Giảm tỷ lệ gia tăng dân số - Bài toán khó!

Với những người làm công tác dân số ở Hà Tĩnh, năm 2012 đã khép lại với nỗi băn khoăn trăn trở khi phần lớn các chỉ tiêu về công tác DS-KHHGĐ không đạt. Mục tiêu giảm tỷ lệ gia tăng dân số, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh đối với Ngành dân số đang ngày càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Những con số đáng báo động

Những năm gần đây, mức sinh của Hà Tĩnh không ổn định, thiếu bền vững, xu thế tăng sinh rõ rệt. Nếu nhìn lại với chỉ tiêu mức sinh 15,52%0 của năm 2012 thì công tác dân số đang lùi về thời điểm cách đây 10 năm.

Cũng theo báo cáo của Ngành dân số tỉnh năm 2012, xu thế tăng sinh đặc biệt là sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn chiếm tỷ lệ 23,11% ( tăng 3% so với năm 2011). Tình trạng này diễn ra ở hầu khắp trên địa bàn 12 huyện thị và đáng báo động nhất là ở một số huyện như: Lộc Hà 35,75%, Can Lộc 29,75%, Cẩm Xuyên 26,09%, Hương Khê 25,23%...

Điều đáng nói là trong 10 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đã có 303 cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách dân số. Số liệu gia tăng này cũng sẽ đồng nghĩa với vấn đề khó khăn trong công tác tuyên truyền vận động người dân một khi đảng viên đã không thực sự là những người gương mẫu đi đầu.

Cán bộ dân số huyện Thạch Hà tư vấn các biện pháp KHHGĐ cho người dân

Cán bộ dân số huyện Thạch Hà tư vấn các biện pháp KHHGĐ cho người dân

Theo đánh giá chung, Hà Tĩnh là tỉnh đứng thứ 2 trong 10 tỉnh có mức sinh cao nhất cả nước. Bên cạnh xu thế tăng sinh, tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh trên địa bàn cũng đã trở thành một vấn đề nóng bỏng. Theo số liệu từ Chi cục Dân số tỉnh, đến thời điểm hiện tại tỷ lệ chênh lệch giới tính ở Hà Tĩnh là 115bé trai/100 bé gái, trong đó một số huyện đã vượt ngưỡng cho phép như Nghi Xuân 122/100; Hương Sơn 120/100; Lộc Hà 119/100; Đức Thọ 118/100.....

Chị T- Một cán bộ dân số ở Đức Thọ cho biết: “ Bám sát địa bàn cơ sở, trăn trở với phong trào, thao thức với từng đợt chiến dịch nhưng kết quả cuối với chúng tôi thật đáng buồn”. Nỗi niềm của chị T cũng chính là nỗi niềm chung của hàng trăm cán bộ dân số cấp cơ sở khi tâm huyết, công sức của họ đã không mang về kết quả như mong muốn. Và cùng với những nỗi lo trên Hà Tĩnh còn phải đối mặt với khó khăn thách thức khi thời điểm dân số vàng đã đi qua, xu hướng già hóa dân số đang dần hiện hữu.

Giảm tỷ lệ gia tăng dân số- bài toán khó

Anh Phan Huy Tú – Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: “Trong bối cảnh hiện nay, việc thực hiện các chỉ tiêu về công tác Dân số- KHHGĐ quả là bài toán khó. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu vẫn là tư tưởng trọng nam khinh nữ còn ăn sâu vào tiềm thức của người dân ở một số vùng quê khiến họ tìm đủ mọi cách để sinh con trai, kể cả can thiệp lựa chọn giới tính cho thai nhi. Việc một bộ phận cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách dân số cũng khiến công tác tuyên truyền vận động người dân thêm nhiều trở ngại ...”

Ngoài quan niệm lạc hậu về “đông con hơn nhiều của”, “trời sinh voi sinh cỏ” thì năm 2012 - năm Nhân Thìn được người dân cho là năm tuổi đẹp, vì thế, nhiều cặp vợ chồng đã quyết tâm sinh cho được rồng vàng. Và thay vì việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức cho người dân, tăng cường chiến dịch chăm sóc SKSS - KHHGĐ đến vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, năm nay chỉ tiêu và kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia về với tỉnh quá muộn nên việc chủ động triển khai kế hoạch thực hiện các chỉ tiêu của ngành hết sức khó khăn.

Anh Phạm Bá Quyền – Giám đốc Trung tâm dân số huyện Thạch Hà cho biết: “Ở tất cả các huyện việc triển khai chiến dịch đều gặp khó khăn, bởi giữa tháng 5 Trung ương mới giao chỉ tiêu và kinh phí các Chương trình mục tiêu quốc gia, đến tháng 6 tỉnh mới phân khai được kinh phí. Để chủ động thực hiện chiến dịch, trước đó đội ngũ cán bộ ở Trung tâm chúng tôi đã tình nguyện cho vay tiền lương để phân về cho các xã thực hiện chiến dịch. Mặc dù vậy hiệu quả cũng chưa được như mong muốn, bởi thực tế việc xây dựng kế hoạch, tuyên truyền vận động phải thực sự được khởi động sớm ngay từ những ngày đầu năm”.

Cũng với sự chậm trễ về nguồn kinh phí thì những bất cập trong vấn đề chế độ chi trả phụ cấp cho đội ngũ chuyên trách, CTV dân số cơ sở cũng đã gây ảnh hưởng đến tâm lý, hiệu quả và chất lượng hoạt động. Chị H – một chuyên trách dân số ở huyện Nghi Xuân cho biết: “Với mức thu nhập quá khiêm tốn, chuyên trách hơn 400 ngàn đồng/tháng, CTV dân số 50 ngàn đồng/tháng, mà vẫn còn bị chậm gần nửa năm thì làm sao động viên được tinh thần làm việc của đội ngũ cán bộ dân số cơ sở. Thực tế, sau khi tiến hành sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy dân số, chúng tôi đã rất hy vọng vào một tương lai mới nhưng càng chờ đợi lại càng thêm buồn bởi mức lương thì quá thấp trong khi các quyền lợi khác như: bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, phụ cấp ưu đãi nghề...không được hưởng nên nhiều người trong chúng tôi đã có tư tưởng hoang mang, chán nản không còn chú tâm vào công việc”.

Bên cạnh đó sự nới lỏng nhanh chóng các biện pháp xử phạt hành chính và việc chưa xử lý nghiêm các cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhà nước vi phạm chính sách DS-KHHGĐ đã có tác động không tích cực đến phong trào quần chúng nhân dân thực hiện chính sách DS-KHHGĐ.

Thực tế cho thấy việc giảm tỷ lệ gia tăng dân số, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh nhà vẫn đang là bài toán khó. Tuy nhiên ý thức rõ hệ lụy lâu dài của vấn đề này cùng với quyết tâm cao độ của toàn xã hội mà đặc biệt là tâm huyết của những người làm công tác dân số chắc rằng bài toán này sẽ sớm tìm ra đáp số. Mặc dù vậy, các cấp ngành lên quan cũng cần phải có một chiến lược đầu tư lâu dài cho công tác DS-KHHGĐ và giải pháp quan trọng nhất vẫn là đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động đồng thời đi đôi với việc tăng cường các dịch vụ chăm sóc SKSS đến tận người dân trên mọi vùng quê .

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast