Hết thuốc hay….vô cảm

Khoảng hơn 12 giờ đêm 30-9, con gái tôi bị sốt nhẹ. Vợ chồng tôi vội vàng đi mua thốc hạ sốt cho con. Vợ tôi khẳng định chắc “như đinh đóng cột”: Lên Nhà thuốc của Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ở đó, thuốc gì cũng có và giờ nào cũng bán và “chính thống” nhất.

Tôi cùng vợ lên hiệu thuốc nằm trong khuôn viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh, ngay phía trong cổng ra vào. Hiệu thuốc to vật vã với tấm biển: “Nhà thuốc của Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Phục vụ 24/24”. Cửa đóng, trong phòng đèn điện sáng. Tôi mừng thầm vì biết rằng giờ này các hiệu thuốc Tây khác đã đóng. Vợ tôi nhanh chóng vào gọi cửa. “Mua gì?” – một phụ nũ giọng còn ngái ngủ hỏi vọng ra. Khi nghe trình bày cần mua thuốc hạ sốt trẻ em và kim tiêm “con bướm” thì cô ta lạnh lùng: đã hết. Không tin được hiệu thuốc của Bệnh viện lớn thế này mà hết những thứ cơ bản đó, vợ tôi cố gắng nài nỉ nhưng câu trả lời vẫn là: không còn!? Cửa hiệu thuốc vẩn đóng. Bức xúc, tôi to tiếng, yêu cầu mở cửa nhưng người phía trong vẫn không mở với điệp khúc: đã hết.

Nóng ruột vì con ốm, chúng tôi đành đi tìm các hiệu thuốc khác. Cũng may, sau một vòng tìm kiếm, tôi cũng mua được những thứ mình cần tại một nhà thuốc tư.

Về nhà cho con uống thuốc và chuyền, cháu dần hạ sốt. Mừng cho con mà tôi không hết bức xúc. Một hiệu thuốc lớn của Bệnh viện Đa khoa tỉnh mà thiếu những thứ cơ bản đó có lẽ là điều khó chấp nhận và càng không thể chấp nhận thái độ của người trực bán hàng. Vẫn biết rằng hiệu thuốc chỉ là dịch vụ nhưng có thể nào “thuận mua, vừa bán” trên sức khoẻ, sinh mạng con người không?. Hơn nữa đây lại là nhà thuốc của Bệnh viện Đa khoa tỉnh với tiêu chí “phục vụ bệnh nhân” là trên hết. Giả sử lúc đó hết thuốc thật thì lẽ ra với trách nhiệm của một “Lương y”, người trong hiệu thuốc phải mở cửa, trình bày và hướng dẫn vợ chồng tôi những điều cần thiết mới xứng danh “Từ Mẫu”. Tôi biết rằng, để có đủ điều kiện “đứng” trong hiệu thuốc phải là người có trình độ y tế nhất định, học ngành y hẳn hoi. Và chắc chắn rằng cô ta vẫn chưa thể quên lời thề Hipocrates. Thế mà, người trong nhà thuốc hôm đó đã lạnh lùng từ chối lời khẩn cầu của người nhà bệnh nhân.

Được biết, thời gian gần đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã có nhiều biện pháp nhằm thay đổi chất lượng phục vụ và một trong những biện pháp cơ bản nhất là chấn chỉnh phong cách làm việc của đội ngũ y, bác sỹ; đặt y đức lên hang đầu. Thế nhưng, trường hợp người bán thuốc tại hiệu thuốc đêm nay cho tôi một suy nghĩ rằng: Hình như đối với một vài cá nhân, y đức vẫn là món hàng xa xỉ và “vô cảm” đã trở thành một chứng bệnh trầm kha chưa có thuốc giải.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast