Không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS

(Baohatinh.vn) - Thời gian qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Nhiều bệnh nhân có H vẫn tiếp tục sống khỏe mạnh, sống có ích, xây dựng hạnh phúc và tích cực tham gia phòng, chống HIV/AIDS cho cộng đồng. Tuy nhiên, đâu đó, sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS vẫn còn trong cộng đồng, cần được xóa bỏ.

Có H vẫn có thể sống khỏe, sống có ích…

Không may bị lây nhiễm H từ chồng, từ một giáo viên mầm non, M.A đã bị sự kỳ thị, phân biệt đối xử của các bậc phụ huynh và cả đồng nghiệp. Những ngày đầu, A. sống trong nỗi cô đơn và tuyệt vọng, nhưng sau khi đến Trung tâm Y tế dự phòng để được tư vấn CSSK và phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS thì nỗi khát khao cuộc sống tươi đẹp trong A. tiếp tục trỗi dậy. A. đã tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho cộng đồng; tham gia CLB “Vì ngày mai tươi sáng”. Và cũng chính từ môi trường này, A. đã gặp T., một thầy giáo có H. Cả hai yêu thương và cùng nhau xây dựng hạnh phúc.

Không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS ảnh 1

Hàng ngày, H tận tình chăm sóc những mầm non tương lai của đất nước

Trong ngôi nhà ấm áp đầy tiếng cười con trẻ, chị A. chia sẻ: Cuộc sống hôm nay của chúng tôi như một phép màu kỳ diệu. Chúng tôi đã sinh được 2 cháu hoàn toàn không nhiễm H., sức khỏe của vợ chồng đến bây giờ vẫn ổn định. Có được cuộc sống này, ngoài khát khao nuôi dưỡng hạnh phúc, sự lạc quan, thì sự hỗ trợ của các chương trình phòng, chống HIV/AIDS rất lớn. Chúng tôi tuân thủ điều trị và thường xuyên cập nhật các thông tin mới liên quan để giúp cho bản thân cũng như gia đình, cộng đồng.

Không chỉ vợ chồng chị A., trong CLB “Vì ngày mai tươi sáng” đã có đến 6 cặp đôi tự nguyện đến với nhau và cùng nhau xây dựng hạnh phúc. Chị Lê Thị Hương Mơ ở thôn Kỳ Phong (xã Thạch Đài, Thạch Hà), một thành viên của CLB cho biết: Các bạn thành đôi bây giờ đều có cuộc sống hạnh phúc như bao gia đình khác. Có cặp đã sinh được 2 cháu, có cặp thì mới sinh được 1 cháu nhưng tất cả đều khỏe mạnh. Mừng nhất là các thành viên mới sinh không có H vì các bà mẹ đều được điều trị dự phòng tốt lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.

Có H nhưng vẫn sống khỏe, sống có ích nếu tuân thủ điều trị và sống lạc quan, tích cực. Cô giáo Đỗ Thị Thu Hà ở Trường Mầm non Sơn Kim 1 (Hương Sơn) là một điển hình. Bị lây nhiễm H từ năm 2006, nhưng đến nay cô vẫn khỏe mạnh, xinh đẹp, vừa giỏi việc nước, vừa đảm việc nhà. Còn nhớ, hồi mới bị nhiễm, khi mà sự kỳ thị, phân biệt đối xử còn nặng nề thì chính cô là một trong những người dám đối diện với chính mình và xã hội để nói lên những mong muốn tha thiết là chị em hãy biết tự bảo vệ chính mình để không bị lây nhiễm từ chồng, từ bạn tình. Cũng chính thái độ tích cực, đầy trách nhiệm trong tham gia phòng, chống HIV/AIDS cho cộng đồng nên mọi người xung quanh đã giang rộng vòng tay cùng cô. Cô được Ban Giám hiệu nhà trường tạo điều kiện công tác như bao giáo viên khác, vẫn hàng ngày tận tình chăm sóc những mầm non tương lai của đất nước.

Cô giáo Thu Hà vui vẻ: “Đã gần 8 năm sống chung với H nhưng mình vẫn khỏe mạnh. Bởi thế, mình muốn chuyển tới những người có H một thông điệp: Có H không có nghĩa là hết. Tuân thủ điều trị ARV, sống tích cực thì chúng ta vẫn sống vui, sống khỏe và sống có ích như bao người khác”.

Không kỳ thị, phân biệt đối xử với người bị nhiễm HIV/AIDS

Mặc dù công tác phòng, chống HIV/AIDS đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, nhưng thực tế trong cộng đồng hiện nay vẫn còn nhiều người nhận thức chưa đầy đủ về bệnh dịch; vẫn còn sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.

Cách đây chừng một tháng, một cán bộ Làng trẻ mồ côi tỉnh phát hiện một cháu bé bị bỏ rơi trước cổng làng trẻ. Sau khi kiểm tra sức khỏe thì được biết, cháu bị nhiễm HIV. Theo phỏng đoán của nhiều người, có thể cháu bị bỏ rơi vì lý do mắc bệnh.

Không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS ảnh 2

Cán bộ Hội LHPN Hà Tĩnh tặng quà cho cháu Võ Phúc Khang, dù chưa đầy tháng nhưng đã nhiễm HIV và bị bố mẹ bỏ rơi, hiện đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Làng trẻ mồ côi tỉnh.

Cũng ngay trong làng trẻ, có hai cháu có mẹ bị nhiễm HIV/AIDS, cháu lớn học lớp 10, cháu bé học lớp 5. Hai cháu quê ở Kỳ Anh; bố đã mất vì HIV/AIDS; mẹ bị lây nhiễm từ bố. Do bị bạn bè kỳ thị, phân biệt đối xử nên gia đình đã phải gửi hai cháu vào đây để ổn định tâm lý và đảm bảo việc học hành. Từ khi về với làng trẻ, tâm lý hai cháu đã ổn định trở lại, sống vui vẻ, hòa đồng.

Sự kỳ thị với bệnh dịch HIV/AIDS còn diễn ra trong chính những người có H. Anh Phan Văn Tính, ở Cẩm Thành (Cẩm Xuyên) cho biết: “Đáng lo ngại nhất là những người bị H không đối diện với chính mình. Nhiều người giấu bệnh, sống trong lo âu, mặc cảm nên không tốt cho sức khỏe, nhanh suy sụp, mặt khác, nhiều người sống không tích cực, không đề cao trách nhiệm phòng lây nhiễm cho cộng đồng nên tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ”…

Cần lắm những bàn tay để những người nhiễm H có cơ hội nắm lấy. Đó là thông điệp cuộc sống giúp người có H thêm nghị lực vươn lên, chiến thắng bệnh tật và sống có ích.

Không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS ảnh 3

Hội LHPN tỉnh trao hỗ trợ 50 triệu đồng cho chị Lê Thị Hương Mơ, ở thôn Kỳ Phong, xã Thạch Đài (Thạch Hà) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, lấy chồng vừa sinh con thì chồng bị chết vì HIV/AIDS, chị cũng bị lây nhiễm căn bệnh từ chồng.

HIV/AIDS có thể trở thành đại dịch nguy hiểm nếu chúng ta không chủ động phòng, chống tích cực. Phòng chống HIV/AIDS là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài, cần có sự phối hợp của các cấp ủy đảng, các bộ, ngành, chính quyền các cấp và là bổn phận, trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi gia đình và cộng đồng.

Phòng, chống HIV/AIDS phải dựa trên nguyên tắc đảm bảo quyền con người, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV; chú trọng đến phụ nữ, trẻ em, các đối tượng dễ bị lây nhiễm, đồng bào dân tộc ít người và người dân sống ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast