Luật BHYT góp phần đảm bảo an sinh xã hội

Ngày 1/7/2009, Luật BHYT có hiệu lực. Sau 4 năm triển khai thực hiện, Luật BHYT đã góp phần quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Hà Tĩnh.

Khám chữa bệnh BHYT gần nơi cư trú

Theo BHXH tỉnh, nếu năm 2010, toàn tỉnh có 590.591 người được cấp thẻ BHYT, với diện bao phủ 48% dân số cả tỉnh (toàn quốc độ bao phủ 60%) thì đến hết tháng 5/2013, con số này là trên 763.352, chiếm trên 60% dân số. Công tác triển khai, tổ chức thực hiện ngày càng đi vào nền nếp và đúng theo quy định của pháp luật.

Nơi tiếp đón đón, phục vụ bệnh nhân BHYT tại BVĐK Hà Tĩnh nay đã rộng rãi, thoáng sạch hơn trước
Nơi tiếp đón đón, phục vụ bệnh nhân BHYT tại BVĐK Hà Tĩnh nay đã rộng rãi, thoáng sạch hơn trước

Cùng với sự gia tăng đối tượng tham gia BHYT, số thu quỹ BHYT cũng tăng lên đáng kể, năm 2010, số thu BHYT đạt 281.444 triệu đồng, tăng 57% so với năm 2009; năm 2011 số thu BHYT đạt 404.892 triệu đồng, tăng 44% so với năm 2010 và 5 tháng đầu năm 2013, BHXH tỉnh đã thu 199.250 triệu đồng.

Điểm đáng ghi nhận nữa là qua từng năm, công tác khám, chữa bệnh (KCB) BHYT ngày càng được nâng lên theo hướng đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ. Nếu năm 2010, để thực hiện tốt nhiệm vụ này, BHXH Hà Tĩnh đã ký hợp đồng KCB BHYT với 27 cơ sở KCB, trong đó có: 6 cơ sở KCB tuyến tỉnh, 14 cơ sở KCB tuyến huyện và 7 phòng khám đa khoa (PKĐK) ngoài công lập thì từ năm 2011 đến nay, ngành BHXH tỉnh đã ký hợp đồng KCB BHYT với 23 cơ sở KCB (có 6 cơ sở KCB tuyến tỉnh, 14 cơ sở KCB tuyến huyện và 3 PKĐK ngoài công lập); triển khai KCB ban đầu tại 185/261 trạm y tế xã, chiếm tỷ lệ: 70,8%.

Lãnh đạo BHXH Hà Tĩnh cho biết: Việc tổ chức KCB BHYT tại tuyến xã đã góp phần củng cố và phát triển y tế cơ sở, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người có thẻ BHYT, nhất là với nhóm người nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người cao tuổi... được chăm sóc sức khỏe ban đầu và KCB thông thường gần nơi cư trú. Các cơ sở KCB BHYT đã thực hiện KCB theo các quy chế chuyên môn, đảm bảo chỉ định sử dụng thuốc, các dịch vụ y tế hợp lý...

Chất lượng KCB tại BVĐK Hương Sơn ngày càng được nhân dân đánh giá cao
Chất lượng KCB tại BVĐK Hương Sơn ngày càng được nhân dân đánh giá cao

Với trên 60% dân số tham gia BHYT và mạng lưới KCB BHYT ngày càng được chú trọng về cơ sở, hằng năm, Hà Tĩnh có trên 1 triệu lượt người KCB BHYT với số tiền chi trả trên 400 tỷ đồng.

Đảm bảo quyền lợi và cân đối Quỹ KCB BHYT

Qua từng năm, công tác giám định KCB BHYT trên địa bàn ngày càng được tăng cường và thực hiện theo đúng quy trình. Tại các bệnh viện đa khoa huyện đến các bệnh viện tuyến tỉnh đều được bố trí cán bộ giám định BHYT thường trực. Một số cơ sở KCB, các PKĐK ngoài công lập được bố trí cán bộ giám định phụ trách. Từ khu vực đón tiếp bệnh nhân đến các khoa phòng trong bệnh viện, PKĐK khu vực và trạm y tế xã (phường/thị trấn) đã được bao quát, từ đó, đã phát hiện và từ chối thanh toán các khoản chi phí không hợp lý, không đúng quy định, ngăn chặn các biểu hiện lạm dụng BHYT.

Tổ chức khám định kỳ cho người lao động ở Công ty CP Cảng Vũng Áng Việt - Lào.
Tổ chức khám định kỳ cho người lao động ở Công ty CP Cảng Vũng Áng Việt - Lào.

Đi cùng với đó, công tác thanh, quyết toán chi phí KCB BHYT được thực hiện chính xác, kịp thời theo đúng quy định, đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ BHYT khi đến KCB. Từ chỗ âm quỹ KCB BHYT, những năm gần đây, quỹ này đã có kết dư: năm 2010, kết dư 18,056 tỷ đồng (tỷ lệ 7,2%) ; năm 2011, kết dư 29,233 tỷ đồng (tỷ lệ 8%); năm 2012, ước kết dư trên 40 tỷ đồng. Riêng 5 tháng đầu năm 2013, dù chưa có số liệu chính thức, nhưng theo lãnh đạo BHXH tỉnh, đảm bảo cân đối được quỹ.

Qua 4 năm thực hiện Luật BHYT, Sở Y tế và BHXH Hà Tĩnh phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức thực hiện KCB BHYT; chỉ đạo các cơ sở KCB BHYT thực hiện tốt các quy chế chuyên môn, chỉ định sử dụng thuốc, các dịch vụ y tế hợp lý, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT khi đến KCB và chống lạm dụng quỹ KCB BHYT; phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài chính xây dựng, đề xuất báo cáo UBND tỉnh để trình HĐND xem xét quyết định mức giá một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BYT-BTC ngày 29/2/2012 của liên bộ Y tế - Tài chính.

BHXH tỉnh đã chỉ đạo BHXH các huyện, thành phố, thị xã ký kết hợp đồng KCB BHYT, thanh lý hợp đồng với cơ sở KCB, thực hiện công tác giám định BHYT và tạm ứng, thanh quyết toán chi phí KCB BHYT theo đúng quy định; chủ động và phối hợp với Sở Y tế trong công tác kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện chế độ KCB BHYT tại các cơ sở KCB và BHXH các huyện, thành phố, thị xã; thông báo kịp thời với Sở Y tế về tình hình tham gia BHYT, tình hình KCB BHYT, tình hình sử dụng quỹ BHYT và những vấn đề phát sinh trong hợp đồng, thanh quyết toán, sử dụng dịch vụ kỹ thuật tại các cơ sở KCB BHYT...

Từ tháng 7/2009 đến nay, BHXH Hà Tĩnh đã phối hợp với các cấp, ngành cấp phát 1.500 cuốn Luật BHYT; 400 cuốn sách “Hỏi, đáp chính sách BHYT”; 6.500 tờ rơi “Những điều cần biết khi đi KCB BHYT”; 3.600 tranh các loại tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT; 31.500 tờ rơi về “Những điều cần biết về BHYT học sinh, sinh viên”. Đồng thời, thay thế và lắp đặt gần 60 bảng hướng dẫn KCB BHYT tại các cơ sở KCB BHYT và hàng trăm băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền chính sách BHYT.

Các cơ sở KCB BHYT thời gian qua đã phối hợp, thống nhất với cơ quan BHXH trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng KCB BHYT. Bệnh nhân BHYT được KCB theo đúng quy chế chuyên môn. Việc chỉ định sử dụng thuốc, vật tư y tế, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng cơ bản hợp lý, an toàn, theo đúng quy định. Thuốc, vật tư y tế được cung ứng, sử dụng cho người bệnh theo đúng danh mục đã được xây dựng...

Để có được kết quả tích cực trên, trong thời gian qua, BHXH tỉnh đã tranh thủ được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời, thường xuyên của BHXH Việt Nam, của cấp ủy, chính quyền địa phương; sự phối hợp có hiệu quả với các sở, ban ngành, cơ quan chức năng như: Sở Y tế, Sở LĐ-TB&XH, Sở Tài chính, LĐLĐ tỉnh, Sở GD-ĐT, Kho bạc Nhà nước... trong việc tập trung thu và đốc thu BHXH, BHYT.

BHXH tỉnh còn tăng cường công tác vận động, tuyên truyền và nỗ lực tìm những giải pháp hữu hiệu; tích cực chủ động khai thác các nhóm đối tượng thuộc diện có trách nhiệm tham gia BHYT theo quy định của Luật, đặc biệt là các nhóm đối tượng mới được đưa vào diện tham gia bắt buộc theo lộ trình của Luật BHYT (hộ cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, học sinh, sinh viên).

Một thuận lợi nữa là qua từng năm, Luật BHYT đã dần từng bước đi vào đời sống xã hội. Việc thực hiện các quy định của Luật được đông đảo nhân dân và đối tượng hưởng chính sách BHYT quan tâm và ủng hộ. Sự quan tâm, hiểu biết về chính sách BHYT và các quy định của 2 Luật đối với nhân dân và đối tượng BHYT trên địa bàn ngày một nâng lên.

Thành tích trên không chỉ góp phần quan trọng trong việc đảm an sinh xã hội mà còn là cơ sở đảm bảo thực hiện thành công BHYT toàn dân theo lộ trình đặt ra.

Nhờ thẻ BHYT mà tôi đã vượt qua bệnh tật...

Tôi vô cùng cảm ơn Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách giúp đỡ người nghèo, trong đó có chính sách BHYT. Nếu không có tấm thẻ BHYT hộ nghèo, chắc chắn tôi không thể vượt qua được căn bệnh hiểm nghèo.

Ngày 16/4/2012, tôi phải nhập viện với chẩn đoán đau nửa đầu (Migrain). Sau gần 3 tháng điều trị tại Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, được sự chăm sóc tận tình của đội ngũ y, bác sỹ, căn bệnh quái ác của tôi đã chịu lùi bước. Chi phí cho cả quá trình điều trị lên đến hơn 138 triệu đồng, trong đó BHYT chi trả hơn 131 triệu đồng, gia đình chỉ phải chi trả hơn 7 triệu đồng.

Quả thật, với chi phí chữa bệnh lớn như thế, không có BHYT, chắc tôi không qua khỏi. Tấm thẻ BHYT thực sự là phép màu, là bùa hộ mệnh của rất nhiều người bệnh, nhất là những người nghèo như chúng tôi.

Lê Tiến Hùng

(Xóm 6, xã Sơn Trà - Hương Sơn)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast