Khống chế nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết

Thời gian qua, dịch sốt xuất huyết (SXH) diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh. Tính đến thời điểm này, có gần 800 trường hợp mắc SXH, tăng đột biến so với những năm trước. Trước tình trạng đó, ngành y tế đã vào cuộc một cách quyết liệt và tích cực phối hợp với chính quyền các cấp thực hiện nhiều biện pháp phòng chống. Đến nay, dịch SXH về cơ bản đã được khống chế; nhiều vùng điểm đã không còn bệnh nhân mắc dịch mới.

Dịch SXH xuất hiện tại tỉnh ta từ tháng 7 và nhanh chóng lan ra diện rộng. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có đến gần 800 ca/10 huyện, thị mắc dịch. Đặc biệt, có nhiều địa phương SXH đã diễn biến với tốc độ nhanh như Hương Khê (10 ngày có 100 ca mắc SXH), Kỳ Anh…

Phun thuốc diệt muỗi, phòng chống dịch sốt xuất huyết ở Hộ Độ (Lộc Hà).

Phun thuốc diệt muỗi, phòng chống dịch sốt xuất huyết
ở Hộ Độ (Lộc Hà).

Để ứng phó với tình hình đó, ngành y tế đã vào cuộc một cách quyết liệt. Trung tâm y tế dự phòng (TTYTDP) tỉnh; các TTYTDP huyện, thị bám sát địa bàn, nhất là các vùng điểm, phối hợp với các địa phương triển khai các biện pháp phòng chống. Ông Trịnh Đình Văn - Trưởng khoa dịch bệnh TTYTDP huyện Hương khê cho biết: Sau khi phát hiện ca bệnh đầu tiên (ngày 31/8), chúng tôi đã trực tiếp bám sát địa bàn điều tra dịch tễ và triển khai các biện pháp phòng chống. Dịch diễn biến với tốc độ rất nhanh. Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của huyện đã kịp thời chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với biện pháp mạnh, tập trung xử lý vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, diệt bọ gậy, hướng dẫn bà con cách chủ động phòng chống. Đến nay, dịch SXH đã được khống chế. Từ 4 ngày nay không còn người mắc mới; các bệnh nhân SXH đều đã ổn định trở về nhà.

Tại Kỳ Anh, một điểm nóng về SXH của tỉnh cũng đã được “hạ nhiệt” hiệu quả. Trong tuần qua, trong địa bàn toàn huyện không còn người mắc dịch mới. Điều đáng ghi nhận, qua đợt dịch này, ý thức phòng chống dịch bệnh của người dân được nâng lên rõ rệt. Chị Nguyễn Thị Lan, ở xã Kỳ Hải cho biết: “Trước đây chúng tôi không để ý đến dịch bệnh lắm. Khi nào đau thì ra hiệu thuốc lấy thuốc về uống; có đau nặng mới đi viện. Nhưng qua đợt dịch vừa rồi, chúng tôi được tiếp cận rất nhiều thông tin về dịch bệnh SXH và sẽ ý thức phòng tránh, không chỉ cho riêng bản thân mình mà còn cho cả gia đình”. Với TTYTDP huyện, mặc dù dịch bệnh đã ổn định nhưng theo ông Võ Văn Nam - Trưởng khoa dịch bệnh, hiện cán bộ TTYTDP huyện vẫn tiếp tục bám sát địa bàn các điểm nóng vừa qua, phối hợp với cán bộ y tế xã giám sát thường xuyên, đề phòng dịch có nguy cơ quay trở lại để có biện pháp khống chế kịp thời, không để dịch lây lan ra diện rộng.

Tính riêng trong tuần qua, toàn tỉnh chỉ còn 89 trường hợp mắc dịch SXH, nằm rải rác ở các huyện, thị; các điểm nóng đã được khống chế. Bác sỹ Nguyễn Chí Trung – Phó Khoa kiểm soát dịch bệnh, TTYTDP tỉnh cho biết: Ngoài hiệu quả của các biện pháp phòng chống dịch của các cơ quan chức năng trong thời gian qua, yếu tố thời tiết, mưa lớn và có lạnh trong dịp này cũng đã góp phần làm giảm các nguy cơ mắc và lây lan dịch SXH. Đến thời điểm này, dịch đã tạm thời được khống chế nhưng chúng ta cũng không nên chủ quan. Sau lũ lụt này, thời tiết lại có thể nắng nóng thì không chỉ có nguy cơ dịch SXH có thể quay trở lại bùng phát mà còn kéo theo nhiều dịch bệnh khác nữa. Vì vậy, người dân cần chủ động đề phòng. Cần chú ý xử lý môi trường, đảm bảo vệ sinh và sử dụng nguồn nước ăn, uống, sinh hoạt đảm bảo.

Bác sỹ Võ Viết Quang - Trưởng phòng nghiệp vụ y, Sở Y tế cho biết: Nhìn chung, đại đa số bệnh nhân mắc SXH trong đợt này biểu hiện lâm sàng ở dạng sốt Dengue và SXH Dengue ở độ 1, độ 2; chỉ có 2 trường hợp ở độ 3. Đại đa số bệnh nhân đều được thu dung điều trị tại tuyến xã, chỉ có 10% điều trị tại tuyến huyện và 10% điều trị tại tuyến tỉnh. Hầu hết cán bộ y tế phục vụ đều được tập huấn phác đồ chẩn đoán và điều trị sốt Dengue và SXH Dengue của Bộ Y tế nên công tác điều trị được triển khai rất hiệu quả.. Ngoài ra, ngành cũng luôn sẵn sàng phương án ứng phó thu dung điều trị bệnh nhân rất chu đáo. Có kế hoạch dự trữ thuốc, dịch chuyền, kể cả dịch cao phân tử (dự phòng cho bệnh nhân nặng) và có Đội cấp cứu ngoại viện luôn trực 24/24… với mục tiêu cao nhất là không để bệnh nhân SXH tử vong. Hiện, chỉ còn 22 bệnh nhân điều trị tại các tuyến ở dạng nhẹ, còn lại đã ổn định trở về nhà.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast