Huy động toàn dân tham gia phòng chống cúm A/H7N9

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành và chính quyền các cấp, nhận thức và hành động của người dân có vai trò quan trọng đối với phòng chống dịch cúm A/H7N9.

Tích cực phòng chống dịch là giải pháp cơ bản đối phó với cúm A/H7N9.
Tích cực phòng chống dịch là giải pháp cơ bản đối phó với cúm A/H7N9.

Tại Hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch cúm A/H7N9 tổ chức ngày 12/4, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, đây là biện pháp cơ bản nhất trong phòng chống dịch cúm A/H7N9, được rút ra từ kinh nghiệm khống chế thành công dịch SARS trước đây.

Còn theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, phải làm cả xã hội nhận thức đúng nguy cơ dịch bệnh để người dân đồng thuận và tích cực tham gia phòng chống dịch. Do vậy, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị các cấp chính quyền, đặc biệt là người dân cùng chung tay phòng chống dịch cúm A/H7N9.

Đến thời điểm này, Bộ Y tế đã triển khai nhiều giải pháp phòng chống dịch cúm A/H7N9 như: ban hành hướng dẫn, xây dựng kế hoạch phòng chống, giám sát, lấy mẫu bệnh phẩm và đưa ra phác đồ điều trị, tập huấn cho các cán bộ y tế ở các tuyến…

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã thiết lập mạng lưới các bệnh viện sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân, lập khu vực cách ly để đối phó với dịch cúm A/H7N9; tổ chức chiến dịch tuyên truyền vận động người dân vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân…

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị các cơ sở y tế cần chuẩn bị đủ cơ số thuốc, trang thiết bị bảo hộ y tế để sẵn sàng chống dịch.

Hiện Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Tổ chức Nông Lương Thế giới (FAO) đang triển khai lấy mẫu nhằm phát hiện chủng cúm A/H7N9 tại 60 chợ, điểm thu gom gia cầm thuộc các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hà Nội, Ninh Bình và Nam Định.

Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông cho biết, Cục Thú y đang tiến hành xét nghiệm xác định chủng vi rút cúm trong các mẫu bệnh phẩm lấy từ chim yến ở Ninh Thuận và chim trĩ ở Tiền Giang. Cục Thú y cũng chỉ đạo Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương chuẩn bị tập huấn và phân cấp xét nghiệm H7N9 để phòng chống dịch.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, hiện nay do chưa có vắc xin cúm A/H7N9 nên cần triển khai các giải pháp đồng bộ bao gồm từ giám sát, tiêu độc khử trùng, an toàn sinh học tại các trại chăn nuôi, siết chặt vận chuyển và tiêu thụ gia cầm, gia súc không rõ nguồn gốc, đặc biệt từ nhập lậu...

Cùng với giải pháp kỹ thuật cần có chính sách hỗ trợ kịp thời, phù hợp để khuyến khích người dân tham gia phòng chống dịch. Thậm chí, địa phương, theo thẩm quyền, có thể chủ động ban hành chính sách điều chỉnh hỗ trợ tùy vào điều kiện để nâng cao khả năng phòng chống dịch bệnh.

Tại Hội nghị, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, TS Takeshi Kasai cho biết, WHO cam kết hỗ trợ Việt Nam trong cảnh báo và phòng chống bệnh cúm A/H7N9.

Theo WHO, đến ngày 11/4, Trung Quốc đã phát hiện 38 trường hợp nhiễm cúm A/H7N9, trong đó 10 trường hợp đã tử vong.

Theo chinhphu.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast