“Giảm nhiệt” mức sinh

(Baohatinh.vn) - Đó là mục tiêu của chiến dịch tăng cường truyền thông vận động hỗ trợ nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ tại các vùng khó khăn, vùng đồng bào theo đạo, vùng có mức sinh cao đang được đồng loạt triển khai trên địa bàn toàn tỉnh.

Đưa dịch vụ đến vùng khó khăn

Là một trong những địa phương đứng đầu bảng về tỷ lệ sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, những tháng đầu năm 2014, huyện Kỳ Anh tập trung triển khai chiến dịch tăng cường truyền thông vận động hỗ trợ nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ tại các vùng khó khăn, vùng đồng bào theo đạo, đặc biệt là những vùng có mức sinh cao.

Tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho chị em phụ nữ xã Kỳ Giang (Kỳ Anh)
Tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho chị em phụ nữ xã Kỳ Giang (Kỳ Anh)

Có mặt tại buổi triển khai chiến dịch ở xã Kỳ Giang, chúng tôi thấy được sự sôi động, nhiệt tình hưởng ứng của bà con nơi đây. Ngay từ sáng sớm, các chị, các mẹ đã xếp hàng dài để chờ được lấy phiếu hẹn siêu âm, khám SKSS. Chị Thanh (xóm Tân Thành) cho biết: “Cả tuần nay, nghe loa phát thanh xã thông báo về việc siêu âm, đặt vòng miễn phí nên tôi nghỉ một buổi làm đồng để đến đây, không ngờ chị em đi đặt vòng cũng đông”.

Được biết, để chiến dịch đạt hiệu quả cao, trước đó, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện tổ chức truyền thông ở tất cả các xã. Nội dung tuyên truyền theo 4 chủ đề chính: Nghị quyết 78 của HĐND tỉnh, mất cân bằng giới tính khi sinh, KHHGĐ, sàng lọc trước sinh và sau sinh. Cán bộ truyền thông còn về tận các xóm để nói chuyện chuyên đề nhằm chuyển đổi hành vi của người dân về KHHGĐ. Theo kế hoạch, chiến dịch sẽ diễn ra từ ngày 1/4 - 20/4 với mục tiêu khám cho 1.760 lượt chị em trong độ tuổi sinh đẻ, trong đó: đặt vòng 600 trường hợp, dùng các biện pháp tránh thai khác hàng trăm ca; cấp thuốc miễn phí cho gần 1.000 chị em trong độ tuổi sinh đẻ.

Cũng trong không khí sôi động, đông đảo chị em phụ nữ xã miền núi Hòa Hải (Hương Khê) đã tham gia hưởng ứng chiến dịch. Với đặc thù là một xã biên giới, mật độ dân cư thưa, phân bố không đồng đều, nhiều thôn xóm cách xa trung tâm xã, giao thông cách trở nên việc tiếp cận các dịch vụ về CSSKSS/KHHGĐ đang gặp nhiều khó khăn. Hiện toàn xã có 7.300 dân, trong đó có 13% đồng bào theo đạo Thiên chúa. Xác định rõ vai trò quan trọng của chiến dịch, xã Hòa Hải đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú nhằm đưa thông tin đến mọi đối tượng, đặc biệt là những cặp vợ chồng đã có 2 con trở lên, sinh con một bề, chưa thực hiện các biện pháp KHHGĐ. Nhờ đó, kết quả chiến dịch đợt 1 tại Hòa Hải đạt cao.

Đẩy nhanh tiến độ

Điểm mới trong chiến dịch năm nay là địa bàn không chỉ tập trung ở các xã có mức sinh cao mà còn ở 41 xã phấn đấu về đích NTM trong năm 2014, 2015. Theo đó, 100/262 xã trong toàn tỉnh được hưởng lợi từ chiến dịch đợt 1 được triển khai từ 18/3 - 30/4. Theo đó, chỉ tiêu triệt sản đạt 60% kế hoạch năm, đặt dụng cụ tử cung đạt 75% và thuốc tiêm, thuốc cấy đạt 75% tại xã triển khai chiến dịch; khám, điều trị một số bệnh phụ khoa thông thường cho phụ nữ 15-49 tuổi; khám, siêu âm cho phụ nữ 15-49 tuổi nghi ngờ mắc bệnh bộ máy sinh sản, ưu tiên phụ nữ đã sinh đẻ; đảm bảo 95% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ và vị thành niên, thanh niên thuộc địa bàn chiến dịch được cung cấp thông tin, tư vấn nâng cao hiểu biết về SKSS/KHHGĐ.

Mặc dù đã đạt những kết quả đáng ghi nhận nhưng tiến độ thực hiện vẫn còn chậm so với kế hoạch. Tính đến thời điểm hiện tại, mới có 27/100 xã triển khai chiến dịch. Theo đó, có 1.132/5.023 người được cung cấp các biện pháp tránh thai lâm sàng; 2.816/15.000 người được khám viêm nhiễm đường sinh sản. Ông Nguyễn Huy Tú - Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh chia sẻ: “Năm nay, phụ nữ tham gia chiến dịch sau khi khám sẽ được cấp một số thuốc để điều trị nên thu hút đối tượng tham gia nhiều hơn. Tuy nhiên, do kinh phí từ trung ương về chậm nên tiến độ triển khai chiến dịch chậm so với kế hoạch. Thời gian tới, ngành dân số sẽ đẩy mạnh tiến độ để chiến dịch đợt 1 kết thúc vào ngày 30/4 và đạt chỉ tiêu đề ra”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast