Gian nan nâng cao chất lượng dân số vùng biên

(Baohatinh.vn) - Với chiều dài 145 km đường biên tiếp giáp với nước bạn Lào, ngoài 8 xã vùng biên thuộc 3 huyện Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê, Hà Tĩnh còn có rất nhiều địa bàn địa hình phức tạp, đi lại khó khăn. Ví trí địa lý, khoảng cách vùng miền và cuộc sống khó khăn của người dân miền biên viễn là những lý do khiến công tác nâng cao chất lượng dân số thêm khó.

Tư tưởng trọng nam, khinh nữ

Mất gần 2 giờ đồng hồ vật lộn với tuyến đường ngoằn ngoèo, mịt mù bụi đỏ, chúng tôi mới vượt qua được gần 60 km từ Trung tâm Dân số huyện Hương Sơn để đến với người dân xóm 1, xã Sơn Hồng. Mặc cho cái nắng như đổ lửa, người dân nơi đây vẫn tập trung đông đúc trước nhà anh Uông Công Giáo và chị Bùi Thị Lý để nghe cán bộ dân số tuyên truyền kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản. Bế trên tay đứa trẻ 5 tháng tuổi đang khóc vì nắng nóng, chị Bùi Thị Lý chia sẻ: “Đây là cháu thứ 4 của chúng tôi, vì chồng đi xa thỉnh thoảng mới về, lỡ kế hoạch nên đành chấp nhận sinh thêm”.

Gian nan nâng cao chất lượng dân số vùng biên ảnh 1

Cán bộ dân số xã Sơn Hồng (Hương Sơn) đến tận nhà tuyên truyền, hướng dẫn phương pháp chăm sóc sức khỏe sinh sản và KHHGĐ cho người dân.

Chị Nguyễn Thị Thu Hà - cán bộ dân số xã cho biết: “Năm 2014, tỷ lệ sinh con thứ 3 ở Sơn Hồng là 26%, cao hơn tỷ lệ bình quân của huyện (18,9%). Những tháng đầu năm nay, tình trạng sinh con thứ 3 vẫn chưa có chiều hướng giảm. Đặc biệt, các trường hợp sinh con thứ 4 cũng không phải là hiếm bởi tư tưởng trọng nam, khinh nữ vẫn còn tồn tại trong suy nghĩ của bà con”.

Là một trong những hộ cận nghèo của xã nhưng vì mong muốn có con trai để nối dõi tông đường nên chị Hồ Thị Trâm (xóm 2, Sơn Hồng) vẫn quyết định sinh con thứ 4. Chị cho biết: “Dù đã có 3 con gái nhưng vì chồng là tộc trưởng nên tôi vẫn phải gắng để sinh bằng được con trai. Và đứa thứ 4 này đã biến mong ước của vợ chồng tôi thành hiện thực. Khó có thể tả hết niềm vui của chồng, từ ngày có thằng cu, tính tình anh vui vẻ hẳn, không cáu gắt vợ con như trước nữa. Lần này thì tôi yên tâm để thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình rồi”. Cuộc sống khó khăn, chỉ quanh quẩn với 3 sào ruộng, nay sinh thêm con nên vợ chồng chị Trâm càng vất vả kiếm kế sinh nhai.

Công tác truyền thông - muôn bề khó

Đội ngũ cán bộ làm công tác dân số trên địa bàn các xã biên giới, vùng sâu, vùng xa thuộc các huyện miền núi vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong công tác truyền thông. Địa bàn rộng, chia cắt, người dân sống thưa thớt, loa truyền thanh hầu như không phát huy tác dụng trong khi chưa có sóng truyền hình của tỉnh... là những yếu tố ảnh hưởng đến công tác truyền thông dân số.

Chị Nguyễn Thị Thuận - cộng tác viên dân số xóm 2, xã Sơn Hồng cho biết: “Địa bàn xóm xa nhất đến trung tâm xã cũng gần 13 km, riêng xóm chúng tôi gần hơn nhưng cũng trải rộng trên 3 km, lại bị chia cắt nên việc đến từng ngõ, gõ từng nhà cố gắng lắm cũng chỉ được 2 lần/năm vào dịp thực hiện chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản. Việc tuyên truyền trên loa phát thanh càng không thể bởi không có loa cầm tay, loa phát thanh không phủ sóng được đến từng nhà và ti vi thì cũng không xem được”.

So với một số xóm trên địa bàn xã Sơn Hồng, công tác tuyên truyền ở xóm 1 vất vả hơn nhiều bởi địa bàn không chỉ xa mà còn chia cắt do cầu Sắt bắc qua Khe Cò đã bị lũ cuốn chưa được sửa chữa, người dân chỉ biết lội nước băng khe. Chị Nguyễn Thị Thu Hà cho biết: “Mùa mưa đến thì 200 hộ bên kia khe dường như bị cô lập. Người dân muốn đi lại còn khó nói gì đến công tác tuyên truyền dân số”.

Chị Nguyễn Thị Ngọ - cộng tác viên dân số xóm 5, xã Đức Bồng (Vũ Quang), người đã gắn bó với công tác dân số hơn 10 năm nay tâm sự: “Tôi không biết độ dài rộng của xóm bao nhiêu. Chỉ biết rằng, với hơn 100 hộ dân nằm rải rác tại 7 địa điểm khác nhau, tôi đạp xe đi cả ngày cũng không thể hết. Mùa này còn đỡ chứ mùa mưa là phải dùng thuyền, bấp bênh, nguy hiểm lắm. Biết rõ từng khó khăn và thường xuyên bám địa bàn để kịp thời tuyên truyền chủ trương, chính sách về công tác dân số nhưng xem ra vẫn còn lắm gian nan. Địa bàn rộng nên hạn chế trong công tác tuyên truyền. Để đến tận từng đối tượng, gắng lắm cũng chỉ một năm 2 lần, đó cũng là một trong những lý do khiến tỷ lệ sinh con thứ 3 ở những vùng này chưa giảm”.

Anh Võ Xuân Cảnh - Giám đốc Trung tâm Dân số Vũ Quang cho biết: “Với các xã vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn nên ngân sách của xã cũng không có nhiều. Hơn nữa, chưa có chính sách hỗ trợ đặc thù cho công tác dân số nên mục tiêu nâng cao chất lượng dân số nơi đây lại càng khó khăn hơn. Hiện tại, ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, chúng tôi chỉ biết trông chờ vào mô hình thí điểm chính sách kiểm soát dân số tại khu vực biên giới để hành trình đưa chủ trương, chính sách về dân số đến với người dân bớt gian nan”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast