Đề xuất 7 mục tiêu quốc gia về dinh dưỡng

Theo Dự thảo Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030, mục tiêu đến năm 2020 giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 23%; chiều cao của trẻ 5 tuổi tăng từ 1,5cm - 2cm; chiều cao của thanh niên theo giới tăng từ 1cm - 1,5cm so với năm 2010.

Dinh dưỡng là một trong các yếu tố nền tảng của sức khỏe. Dinh dưỡng cân đối, hợp lý là yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình cũng như của toàn xã hội và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội của quốc gia.

Với quan điểm này, Dự thảo Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã đề xuất 7 mục tiêu cụ thể.

Thứ nhất là cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc của người Việt Nam. Trong đó, phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ có cân nặng sơ sinh thấp (dưới 2,5 kg) xuống dưới 10% vào năm 2015 và dưới 8% vào năm 2020. Bên cạnh đó, khống chế tỷ lệ béo phì ở trẻ em dưới 5 tuổi ở mức dưới 5% ở nông thôn và dưới 10% ở thành phố lớn đến năm 2020...

Dinh dưỡng cân đối, hợp lý là yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình cũng như của toàn xã hội - Ảnh minh họa
Dinh dưỡng cân đối, hợp lý là yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình cũng như của toàn xã hội - Ảnh minh họa

Theo thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao/tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi còn ở mức cao (31,9% - 2009); 28 tỉnh có tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi cao hơn mức trung bình của cả nước, trong đó 12 tỉnh có tỷ lệ trên 35%, đây là mức cao theo xếp loại của Tổ chức Y tế Thế giới.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đang đối mặt với gánh nặng kép về dinh dưỡng. Trong những năm gần đây, trong khi tỷ lệ suy dinh dưỡng còn cao thì tỷ lệ thừa cân và béo phì và các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng đang gia tăng dẫn đến thay đổi mô hình bệnh tật và tử vong (tỷ lệ thừa cân và béo phì ở trẻ em hiện nay là 4,8%; ở người lớn là 6,6%).

Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng của cộng đồng vẫn còn cao, đặc biệt là bà mẹ và trẻ em (thiếu máu dinh dưỡng ở phụ nữ có thai là 36,5% và ở trẻ em dưới 5 tuổi là 29,2%). Thiếu Vitamin A tiền lâm sàng, thiếu I-ốt vẫn còn ở mức cao, nhất là ở các vùng Tây Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.

Do vậy, mục tiêu thứ 2 mà dự thảo đưa ra là giảm tỷ lệ thiếu Vitamin A tiền lâm sàng, thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ em dưới 5 tuổi và phụ nữ có thai; thanh toán các rối loạn do thiếu i-ốt.

Mục tiêu 3 là nâng cao về kiến thức và thực hành dinh dưỡng hợp lý cho người dân. Cụ thể, tỷ lệ trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đạt 27% vào năm 2015 và tăng lên 35% vào năm 2020; tỷ lệ bà mẹ có kiến thức và thực hành dinh dưỡng đúng cho trẻ ốm đạt 75% vào năm 2015 và 85% vào năm 2020...

Được biết, hiện tỷ lệ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ còn thấp (4 tháng là 29,3%; 6 tháng là 19,2%), mặc dù tỷ lệ bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ đạt 93%.

Cải thiện về số lượng và chất lượng bữa ăn của người dân là mục tiêu thứ 4 được đưa ra trong dự thảo.

Song song với đó là mục tiêu kiểm soát tình trạng béo phì ở người trưởng thành ở mức dưới 8% vào năm 2015 và duy trì ở mức dưới 12% vào năm 2020. Đồng thời, khống chế tỷ lệ người trưởng thành có cholesterol trong máu cao (> 5,2 mmol/L) dưới 28% vào năm 2015 và duy trì ở mức dưới 30% vào năm 2020.

Mục tiêu 6 là cải thiện tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó giảm 20% số người mắc ngộ độc thực phẩm vào năm 2015 và 30 - 35% vào năm 2020 so với năm 2010.

Hiện nay, mạng lưới triển khai các hoạt động dinh dưỡng còn chưa đồng bộ; đội ngũ cán bộ làm công tác dinh dưỡng ở cộng đồng và bệnh viện còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Do vậy, mục tiêu thứ 7 đặt ra vào năm 2015 đảm bảo 75% cán bộ chuyên trách dinh dưỡng tuyến tỉnh và 50% tuyến huyện được đào tạo chuyên ngành dinh dưỡng cộng đồng từ 1 đến 3 tháng. Đến năm 2020, tỷ lệ này là 100% ở tuyến tỉnh và 75% ở tuyến huyện.

Bên cạnh đó, 90% bệnh viện tuyến trung ương, 70% tuyến tỉnh và 20% tuyến huyện có triển khai hoạt động tư vấn và thực hiện thực đơn về chế độ dinh dưỡng hợp lý cho một số nhóm bệnh và đối tượng bao gồm người cao tuổi, HIV/AIDS và Lao vào năm 2015. Đến năm 2020, tỷ lệ này là 100% ở tuyến trung ương, 95% ở tuyến tỉnh và 50% ở tuyến huyện...

Theo Chinhphu.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast