Không nuôi con bằng sữa mẹ là mất tiền mua sự... thiệt thòi

Mặc dù sữa cho trẻ nhỏ tăng giá chóng mặt, song những chiêu quảng cáo hấp dẫn khiến nhiều bà mẹ xiêu lòng, "tự nguyện" từ bỏ nguồn sữa mẹ vô giá để mua sữa công thức (sữa bột). Tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ vì thế mà ngày một giảm đi.

Lãng phí lớn

Theo các chuyên gia y tế, trong 20 năm qua, tỉ lệ trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu ở nước ta có thời gian đã xuống dưới 10%, "chật vật" tuyên truyền, vận động mãi mới lên được 17%. Theo WHO, đây là tỉ lệ thấp nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2010 cả nước đã nhập khẩu lượng sữa và sản phẩm sữa trị giá 708,2 triệu USD, tăng 37,33% so với năm 2009; riêng 6 tháng năm 2011 đã nhập khẩu 396,5 triệu USD. Kết quả nghiên cứu thị trường gần đây cho thấy, lượng sữa bột tiêu thụ trên thị trường Việt Nam đã tăng tới 39% mỗi năm, nhà sản xuất, kinh doanh sữa đã chi hơn 10 triệu USD cho việc quảng cáo sản phẩm và trở thành một trong 5 ngành quảng cáo nhiều nhất ở Việt Nam.

Sữa mẹ là thức ăn hoàn chỉnh nhất, thích hợp nhất đối với trẻ, vì trong sữa mẹ có đủ năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết như đạm, đường, mỡ, vitamin và muối khoáng với tỉ lệ thích hợp cho sự hấp thụ và phát triển cơ thể trẻ

Vì lẽ đó, nhiều bà mẹ chỉ vì quá tin vào quảng cáo, tin vào tính năng vượt trội của sữa công thức mà mất dần sự tự tin vào sữa của mình, để rồi "tình nguyện" sử dụng sữa bột thay thế cho con ngay từ khi lọt lòng. BS Nguyễn Trí Quý, Trưởng khoa Nhi - BV Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho biết, có tới 50 - 60% số trẻ vào điều trị tại khoa dưới 6 tháng tuổi và trong số này, trẻ còn bú mẹ sẽ nhanh khỏi bệnh hơn những trẻ bú bình. Thế nhưng, hầu hết các bà mẹ mới sinh tại đây đều cho con ăn thêm sữa bột. Họ cho rằng vì mới sinh còn ít sữa, nên phải cho trẻ uống thêm và đa số tin rằng sữa bột bổ sung nhiều dưỡng chất cho con họ.

Chị Phan Thị Hà, mẹ một bệnh nhi đang nằm điều trị ở khoa Nhi BV Đa khoa tỉnh cho biết, khi sinh những đứa con đầu, vì không có điều kiện kinh tế nên chị cho chúng bú sữa mẹ hoàn toàn, rất khỏe mạnh. Nay thì khác, cậu út mới bốn tháng tuổi đã phải nhập viện tới ba lần vì viêm phổi, tiêu chảy, sức đề kháng kém hẳn những chị đầu cũng chỉ vì được mẹ cho uống sữa bột ngay từ khi lọt lòng. Bài học kinh nghiệm đến với chị Hà quá muộn, nhưng có thể giúp các bà mẹ trẻ khác hiểu một điều: chỉ cần mẹ ăn uống đủ chất là trẻ yên tâm nhận đầy đủ dinh dưỡng từ bầu sữa mẹ.

Nhân viên y tế hãy là chuyên gia tư vấn giỏi

Thay đổi thói quen, nhận thức của các bà mẹ về việc nuôi con bằng sữa mẹ không phải là việc dễ làm một sớm một chiều. Nghị định 21 của Chính phủ ra đời năm 2006 có tác dụng hạn chế cách thức và phạm vi quảng bá các sản phẩm thay thế sữa mẹ. Theo nghị định, các hành vi bị nghiêm cấm là: thầy thuốc, nhân viên y tế trong các cơ sở khám, chữa bệnh không được nhận - trực tiếp hay gián tiếp - sữa dùng cho trẻ nhỏ do các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm dinh dưỡng tặng; không được giúp các cơ sở này tặng mẫu, tặng quà liên quan đến sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ.

Sữa mẹ giúp giảm nhiễm khuẩn đường tiêu hóa và hô hấp; điều hòa hệ miễn dịch của trẻ nhỏ; giảm 4% nguy cơ cho mỗi tháng bú mẹ; giảm tiểu đường týp1 và týp 2; giảm nguy cơ dị ứng ở trẻ với tiền sử gia đình bị dị ứng; bảo vệ trẻ khỏi bệnh hen và giảm nguy cơ béo phì sau này. Tỷ lệ tử vong ở trẻ bú bình cao hơn 7 lần so với trẻ bú mẹ. Trẻ được nuôi bằng sữa mẹ có chỉ số thông minh cao hơn; nguy cơ bị ung thư vú, ung thư buồng trứng của bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ thấp hơn so với những phụ nữ khác.

Chính phủ cũng quy định rõ, người đứng đầu các cơ sở khám, chữa bệnh không được tổ chức bán hoặc cho phép bán sữa dùng cho trẻ nhỏ tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Thế nhưng, những năm gần đây, không gì bệnh viện lớn, chuyên khoa mà đến cả BV tuyến, quận, huyện trên cả nước cũng xảy ra chuyện bán sữa.

Nỗ lực tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nghị định đã khiến việc bán sữa tại các bệnh viện giảm, không còn công khai như trước, nhưng vẫn còn bán sữa, hoạt động bí mật, tiếp tay cho các hãng sữa bằng chiêu thức tinh vi hơn. Họ chỉ cần nói tên sữa, cho địa chỉ đại lý sữa gần BV để người nhà sản phụ tự mua, rồi ghi họ tên, số điện thoại, địa chỉ nhà sản phụ để hãng sữa kiểm tra. Nếu kiểm tra và thấy sản phụ có mua sữa của hãng thật thì nhân viên y tế đó sẽ được nhận hoa hồng, thậm chí là có quà tặng nữa.

Theo thanh tra Bộ Y tế, còn vô số hình thức vi phạm khác như căng-tin BV bán sữa cho trẻ sơ sinh, phòng khám treo áp phích có tên và biểu tượng của sữa công thức. Các hãng sữa còn tài trợ cho các BV bàn, ghế, bút, sổ khám bệnh cho trẻ... có in hình biểu tượng hãng sữa.

Để hạn chế tình trạng trên, hiện nay ngành y tế cùng các cấp, ngành liên quan cần tăng cường các hoạt động truyền thông, tập huấn, trang bị kỹ năng để thay đổi hành vi tại cộng đồng về chăm sóc nuôi dưỡng trẻ nhỏ, góp phần tăng tỷ lệ trẻ được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ. Tuy nhiên, để các bà mẹ nhận thức đúng tầm quan trọng của sữa mẹ, thiết nghĩ trước tiên ngành y tế cần thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở cán bộ, nhân viên y tế thực hiện nghiêm Nghị định 21 của Chính phủ, không vì lợi ích cá nhân mà làm trẻ bị thiệt thòi.

Để trẻ được nuôi dưỡng hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời, các cấp, ngành cần xem xét lại quy định về chế độ thai sản để nuôi con, chăm sóc con sau sinh được đảm bảo hơn.

Theo báo Hà Nội mới

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast