Không kỳ thị và phân biệt, đối xử với người nhiễm HIV/AIDS

(Baohatinh.vn) - Đó là chủ đề của Lễ mít tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2014 được BCĐ phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tỉnh phối hợp với huyện Hương Sơn tổ chức sáng nay (30/11).

Không kỳ thị và phân biệt, đối xử với người nhiễm HIV/AIDS ảnh 1

Thời gian qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được những kết quả tích cực. Mỗi năm, Hà Tĩnh ghi nhận mới từ 70 - 90 trường hợp, tương đối ổn định theo từng năm; đạt mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư trên địa bàn ở mức dưới 0,12%.

Tuy nhiên, mô hình lây nhiễm HIV đang có sự biến đổi. Đối tượng lây nhiễm đang có xu hướng trẻ hóa. Hơn 87% số người nhiễm có độ tuổi từ 20 - 39 tuổi. Nguyên nhân lây nhiễm HIV do tiêm chích ma túy giảm rõ rệt, nhưng lây nhiễm qua đường tình dục không an toàn đang chiếm ưu thế. 3 năm trở lại đây, số phụ nữ nhiễm HIV và trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS có xu hướng gia tăng trong cộng đồng.

Dịch bệnh HIV vẫn tiếp tục là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người dân, đến sự phát triển xã hội, an ninh, trật tự và an toàn xã hội, ảnh hưởng đến tương lai giống nòi dân tộc. Để tiếp tục phòng, chống HIV hiệu quả, Hà Tĩnh đã ban hành Kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, trong đó xác định rõ mục tiêu chung: “Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,12% vào năm 2020, giảm tác động của HIV/AIDS đối với sự phát triển KT-XH, ANTT và ATXH”.

Không kỳ thị và phân biệt, đối xử với người nhiễm HIV/AIDS ảnh 2

Tại lễ mít tinh hưởng ứng, ông Lê Ngọc Châu – Phó Ban Thường trực BCĐ phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tỉnh đề nghị các cấp, ngành, các địa phương, đơn vị tập trung nêu cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, huy động sự tham gia tích cực và có hiệu quả của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, các tầng lớp nhân dân và từng gia đình vào công tác phòng, chống HIV/AIDS; tiếp tục quán triệt, phổ biến các chính sách, chương trình, kế hoạch của Đảng và Nhà nước, của tỉnh về phòng, chống HIV/AIDS; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động; tăng cường huy động và đầu tư các nguồn lực từ địa phương, đơn vị cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Những người nhiễm HIV và gia đình cần tích cực, tự giác tham gia các hoạt động phòng, chống HIV, tự cởi bỏ sự kỳ thị với bản thân, cùng toàn xã hội đấu tranh chống sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.

Riêng đối với ngành Y tế, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường giới thiệu, quảng bá rộng rãi về lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS; mở rộng độ bao phủ và nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, dịch vụ xã hội, chăm sóc sức khỏe, tư vấn, hệ thống chuyển tiếp, chuyển tuyến, đặc biệt là dịch vụ cung cấp các phương tiện dự phòng lây nhiễm HIV và chương trình điều trị Methadone đáp ứng nhu cầu của đối tượng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast