Máu truyền cho người bệnh an toàn và đảm bảo chất lượng

Những thông tin gần đây ở bộ phận Huyết học - Khoa Xét nghiệm (XN), Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh đã gây hoang mang dư luận. Nhiều người bệnh đã được truyền máu đặt câu hỏi nghi vấn về chất lượng máu đã được truyền vào người. Một số khác nghi ngại khi mình và những người thân sẽ rơi vào trường hợp có bệnh cấp cứu cần truyền máu. Nhóm PV HaTinh Online đã thị sát về quy trình truyền máu tại các khoa phòng của Bệnh viện, đặc biệt là ở bộ phận Huyết học - khoa XN. Thông tin chúng tôi có được là máu đã, đang và sẽ được truyền cho người bệnh đảm bảo chất lượng.

Chưa hề có tai biến khi truyền máu

Mỗi năm, Bệnh viện (BV) đa khoa Hà Tĩnh có số lượng máu truyền cho bệnh nhân từ 3000- 4000 đơn vị, tập trung chủ yếu ở các khoa: Sản, Cấp cứu chống độc ( trong đó có phòng chạy thận nhân tạo), Hồi sức tích cực, Khoa phẩu thuật và gây mê hồi sức…

Các bịch máu được bảo quản ở tủ lạnh 5,4 độ C, đảm bảo quy trình
Các bịch máu được bảo quản ở tủ lạnh 5,4 độ C, đảm bảo quy trình

Bệnh nhân được truyền máu trong 2 trường hợp: mất máu mãn tính và mất máu phải cấp cứu. Lượng máu của BV có được từ 3 nguồn: máu nhân đạo, máu mua và máu của người nhà (nếu khác nhóm máu thì đổi cho bệnh viện) Kho lưu trữ của máu gồm 3 tủ lạnh, một tủ lưu trữ được 150 đơn vị máu, 2 tủ khác mỗi tủ đủ chứa 50 đơn vị ở nhiệt độ 5,4 độ C. Bên cạnh đó, Kho còn có 1 tủ đá lưu âm độ các mẫu máu đã truyền cho người bệnh theo mã số trong vòng 2 năm, khi có khiếu kiện của người bệnh sẽ đem ra xét nghiệm.

Thạc sĩ Lê Ngọc Thanh - Trưởng phòng Kế hoạch của BV cho biết: “Khi người bệnh cần được truyền máu, các khoa lâm sàng mang theo giấy xét nghiệm máu cùng với bệnh án, phiếu lĩnh máu lên trình Ban giám đốc (nếu ban đêm thì trình bộ phận trực lãnh đạo). Khi thấy việc truyền máu là hợp lý, BGĐ BV ký chấp nhận, nhân viên của các khoa sẽ cầm phiếu lĩnh máu lên bộ phận Huyết học khoa XN. Trên mỗi bịch máu đều ghi đầy đủ thông tin người cho (hoặc bán) máu, người lấy máu, ngày tháng được lấy, nhóm máu. Trước khi truyền máu, bịch máu được truyền sẽ được XN lại theo quy định, sau khi có kết quả âm tính với 5 loại bệnh: HIV, Viêm gan A, B, giang mai, sốt rét thì sẽ được ghi vào sổ ghi chép. Khi các thông tin của người cho (họ tên, tuổi, địa chỉ, nhóm máu, mã số, kết quả XN 5 loại bệnh, thông tin người nhận họ tên, tuổi, địa chỉ, chẩn đoán, nhóm máu, số lần truyền, số lượng, ngày phát máu, người phát máu, máu lấy của ai, truyền cho ai, seri máu..) trùng khớp và đầy đủ mới được phép truyền cho người bệnh.

Sau khi chuyền, các mẫu máu đều được lưu trữ theo mã số tại tủ đá âm độ trong thời gian 2 năm
Sau khi chuyền, các mẫu máu đều được lưu trữ theo mã số tại tủ đá âm độ trong thời gian 2 năm

Bác sĩ Mai Văn Lục -Chánh thanh tra Bệnh viện cho biết: Từ trước đến nay, chưa có trường hợp truyền máu nào ở BV bị gây tai biến và bị khiếu kiện.

Thị sát tại các khoa phòng của BV và qua tìm hiểu thực tế ở nhiều bệnh nhân (BN), chúng tôi được biết chưa có BN nào được truyền máu bị nhiềm bệnh tật hoặc bị tai biến, hầu hết BN được truyền máu sau khi XN lại đều đủ hồng cầu, khỏe mạnh, xuất viện, không có tai biến gì. Những BN bị sốt nhẹ sau truyền máu là do phản ứng của cơ thể khi có kháng nguyên lạ vào trong cơ thể nhưng sau đó tình trạng này nhanh chóng qua đi, BN bình thường trở lại.

Thạc sĩ Hoàng Quang Trung -Trưởng khoa Cấp cứu chống độc, phụ trách phòng chạy thận nhân tạo cho biết: “Mỗi ngày bình quân Khoa phải truyền cho BN 3 đơn vị máu, mỗi lần nhận, truyền đều đảm bảo quy chế, quy định của Bộ y tế. Rất nhiều BN cấp cứu, đặc biệt là BN xuất huyết tiêu hóa nặng đã được cứu sống, có người phải chuyền từ 10 – 13 đơn vị máu. Còn BN chạy thận, lọc máu, thỉnh thoảng phải chuyền và máu đều đảm bảo chất lượng, không có tai biến, biến chứng gì. Bằng chứng là định kỳ 3 tháng/lần, những BN này đều được XN đề loại trừ 5 bệnh lây truyền qua truyền máu.”

Đến thăm các BN ở khoa Sản, chúng tôi được bác sĩ Nguyễn Thị Thúy - Trưởng khoa mở cuốn sổ giao ban hàng ngày trong tháng 5 của Khoa. Đọc kỹ tên tuổi các bệnh nhân đã từng được truyền máu và cứu sống thì thấy: Chị Đậu Thị Nhung (34 tuổi) ở xã Xuân Lộc, Can Lộc bị tụ máu tầng sinh môn sau đẻ, sau khi vào viện được lấy khối máu tụ, phải chuyền 12 đơn vị; Chị Tống Thị Luyến, 25 tuổi, bị đờ tử cung sau đẻ phải chuyền 8 đơn vị máu; Chị Trần Thị Vân ở Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên mổ đẻ phải chuyền 8 đơn vị máu... Tất cả đều đã ổn định, khỏe mạnh, xuất viện.

Bác sĩ Thúy tâm sự: “Khoa chúng tôi nhiều BN tai biến trong và sau khi sinh với các căn bệnh: rau tiền đạo, đờ tử cung, rau bong non, thiếu máu khi mổ… Nếu không có nguồn máu được truyền khó mà qua khỏi. Tôi không thể nhớ hết những trường hợp đã được truyền máu tại Khoa”.

Kịp thời phát hiện và ngăn chặn những sai phạm

Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Viết Đồng - Giám đốc BV cho biết: Về lưu trữ, bảo quản máu, nhiệt độ đảm bảo là phải từ 3-5 độ, với 2 loại hóa chất pha, một loại lưu trữ được 35 ngày, 1 loại trên 20 ngày ghi trên bịch máu. Nếu quá hạn phải XN lại rồi cho xuất hủy. Khi hủy phải có sự chứng kiến của cán bộ hội đồng bao gồm: Ban Giám đốc, khoa XN, Tài chính kế toán, bộ phận chống nhiễm khuẩn.

Sổ ghi chép máu nhân đạo ghi đủ thông tin người cho và người nhận
Sổ ghi chép máu nhân đạo ghi đủ thông tin người cho và người nhận

Về những những sai phạm ở khoa XN, bác sĩ Đồng thẳng thắn: Sai phạm chủ yếu ở khâu quản lý, bảo quản (khái niệm bảo quản ở đây là làm thiếu, khi bù vào không đưa vào sổ sách, tự ý nhập máu vào, gọi người lấy máu không công khai… như kết luận của đoàn thanh tra BV). Chúng tôi đã họp toàn CBCNV ở bộ phận Huyết học. Tất cả CBCNV đều viết bản cam đoan không pha máu và không nhìn thấy ai pha máu từ trước đến nay. Riêng về bác sỹ Trần Bích Hợp đã viết bản tự kiểm điểm, hiện đang tiếp tục bị đình chỉ công tác chờ HĐ kỷ luật ra quyết định. May mà chúng tôi kịp thời phát hiện, ngăn chặn, chưa xảy ra hậu quả đáng tiếc cho người bệnh”.

Về tình hình hoạt động hiện nay ở bộ phận Huyết học, bác sĩ Đồng cho biết: Chúng tôi đang tập trung kiện toàn bộ máy của Khoa, riêng bộ phận Huyết học đã được chấn chỉnh trong việc quản lý máu, các hoạt động truyền máu (theo thuật ngữ chuyên môn) đảm bảo theo quy trình, quy định của Bộ y tế. Riêng về việc truyền máu, chúng tôi đảm bảo đã, đang và sẽ không có gì sai sót để ảnh hưởng sức khỏe người bệnh.”

HaTinh Online sẽ tiếp tục thông tin về những diễn biến tiếp theo ở Khoa XN.

Truyền máu là đưa vào cơ thể người bệnh qua đường tĩnh mạch một khối lượng máu, nhằm mục đích: Bù đắp lại số lượng máu đã mất, nâng cao huyết áp; cầm máu vì máu truyền vào nó mang sẵn các yếu tố như fibrinogen, protrobin tiểu cầu, calo; chống nhiễm khuẩn, nhiễm độc, vì nó cung cấp kháng thể và hemoglobin; cung cấp oxy cho tế bào và kháng thể cho người bệnh, ki máu đưa vào hệ thống tuần hoàn sẽ vận chuyển các chất dinh dưỡng đến mô và đưa những sản phẩm thoát ra ở tế bào, mô, thân, phổi ra ngoài.

Các tai biến trong truyền máu:

1. Sốc tiêu huyết: Thường do 3 nguyên nhân: Kỹ thuật bảo quản máu không đúng quy tắc chuyên môn; hồng cầu người nhận bị tiêu hủy bởi huyết thanh người cho; truyền nhầm nhóm.

Triệu chứng: Nhức đầu, khó thở, rét run, mạch nhanh yếu, huyết áp hạ, đau quặn vùng thắt lưng, đái ít, nước tiểu có huyết sắc tố, rồi vô niệu, urê huyết tăng.

2. Sốc phản vệ.

3. Suy tim cấp và phù phổi cấp.

4. Truyền nhầm nhóm máu: bệnh nhân sẽ có các triệu chứng nhức đầu, khó thở, rét run... mạch nhanh yếu, huyết áp hạ, đái ít, nước tiểu có sắc tố rồi vô niệu. Ðau quặn vùng thắt lưng.

5. Không đảm bảo kỹ thuật vô khuẩn (nhiễm khuẩn huyết)

Ngoài 5 tai biến trên, còn có tai biến như tắc mạch hơi hoặc các tai biến muộn như viêm gan, giang mai, sốt rét, nhiễm HIV, những tai biến muộn thường do khi chọn người cho máu không kiểm tra cẩn thận.

(Theo ykhoa.net)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast