hành phun hoá chất diệt muỗi tại 2 thôn Đông Hà. Hiện nay, chúng tôi vẫn tiếp tục tuyên truyền, giám sát nhằm nâng cao nhận thực của người dân, hạn chế lây lan dịch”.

Bác sỹ Nguyễn Lương Tâm – Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cho biết: “Để phòng chống dịch SXH, tránh lây lan sang xã khác, Trung tâm đã cử cán bộ kết hợp với y tế thôn trực 24/24 giờ theo dõi diễn biến của dịch, báo cáo kịp thời, thường xuyên hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, thả cá để diệt loăng quăng, bọ gậy; cấp gần 2.500 tờ rơi, bản cam kết và bài truyền thông cho Trạm y tế xã. Đến nay, người dân đã ý thức hơn về phòng chống dịch, từng gia đình đã động viên nhau vệ sinh nhà cửa, thôn xóm, thả cá diệt loăng quăng. Đến thời điểm này, chưa có thêm trường hợp nào mắc mới, một số bệnh nhân đã khỏi bệnh, không có bệnh nhân tử vong do SXH”.

Cán bộ y tế hướng dẫn người dân lật úp các vật dụng chứa nước xung quanh nhà
Cán bộ y tế hướng dẫn người dân lật úp các vật dụng chứa nước xung quanh nhà

Hiện nay đang đầu mùa mưa, rất thuận lợi cho muỗi phát triển, nguy có bùng phát dịch SXH rất cao nếu không được sự quan tâm của cộng đồng. Bệnh thường gặp ở những nơi đông dân cư, vệ sinh môi trường kém. Để chủ động trong phòng chống dịch XSH, Trung tâm YTDP tỉnh đã đề nghị Phòng y tế, Trung tâm YTDP huyện, thị, thành phố thành lập và kiện toàn BCĐ phòng chống dịch; duy trì liên tục đường dây nóng với các bệnh viện đa khoa các tuyến và Trạm y tế xã, phường để giám sát và phát hiện sớm các ca bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời, trường hợp nghi ngờ mắc SXH tiến hành lấy mẫu điều tra bệnh nhân và gửi mẫu về Trung tâm xét nghiệm; triển khai ngay chiến dịch vệ sinh môi trường, đặc biệt là nơi có chỉ số bọ gậy cao; tăng cường công tác tuyên truyền về các biện pháp phòng chống SXH; tiến hành phun hoá chất diệt muỗi chủ động tại vùng có mật độ muỗi truyền bệnh SXH cao.

Bên cạnh đó, Trung tâm đã cấp 20 ngàn bản cam kết phòng chống SXH cho các hộ gia đình; 5 ngàn tờ rơi tuyên truyền về các biện pháp phòng chống SXH ở cộng đồng; cấp thêm 300 lít hoá chất diệt muỗi và 12 máy hút muỗi; các dụng cụ phục vụ công tác giám sát vecter cho các Trung tâm YTDP huyện, thị, thành phố.

Cùng với nỗ lực của ngành chuyên môn, các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở cần quan tâm, vào cuộc đồng bộ, xem công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng chống dịch bệnh là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài. Đặc biệt là người dân phải ý thức trong việc vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, diệt loăng quăng, xử lý các bể chứa nước thải, ngủ màn... là nhiệm vụ hằng ngày; thực hiện đúng phương châm: “Không có loăng quăng, không có dịch SXH”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast