“Duyên nghiệp” trị độc xà

(Baohatinh.vn) - Từ một người bị rắn cắn nằm chờ chết, ông Dương Hữu Dần (xóm 11, Cẩm Mỹ, Cẩm Xuyên) đã được truyền bài thuốc chữa bệnh thần kỳ. Gần 30 năm qua, ông đã chữa cho hàng trăm người bị rắn cắn, trong đó có nhiều trường hợp “thập tử nhất sinh”...

Suýt mất mạng vì độc xà

Về xã Cẩm Mỹ hỏi thăm ông Dần, bất cứ người nào cũng hỏi lại: “Có ai bị rắn cắn à? Đã nguy kịch lắm chưa? Mau mà gặp ông Dần. Đi hết con dốc cuối xóm là đến nhà ông”…

Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến ngôi nhà nhỏ nằm lọt thỏm giữa núi đồi. Bà Nguyễn Thị Xuân, vợ ông Dần, trạc tuổi ngũ tuần nở nụ cười nhân hậu: “Ngồi đó chờ ông Dần chút. Ông ấy đang đi phun thuốc cho lúa ngoài đồng”. Một lát sau, ông Dần về. Như quen với việc có khách chờ sẵn nên ông vội vàng vệ sinh, thay quần áo để tiếp chúng tôi. Tuy nhiên, khi biết chúng tôi không phải là khách đến chữa rắn cắn, ông trở nên thư thả.

Vợ chồng ông Dần kể về “duyên nghiệp” chữa trị độc xà
Vợ chồng ông Dần kể về “duyên nghiệp” chữa trị độc xà

Vợ chồng ông kể cho chúng tôi nghe về “duyên nghiệp” chữa bệnh. Cách đây gần 30 năm, ông Dần đi giúp người trong xóm vác gỗ làm nhà. Đang đi giữa rừng, tự nhiên ông nghe có tiếng cào của một con vật ở chân và liền sau đó có cảm giác đau nhói. Cúi nhìn bàn chân thấy 3 dấu răng, ông nghĩ là tít (rết) cắn. Trong chốc lát, toàn thân ông Dần đau nhức và không thể đi lại được. Ông phải nhờ người chặt gậy và chống đi, được một đoạn thì không thể tiếp tục. Hai người đi rừng khiêng ông về một trang trại gần đó. Người chủ trang trại thấy ông liền bảo: “Tôi ở rừng núi nhiều, để đấy tôi chữa cho, đừng lo. Đến sáng là lành thôi”.

Nghĩ ông bị tít cắn nên ông chủ trang trại chủ quan, để ông một mình trong lán trại đi câu cá. Đến sáng, mọi người chắc chắn ông bị rắn độc cắn nên mới gọi nhau mượn thuyền chở ông về nhà. Về đến nhà thì chân ông đã sưng căng hết cả ống quần. Ông được chuyển đến bệnh viện tỉnh nhưng càng điều trị càng nặng hơn.

Nhằm bảo toàn tính mạng cho ông, bác sỹ tư vấn nên tháo khớp chân. “Nghe thế, tôi bi quan lắm vì còn quá trẻ, mới 23 tuổi. Mình làm nông, làm rừng mà thiếu đi một chân thì lấy gì mà ăn. Thôi thì cứ để rứa, có chết cũng chết toàn thân” - ông Dần hồi tưởng.

Ra viện, ông uống đủ thứ thuốc của nhiều thầy nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Bàn chân ông nổi từng tảng nước, bốc mùi hôi thối. Trong cơn tuyệt vọng thì có một người anh em dẫn về nhà một ông cụ đã 92 tuổi, trông ốm yếu. Ông cụ ở luôn trong nhà để chữa trị cho ông Dần. Hàng ngày, cụ dẫn bà Xuân lên núi đào cây thuốc và hướng dẫn cách pha chế. Mỗi lần đi, cụ đều dặn dò: “Nhớ mấy cây thuốc ni để sau mà cứu người”, bà Xuân kể.

Từ ngày uống thuốc của cụ, sức khỏe ông Dần khá lên. Được gần 1 tháng, cụ bảo: “Không can chi nữa mô, tau về. Bọn bây nhớ, làm cái nghề này là phải có tâm đức”…

“Duyên nghiệp”

Sau khi khỏi bệnh, một hôm, trong xóm có người bị rắn cắn tìm đến ông nhờ chữa trị. Trong tâm khảm, ông chưa bao giờ nghĩ đến việc học nghề và hành nghề nhưng không thể làm ngơ trước tính mạng của con người nên vợ chồng ông đã thử sức. Nhớ lại những bài thuốc trước đây và lời ông cụ dặn, hai vợ chồng lên núi đào cây thuốc về bào chế. Không ngờ, hiệu quả rất tốt. Và bắt đầu từ đó, bất cứ ai trong vùng bị rắn cắn đều tìm đến ông.

Ông Dần giới thiệu cây thuốc trên núi.
Ông Dần giới thiệu cây thuốc trên núi.

“Tiếng lành đồn xa”, không chỉ người dân trong vùng mà các vùng lân cận, thậm chí từ các tỉnh khác cũng tìm đến. Đã chữa cho rất nhiều người bệnh nên ông đúc rút được nhiều kinh nghiệm. Giờ không cần trực tiếp thăm khám người bị rắn cắn mà chỉ nghe người nhà kể về tình trạng, triệu chứng là ông có thể biết được loại rắn nào cắn và có thể dự báo diễn biến tiếp theo.

Bà Xuân chia sẻ: “Giờ thì người bị rắn cắn ít hơn nhưng khoảng từ năm 1990-2000 thì rất nhiều. Mỗi ngày có 5-7 người tìm đến nhà để lấy thuốc. Chúng tôi chỉ giúp người chứ không nghĩ đến chuyện hành nghề nên không lấy tiền. Mãi sau này, quá nhiều người tha thiết đề nghị nên chúng tôi mới lấy. Giá thuốc được tính bằng ngày công lao động phổ thông”.

Thuốc có sẵn trên núi nhưng do phải dùng tươi nên mỗi lần có người đến lấy thuốc là ông Dần lại phải lên núi. Có hôm đang ăn cơm nhưng có người cần, ông lại gác đũa để lên rừng; hay 1-2h sáng, khi đang ngon giấc, ông cũng đi đào cây thuốc, vì hơn ai hết, ông biết, việc giải độc cho bệnh nhân không thể chậm trễ. Không chỉ bốc thuốc, đối với những bệnh nhân “thập tử nhất sinh”, ông còn đến tận nhà thăm khám, để điều chế thuốc cho phù hợp. Cách đây vài năm, nhận được cuộc gọi của một phụ nữ ở Đắk Nông kể về chuyện bố cô đang nằm chờ chết vì rắn cắn, ông liền lặn lội bắt xe vào tận nơi giúp họ.

Đã rất nhiều người bị rắn cắn rơi vào tình trạng “thập tử nhất sinh” đều được ông Dần cứu chữa thành công, như: anh Tài (Thạch Lâm, Thạch Hà), anh Lâm (Cẩm Mỹ), chị Liên (phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh)… Đặc biệt, cháu Phạm Văn Hòa bị rắn hổ mang Thái cắn nằm tê liệt được ông cứu chữa kịp thời, giờ là cán bộ công an và là con nuôi của ông bà…

Chị Nguyễn Thị Liên (phường Thạch Quý) cho biết: “Năm 2013, tôi bị rắn hổ mang cắn, khi vào viện thì đã nguy kịch. Bác sỹ chỉ sơ cứu và chuyển thẳng ra Bệnh viện Bạch Mai. Nằm viện 6 ngày thì bệnh viện trả về trong tình trạng liệt toàn thân. Người nhà của tôi đã gặp ông Dần lấy thuốc. Dùng khoảng 1 tháng thì bệnh khỏi hẳn, sức khỏe hồi phục hoàn toàn. Toàn bộ chi phí hết khoảng 3-4 trăm ngàn đồng”.

Mỗi câu chuyện là một cuộc “cải tử hoàn sinh” cho những người bị rắn độc cắn… Cứ thế, chúng tôi bị cuốn vào mà không hay ngoài kia màn đêm đã buông. Dẫn chúng tôi về qua những đoạn đường hoang vắng, ông Dần nói: “Ở đây rừng núi nên rắn rít nhiều. Hễ ai bị rắn cắn là cứ qua tôi. Trước đây, tôi không nghĩ là mình hành nghề này nhưng nó như cái nghiệp vấn vào thân. Nói thật, tôi chỉ là người giải độc nên với bất cứ bệnh nhân nào tìm đến, tôi cũng khuyên họ phải vào bệnh viện. Trong quá trình giải độc cũng phải có đủ phương tiện để cấp cứu. Điều này khác hẳn với những người đã được viện trả về… Làm nghề phải có đạo đức, phải nghĩ cho người bệnh trước. Tôi làm nghề không vì tiền, không vì mình nhưng tôi được cuộc sống đền đáp. Nhiều lần bị tai nạn rất nguy hiểm nhưng như có phép màu, tôi đều qua khỏi. Các con tôi được rất nhiều người tốt giúp đỡ. Có lẽ đó cũng là cái phước mà “nghiệp” đã mang đến cho tôi”…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast