Lựa chọn, bảo quản thực phẩm an toàn

(Baohatinh.vn) - Trong dịp tết, nhu cầu về thực phẩm và các loại hàng hóa tăng đột biến. Chính vì thế, thị trường vô cùng sôi động. Đây cũng là dịp để hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được tung ra. Để giữ trọn niềm vui đón tết, người tiêu dùng cần biết cách lựa chọn, bảo quản và chế biến thực phẩm đảm bảo sức khỏe.

Theo các cơ sở khám chữa bệnh, các dịp lễ, tết thường có số người bị ngộ độc thực phẩm nhiều nhất trong năm. Tác nhân trực tiếp chính là vi khuẩn và hóa chất bảo quản trong thực phẩm. Theo các chuyên gia về thị trường, bất cứ loại thực phẩm nào, trước hết, người tiêu dùng cần tìm hiểu nguồn gốc xuất xứ và quan sát để nhận biết các dấu hiệu trên thực phẩm. Như thịt tươi thì bề mặt khô mịn, không bị nhớt, khối thịt rắn chắc, có độ đàn hồi cao, ấn ngón tay vào thịt tạo thành vết lõm nhưng không để lại dấu vết khi nhấc ngón tay ra.

Lựa chọn, bảo quản thực phẩm an toàn ảnh 1

Rau, củ, quả, nên chọn loại có màu tươi sáng, không héo úa, dập nát, không dính bẩn

Đối với các loại gia cầm, không mua trong vùng đang có dịch. Tuyệt đối không sử dụng gia cầm và các sản phẩm của gia cầm ốm, chết làm thực phẩm. Hạn chế sử dụng các loại gia cầm đã giết mổ sẵn mà không có dấu kiểm dịch.

Về rau, củ, quả, nên chọn loại có màu tươi sáng, không héo úa, dập nát, không dính bẩn. Đối với một số loại rau ăn lá, không nên chọn rau có bề mặt nhẵn bóng, xanh mướt. Rau dạng củ, quả phải trơn nhẵn, da căng, không bị dập nát, màu sắc phải đồng nhất…

Đặc biệt, đối với các mặt hàng chế biến sẵn như mứt tết, bánh kẹo, người tiêu dùng cần đặc biệt thận trọng. Theo giới chuyên môn, khi mua nên chọn loại có bao bì với nhãn mác, địa chỉ rõ ràng, có giấy chứng nhận của ngành chức năng; chọn loại được làm bằng phương pháp đơn giản, màu sắc tự nhiên. Đối với bia rượu, cần kiểm tra tem, nhãn và nắp chai

(nhãn mác giả thì không có độ sắc nét và không có ánh kim như nhãn mác chính hãng; nắp chai hàng thật chỉ có thể rót ra chứ không đổ từ bên ngoài vào). Loại rượu gây ngộ độc nhiều nhất là rượu tự pha chế, có nồng độ methanol và ethyl glycol cao (các loại chất độc hại này thường dùng trong chế biến sơn, đánh bóng đồ gỗ)…

Các chuyên gia thị trường khuyến cáo, người tiêu dùng không nên vì giá rẻ hay chuộng “mác” ngoại mà mua thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng như không đảm bảo chất lượng ATVSTP.

Các loại thực phẩm hiện nay nhìn chung dễ mua, việc cung ứng cũng thuận tiện. Ngay cả các thực phẩm tươi sống, từ sáng sớm mùng 2 tết là đã được bày bán sẵn. Vì vậy, người tiêu dùng chỉ nên mua thực phẩm đủ dùng một vài ngày, vừa tránh phải bảo quản, lại giữ được chất lượng của thực phẩm tươi ngon, an toàn, đảm bảo sức khỏe để vui tết, đón xuân.

Cách bảo quản thực phẩm

1. Để riêng biệt thực phẩm sống và chín

Để riêng các loại thịt tươi sống, thịt gia cầm và hải sản với các loại thực phẩm khác. Dùng các thiết bị và dụng cụ riêng như dao và thớt khi chế biến thực phẩm tươi sống. Bảo quản thực phẩm sống và chín trong các dụng cụ chứa đựng riêng biệt.

2. Bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ an toàn

Không để thức ăn đã nấu chín hơn 2 giờ ở nhiệt độ thường trong phòng. Nhanh chóng bảo quản lạnh các thức ăn đã chế biến và thức ăn dễ ôi thiu (tốt nhất là ở nhiệt độ dưới 5oC). Hâm nóng thực phẩm đã chế biến đến nhiệt độ trên 60oC trước khi ăn. Không giữ thức ăn quá lâu, kể cả trong tủ lạnh. Không làm tan thực phẩm đông lạnh ở nhiệt độ thường. Luôn bảo quản thực phẩm ở những nơi thoáng mát và có điều kiện nhiệt độ thấp.

Chủ đề An toàn vệ sinh thực phẩm

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast