Chuyện người cán bộ ngành y năm xưa

(Baohatinh.vn) - Chúng tôi đến thăm lại bác sỹ, người cán bộ y tế năm xưa trong căn nhà trên đường Nguyễn Văn Cừ (TP Vinh, Nghệ An). Ông là Nguyễn Huy Thành - nguyên Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh những năm 1991-1997.

Nguồn nhân lực là khâu yếu nhất trong phát triển của ngành y tế

Nguồn nhân lực là khâu yếu nhất trong phát triển của ngành y tế

Sau khi chia tách tỉnh, để nhanh chóng ổn định bộ máy, Sở Y tế Hà Tĩnh được kiện toàn về tổ chức, bác sỹ Nguyễn Huy Thành được bổ nhiệm làm giám đốc. Ông nhận nhiệm vụ mới trong hoàn cảnh khó khăn chồng chất, thiếu thốn đủ bề. Văn phòng sở y tế và các trạm trực thuộc tiếp nhận Bệnh viện Nghệ Tĩnh 2 cũ để làm việc trong hoàn cảnh thiếu về kinh phí, trang thiết bị và cả đội ngũ cán bộ, cơ chế, chính sách...

Trước muôn vàn khó khăn, bác sỹ Nguyễn Huy Thành và đội ngũ cán bộ văn phòng sở đã xác định cốt lõi của mọi phong trào chính là công tác cán bộ. Bác sỹ Thành chia sẻ: “Thời điểm đó, tôi cùng Ban Giám đốc mạnh dạn tham mưu Bộ Y tế, tỉnh cử cán bộ đi học nhằm nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ tuyến tỉnh; đồng thời, khuyến khích và có chế độ đãi ngộ cán bộ tuyến huyện, xã đi học. Cán bộ có trình độ chuyên môn cao thì người dân mới tin tưởng”.

Thời điểm đó, Nghệ Tĩnh là một trong những tỉnh áp dụng cơ chế bàn giao trạm y tế xã cho địa phương quản lý, do vậy, về cơ bản, công tác phòng dịch và khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân bị bỏ ngỏ. Sau ngày tái lập tỉnh, việc đưa công tác y tế thu về một mối được ngành Y tế đặc biệt quan tâm. Bác sỹ Thành trăn trở và bắt tay nghiên cứu đề tài quản lý ngành dọc trong công tác y tế ở Hà Tĩnh. Đề tài này ra đời đã nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo tỉnh và được UBND tỉnh đồng ý triển khai.

Từ tháng 7/1992, hệ thống y tế từ cơ sở đến tỉnh được chuyển về cho ngành Y tế quản lý toàn diện. Cùng với đó, ở cấp huyện thành lập trung tâm y tế; ở xã, cán bộ y tế được hưởng ngân sách địa phương. Nhờ đó, ngành Y tế có thêm điều kiện thuận lợi để chỉ đạo thống nhất mọi hành động.

Đề tài quản lý ngành dọc trong công tác y tế ở Hà Tĩnh của bác sỹ Nguyễn Huy Thành đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cấp bằng sáng tạo; được Bộ Y tế phát động toàn ngành học tập, nghiên cứu áp dụng trong toàn quốc. Khi công tác quản lý dần ổn định, Ban Giám đốc Sở Y tế lúc bấy giờ đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo cán bộ.

Tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy đảng, chính quyền và sự giúp đỡ của Bộ Y tế, ngành đã gửi bác sỹ đi đào tạo trình độ thạc sỹ, tiến sỹ ở các trường đại học y dược. Cùng với đó, ngành được Bộ Y tế cho mở các lớp đào tạo tại chỗ bằng cách mời chuyên gia ở các bệnh viện và trường đại học trực tiếp hướng dẫn, đào tạo bác sĩ chuyên khoa I, II và lớp bác sỹ tại xã... để tạo điều kiện cho Hà Tĩnh vừa có cán bộ làm việc, vừa nâng cao trình độ cho đội ngũ này.

Không dừng lại ở đó, ngành Y tế Hà Tĩnh có chủ trương xin mở trường để đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ. Kết quả, năm 1994, Trường Trung học Y tế Hà Tĩnh, nay là Trường Cao đẳng Y tế được thành lập. Nhờ có hướng đi phù hợp nên đội ngũ cán bộ ngành y được bổ sung thường xuyên, trình độ tay nghề được nâng cao; công tác phòng dịch, khám chữa bệnh được đảm bảo.

Nhờ kiện toàn và củng cố công tác Đảng, công tác tổ chức cán bộ từ tỉnh đến cơ sở nên ngành Y tế Hà Tĩnh đã nhanh chóng phát triển vững chắc, phục vụ tốt sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Năm 1996, ngành Y tế Hà Tĩnh được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. Thời điểm đó, bác sỹ Nguyễn Huy Thành được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Chia tay bác sỹ Thành, chúng tôi mang theo cả niềm vui và sự trăn trở của một người đã dành trọn tâm huyết, trí tuệ cho sự phát triển của ngành Y tế Hà Tĩnh.

Chủ đề Hoa đẹp núi hồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast