Kỳ 2: Đôi điều trăn trở…

(Baohatinh.vn) - Có thể khẳng định, NQ 03-NQ/TU thực sự trở thành đòn bẩy, giúp một số cơ sở y tế tạo bước đột phá trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân (CSSKND). Tuy nhiên, điều trăn trở là còn quá ít địa phương và đơn vị y tế phát huy tốt tinh thần của NQ, thậm chí có những địa phương còn đứng ngoài cuộc...

Thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU của Tỉnh ủy

>> Kỳ 1: Đột phá trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân

Cơ sở vật chất tuyến huyện xuống cấp trầm trọng

Câu chuyện về phòng mổ của Bệnh viện Đa khoa huyện Hương Khê khiến tôi băn khoăn mãi. Chuyện thật mà lại khó tin trong thời đại ngày nay. Nếu trời mưa to, phải thực hiện ca mổ khẩn cấp thì y như rằng, Bệnh viện phải bố trí thêm 4 nhân viên cầm ni lông che phía trên bàn mổ; còn phẫu thuật viên phải mặc thêm áo mưa tiện lợi phía trong bộ đồ phẫu thuật. Chưa hết, ngoài sự xuống cấp của các buồng bệnh đã cũ, những dãy nhà “mới đưa vào sử dụng” cũng như đang đe dọa người qua lại.

Dãy nhà xét nghiệm cận lâm sàng của BVĐK Hương Khê (do Sở Y tế làm chủ đầu tư) vừa đưa vào sử dụng được 2 năm mà trần nhà đã... "rơi tự do" để lại các lỗ hổng như thế này
Dãy nhà xét nghiệm cận lâm sàng của BVĐK Hương Khê (do Sở Y tế làm chủ đầu tư) vừa đưa vào sử dụng được 2 năm mà trần nhà đã... "rơi tự do" để lại các lỗ hổng như thế này

Phó Giám đốc Bệnh viện Lê Anh Hùng chia sẻ: Cơ sở Bệnh viện cũng manh mún như sự đầu tư. Từ khi tách ra từ Trung tâm Y tế huyện đến nay, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng cho Bệnh viện khoảng 30 tỷ đồng nhưng được cấp nhỏ giọt. Gần đây nhất, Bệnh viện được đầu tư xây dựng mới dãy nhà xét nghiệm cận lâm sàng (do Sở Y tế làm chủ đầu tư). Tuy nhiên, mới sử dụng được 2 năm thì đã hư hỏng nặng. Toàn bộ trần nhà làm bằng thạch cao đều bị rơi một cách tự do. Bệnh viện không có cách gì khác ngoài việc thuê thợ nẹp tạm…

Càng nghe chuyện của Phó Giám đốc Lê Anh Hùng, càng cảm thấy buồn lòng. Thuộc địa bàn miền núi, tỷ lệ hộ nghèo cao, đáng ra, Bệnh viện phải được quan tâm đầu tư để phục vụ công tác CSSK người dân, nhưng ngoài đầu tư manh mún, điều trăn trở là thiếu chất lượng và thực chất. Ngoài dãy nhà mới xây dựng được 2 năm đã hư hỏng, dự án cung cấp nước sạch cho Bệnh viện vừa hết hạn bảo hành cũng miễn sử dụng luôn vì bồn bị thủng. Về cung cấp trang thiết bị theo dự án cũng biểu hiện bất cập. Cái cần không có, cái có không cần (như các dụng cụ phục vụ mổ não), hoặc máy đưa về đã bị hỏng, hoặc sử dụng thời gian ngắn bị hỏng không được sửa chữa…

Máy xét nghiệm sinh hóa tự động hỏng ngay từ khi đưa về và máy Huyết học tự động sử dụng được 1 năm thì hỏng không có bảo hành (thiết bị tiếp nhận từ Dự án về trang thiết bị y tế của ngành)
Máy xét nghiệm sinh hóa tự động hỏng ngay từ khi đưa về và máy Huyết học tự động sử dụng được 1 năm thì hỏng không có bảo hành (thiết bị tiếp nhận từ Dự án về trang thiết bị y tế của ngành)

Một nhân viên Khoa Xét nghiệm cho biết: Máy sinh hóa tự động đã hỏng ngay từ khi tiếp nhận. Còn máy xét nghiệm huyết học sử dụng được 1 năm thì hỏng. Bao nhiêu hóa chất đã mua (vì lấy máy là phải mua kèm hóa chất) đều phải đổ hết vì không thể liên lạc được với công ty cung cấp để bảo hành, sửa chữa…

Chưa thu hút được bác sĩ giỏi

Về thực hiện chính sách thu hút đối với bác sỹ lại càng bất cập. Đến thời điểm này, ngoài được hưởng thêm chế độ phụ cấp, các bác sỹ công tác tại Bệnh viện Đa khoa Hương Khê chưa được hưởng thêm chế độ, chính sách ưu tiên nào. Đến nay, còn khá nhiều CBCNV của Bệnh viện đã công tác từ 10 năm trở lên chưa có đất ở, trong đó có 4 bác sỹ. Phó Giám đốc Lê Anh Hùng thẳng thắn: Thú thật, thời gian gần đây, công tác tham mưu của Bệnh viện chưa được tích cực. Tuy nhiên, cũng có nguyên nhân là do đã “kêu” quá nhiều nhưng không chuyển nên cũng nản. Bệnh viện phải cố gắng trong điều kiện nguồn lực hết sức khó khăn. Từ 15 năm trở lại đây, Bệnh viện không có bác sỹ chính quy nào về công tác.

Thiếu trang thiết bị hiện đại nên BVĐK Vũ Quang không thu hút được người dân đến KCB
Thiếu trang thiết bị hiện đại nên BVĐK Vũ Quang không thu hút được người dân đến KCB

Ngoài Bệnh viện Hương Khê, nhiều đơn vị y tế khác trong toàn tỉnh cũng chưa có chuyển biến đáng kể. Đặc biệt là việc thực hiện các cơ chế, chính sách trong NQ, còn nhiều nội dung chưa được thực hiện. Đến thời điểm này, toàn ngành chưa thực hiện được chính sách thu hút, hỗ trợ cho các đối tượng người có học hàm, học vị, bác sỹ hệ chính quy tốt nghiệp loại giỏi, hỗ trợ học phí cho các sinh viên hệ chính qui tại các trường đại học y, dược. Chính sách ưu đãi cho bác sỹ, dược sỹ đại học hoặc cán bộ y tế công tác từ 10 năm trở lên có hoàn cảnh khó khăn chưa có đất ở, nhà ở chưa được thực hiện. Việc xây dựng nhà ở công vụ cho cán bộ y tế thuộc các đơn vị sự nghiệp y tế tại các huyện miền núi (Hương Sơn, Hương Khê và Vũ Quang) cũng chưa được thực hiện…

Trách nhiệm thuộc về ngành Y tế

Có nhiều nguyên nhân khiến NQ 03-NQ/TU chưa thực sự đi sâu vào cuộc sống, trong đó nguyên nhân sâu xa nhất là do công tác tham mưu của ngành Y tế không kịp thời, chưa đáp ứng yêu cầu và các cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đúng mức. Trong buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy gần đây, ngành Y tế đã thẳng thắn thừa nhận: ngành chưa tập trung cao cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động toàn diện; chưa chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp thực hiện chính sách (như chính sách đầu tư xây dựng nhà công vụ cho ngành Y tế). Vẫn còn hiện tượng ngại tiếp xúc, đối thoại, không thực sự lắng nghe, thiếu tự tin khi làm việc giữa lãnh đạo cấp ủy, chính quyền với công tác chăm sóc và bảo vệ SKND…

Máy chụp X.Quang BVĐK Vũ Quang hỏng đã lâu nhưng chưa được thay thế
Máy chụp X.Quang BVĐK Vũ Quang hỏng đã lâu nhưng chưa được thay thế

CSSKND không chỉ là lĩnh vực y tế mà còn là một trong những giải pháp quan trọng đảm bảo phát triển bền vững KT-XH. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác CSSKND là hướng đi cần thiết và sát đúng trong chiến lược phát triển chung của tỉnh. Thiết nghĩ, ngành Y tế cần tích cực khai thác tối đa nguồn lực này trên tinh thần chủ động, tích cực tham mưu huy động nguồn lực tổng hợp, xây dựng và phát triển mạng lưới y tế, đáp ứng yêu cầu bảo vệ và CSSK ngày càng cao của người dân.

Bà Phan Thị Ninh - Giám đốc Sở Y tế: NQ 03-NQ/TU về bảo vệ, CSSKND đến năm 2015 và những năm tiếp theo thể hiện rõ quan điểm và sự quan tâm của Đảng về vấn đề CSSK cho người dân. Sau khi đi vào cuộc sống, NQ đã mang lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, so với yêu cầu thì vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là về cơ sở vật chất (CSVC).

Chính sách hỗ trợ 40% tổng mức đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị tại trạm y tế trong xây dựng xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế hầu như chưa có; nguồn vốn hỗ trợ nâng cấp các bệnh viện từ cân đối ngân sách tỉnh cũng chưa được bố trí… Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, CSVC và trang thiết bị có vai trò rất quan trọng, ngành đề nghị tỉnh bổ sung nguồn kinh phí để hoàn thiện các hạng mục đang dở dang tại các bệnh viện; bố trí ngân sách tỉnh để triển khai đề án bệnh viện vệ tinh về các lĩnh vực ung bướu và tim mạch can thiệp; bổ sung kinh phí chống xuống cấp để duy tu, bảo dưỡng, mua sắm trang thiết bị công nghệ cao cho các cơ sở y tế…

Về phía ngành Y tế, thời gian tới, sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt với nhiều giải pháp hiệu quả, đồng bộ, huy động nguồn lực tổng hợp, tạo điều kiện đáp ứng yêu cầu bảo vệ, CSSK ngày càng cao của người dân.

Ông Nguyễn Đăng Kỷ - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Vũ Quang: NQ 03-NQ/TU đã tạo nên những chuyển biến tích cực Vũ Quang đã đạt được 7,4 bác sỹ/vạn dân; 9/12 trạm y tế có bác sỹ; tỷ lệ nữ hộ sinh đảm bảo… Tuy nhiên, huyện đang phải đối mặt với thách thức lớn, đó là chưa thu hút được bác sỹ về công tác, mặc dù huyện đã thực hiện nhiều chính sách.

Thực trạng thiếu trang thiết bị y tế, đặc biệt là các trang thiết bị hiện đại cũng đang là vấn đề “nóng”. Thêm nữa, thời gian qua, ngành Y tế chưa thực sự quan tâm tới địa phương, chưa có bất kỳ ưu tiên nào cho huyện miền núi Vũ Quang. Việc chỉ đạo phát triển chuyên môn của ngành thiếu sâu sát, quyết liệt.

Để NQ 03 thực sự đi vào cuộc sống, chúng tôi đề nghị ngành Y tế cần quan tâm phối hợp với huyện, đặc biệt là về chuyên môn để những người dân nghèo Vũ Quang có cơ hội được hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao ở nơi gần nhất.

Ông Phan Văn Thuận - Trưởng phòng Y tế - UBND huyện Hương Khê: Từ khi triển khai NQ 03-NQ/TU, bộ mặt y tế cơ sở có nhiều khởi sắc. Cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm và ngành Y tế cũng vào cuộc quyết liệt hơn. Tuy nhiên, đối với Hương Khê, các hoạt động về xây dựng trạm chuẩn theo tiêu chí quốc gia để đảm bảo công tác CSSK ban đầu cho người dân vẫn còn khó khăn. CSVC và trang thiết bị chưa có đầu tư. Đến nay, mới có 3/22 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia giai đoạn II. Đặc biệt, trong đó còn có 15 trạm y tế CSVC đang xuống cấp. Về nhân lực cũng còn thiếu; tỷ lệ người dân tham gia BHYT thấp.

Để NQ 03 thực sự tạo được bước chuyển tích cực, đề nghị tỉnh thực hiện hỗ trợ theo tinh thần NQ; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác CSSK ban đầu cho người dân.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast