“Không kỳ thị, phân biệt đối xử với người bị nhiễm HIV/AIDS”

"Không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS" đã trở thành một trong những giải pháp, hành động tích cực của cộng đồng xã hội và được pháp luật quy định, bảo hộ trong thực hiện chiến lược phòng chống HIV/AIDS toàn cầu. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc thực hiện mục tiêu nói trên đang là vấn đề cần được quan tâm. Vẫn còn rất nhiều người nhiễm HIV/AIDS bị phân biệt đối xử.

Đã hơn 6 năm, kể từ ngày N.T.A phát hiện mình có H. chị được Trung tâm HIV/AIDS tỉnh quản lý và điều trị thuốc ARV. Nhờ vậy, chị vẫn giữ được sức khỏe như ngày nào. Điều khiến chị buồn phiền nhất bấy lâu là vấn đề công việc.

Cán bộ Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh phát tờ rơi tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS
Cán bộ Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh phát tờ rơi tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS

Chị A chia sẻ: Bị lây nhiễm từ chồng, đã hơn 6 năm rồi nhưng tôi chưa có dầu hiệu gì của bệnh tật cả. Tôi vẫn khỏe mạnh như mọi người. Tuy không bị kỳ thị nữa nhưng chúng tôi vẫn còn bị đối xử phân biệt. Trước đây, tôi làm giáo viên mầm non nhưng từ khi biết chồng tôi chết vì H., biết tôi bị lây nhiễm từ chồng, thế là tôi bị nhà trường cho nghỉ việc. Sau đó, buồn quá, tôi đi học thêm lớp trung cấp kế toán nữa. Giờ có trong tay đến hai tấm bằng, một bằng sư phạm mầm non, một bằng kế toán nhưng không có cơ hội để làm việc. Đến xin bất cứ ở đâu, họ cũng từ chối.

Không những chỉ xã hội phân biệt đối xử mà ngay cả chính những người thân cũng còn có những hành vi này đối với họ. Chị L.T.H, quê ở Hương Sơn tâm sự: Mình còn khỏe, còn trẻ nên rất muốn được tự lập cuộc sống bản thân. Mơ ước giản đơn vậy thôi nhưng rất khó thực hiện. Biết mình có H. nên không ai chịu thuê mình làm gì cả. Ở nhà mãi cũng chán! Vừa rồi có ông Bác nằm việc. Bác chạy thận nhân tạo giai đoạn cuối. Bác rất thương mình. Vì vậy, Bác bảo mình xuống chăm sóc bác ở bệnh viện rồi bác trả tiền công cho. Mình xuống chăm sóc bác được đúng một ngày thì mấy anh chị tỏ vẻ không đồng tình và cho mình nghỉ. Đấy, chăm sóc người sắp mất mà người ta cũng còn sợ huống chi…

Đó là hai trong rất nhiều câu chuyện mà những người có H đã chia sẻ. Thực tế hiện nay, mặc dù chúng ta đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS, về thực hiện luật phòng chống HIV/AIDS về tận các đường làng, góc phố, vùng sâu vùng xa… nhưng sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người có H vẫn còn phổ biến. Có nhiều nguyên nhân nhưng trước hết là do thiếu hiểu biết về HIV/AIDS. Những cụm từ như "đại dịch", "hiểm họa", "tử thần" thường được dùng đi kèm với HIV/AIDS lâu nay được hiểu không đầy đủ vô hình chung đã tạo ấn tượng về sự mặc cảm, lo sợ dẫn đến biểu hiện ngại tiếp xúc, xa lánh và kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.

ĐVTN tham gia hội thi tìm hiểu kiến thức về HIV/AIDS
ĐVTN tham gia hội thi tìm hiểu kiến thức về HIV/AIDS

Luật phòng chống HIV/AIDS được Quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 29/6/2006 và có hiệu lục từ ngày 01/01/2007, trong đó tại điều 8 đã ghi rõ những hành vi bị cấm, bao gồm kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. Tại điều 4 cũng đã nêu rõ về quyền của người nhiễm HIV/AIDS: Sống hòa nhập với cộng đồng và xã hội; được điều trị và chăm sóc sức khỏe; học văn hóa, học nghề, làm việc… Như vậy, pháp luật Việt Nam đã qui định, người nhiễm HIV/AIDS hoàn toàn bình đẳng với mọi người, thậm chí, họ cần được mọi người quan tâm hơn vì họ là những bệnh nhân.

Việc kỳ thị, phân biệt đối xử, không tạo điều kiện cho người nhiễm HIV/AIDS hòa nhập cộng đồng... là những hành vi cần lên án. Không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS không chỉ thể hiện hiểu biết đúng đắn về một căn bệnh trong cộng đồng xã hội mà còn thể hiện văn minh, văn hóa "Sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật".

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast