Mì tôm, giò, sữa và những tin đồn thất thiệt!

Từ thông tin sữa có đỉa, giò có chất độc hại, mì tôm có sán, thậm chí hạt hướng dương có chất teo não... không chính xác đã làm người tiêu dùng nhiều phen khiếp vía, không dám dùng sản phẩm. Không ít doanh nghiệp, hộ sản xuất cũng lao đao vì thị phần giảm nghiêm trọng.

Loạn tin đồn sinh vật lạ trong thực phẩm

Mấy ngày nay, bà Nguyễn Thị X. (phường Bắc Hà -TP Hà Tĩnh) liên tục dặn con không được ăn mì tôm vì người ta đang rỉ tai nhau trong sản phẩm này có sinh vật lạ. Bà X. cũng không quên mang gần 10 gói mì ra vứt vào sọt rác. Người con cố trấn tĩnh mẹ đó chỉ là tin đồn. Nhưng bà X. vẫn kiên quyết bắt người con hứa tuyệt đối không ăn mì nữa.

Quản lý thị trường Hà Tĩnh vào cuộc vụ nghi sinh vật lạ trong mì tôm ở xã Thạch Hạ (TP Hà Tinh). Ảnh: vietnamnet
Quản lý thị trường Hà Tĩnh vào cuộc vụ nghi sinh vật lạ trong mì tôm ở xã Thạch Hạ (TP Hà Tinh). Ảnh: vietnamnet

Chỉ câu chuyện sinh vật lạ trong mì hay sản phẩm sữa nổi tiếng của Việt Nam cũng “dính” phải những tình huống trớ trêu tương tự, gây ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu và tài chính của hãng sữa lớn này. Đó là cuối tháng 10/2012, dư luận rộ lên thông tin một người dân xã Thạch Môn (TP Hà Tĩnh) mua một dây sữa chua 4 hộp và cất vào tủ lạnh, cho con ăn dần. Khi chị cho con nhỏ (20 tháng tuổi) ăn được khoảng 1/3 hộp sữa thì phát hiện một vật thể lạ, màu đen nhờ nhợ nằm trong hộp sữa. Thông tin tương tự cũng xuất hiện tại xã Thạch Hưng (TP Hà Tĩnh) đối với sản phẩm sữa khác…

Có lẽ oái oăm nhất là chuyện thất thiệt về sản phẩm giò C. N. (khối phố 6 - Bắc Hà). Đây là sản phẩm giò gia truyền, nổi tiếng từ lâu và rất được người tiêu dùng trên địa bàn TP Hà Tĩnh và vùng lân cận ưa chuộng. Tuy nhiên, không ít kẻ xấu đã tung tin thất thiệt nhằm “hạ bệ” thương hiệu giò uy tín này. Chị Trần Thị Hồng C. - chủ thương hiệu giò cho biết, trong tháng 5/2013, nhân chuyến du lịch dài ngày của gia đình chị, có kẻ đã tung tin chị bị công an bắt do sử dụng chất trái phép, độc hại trong chế biến giò. Thậm chí còn có tin rằng, gia đình chị bị cơ quan an toàn thực phẩm phạt nặng vì không đảm bảo VSATTP, xe chở thịt của Trung Quốc về trước cửa nhà đã bị tịch thu, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế cho gia đình chị. Nhiều người tiêu dùng vốn trước đó rất ưa dùng sản phẩm của gia đình chị đã không đến cơ sở sản xuất này nữa.

Cạnh tranh không lành mạnh?!

Hầu hết những sự việc chưa xác định được thực hư, mới chỉ là tin đồn thổi nhưng lan truyền rất nhanh, nhiều người không dám cho con uống sữa tươi, không dám ăn thực phẩm chế biến sẵn… Thậm chí, những thông tin này còn được các trang web, facebook chia sẻ với tốc độ chóng mặt, khiến không ít người hoang mang, lo lắng. Theo chị C. thì đây là chiêu bài cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở sản xuất. Trên thực tế, các đoàn liên ngành thường xuyên kiểm tra và khẳng định cơ sở sản xuất chế biến giò của chị C. đảm bảo VSATTP.

Thông tin tương tự cũng xuất hiện trong sữa tại xã Thạch Hưng (TP Hà Tĩnh) vào năm ngoái
Thông tin tương tự cũng xuất hiện trong sữa tại xã Thạch Hưng (TP Hà Tĩnh) vào năm ngoái

Với sự cố của sản phẩm mì tôm, ngay sau đó, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã tiến hành lấy mẫu để kiểm nghiệm. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy không phát hiện sinh vật lạ, sản phẩm đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm theo quy định. Mẫu “sinh vật lạ” lấy tại hiện trường cũng đã được gửi tới Viện Sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng Trung ương và được xác định là đốt sán dây. Theo phân tích của Cục An toàn thực phẩm, trong quá trình chế biến xử lý ở nhiệt độ cao (trên 100oC), sán dây không thể sống trong sản phẩm mỳ tôm đã được bao gói kín. Do đó, Cục An toàn thực phẩm khẳng định, sán dây trong bát mì tôm xâm nhập từ môi trường trong quá trình sử dụng.

Trong hàng loạt tin đồn thì trường hợp tin đồn sữa có đỉa là khó chấp nhận nhất, vì trong môi trường của sữa, đỉa không thể tồn tại. Thế nhưng, tin đồn lan rộng và các doanh nghiệp sữa gặp không ít phen điêu đứng. Đại diện hãng sữa cho rằng, những thông tin về sữa có đỉa chỉ là tin đồn thất thiệt. Hầu hết người dân Việt Nam nói chung và người tiêu dùng nói riêng có thể nhận biết đỉa sống được trong môi trường nào. Trong các sản phẩm sữa nói chung, bằng các công nghệ tiệt trùng hiện đại, sản xuất ở nhiệt độ cao thì không thể có đỉa sống trong sản phẩm sữa được.

Các nhà khoa học và cơ quan quản lý vào cuộc, kiểm tra và đánh giá cụ thể, vật lạ trong sữa ở Hà Tĩnh chỉ là do quá trình bảo quản không tốt. Nhiều cơ quan thông tin đại chúng đã phản ánh hiện tượng một số đối tượng tìm đến các đại lý bán sữa, trường học tại một số tỉnh thành như Nghệ An, Hà Tĩnh… tung tin đồn về sữa giả, sữa kém chất lượng. Đáng nói là các địa chỉ mà những người tung tin đồn nhắm đến đều là những đại lý bán sữa của những thương hiệu lớn, uy tín trong nước. Chính vì vậy, nhà sản xuất đã phối hợp với các cơ quan chức năng Hà Tĩnh tổ chức hội thảo, nhằm giúp người tiêu dùng hiểu biết đúng về công nghệ sản xuất sữa tiên tiến hiện nay, trang bị kiến thức cho người tiêu dùng về sản phẩm sữa để tránh hoang mang khi nghe tin đồn thất thiệt.

Sau những câu chuyện phi lý đó, doanh nghiệp thiệt hại rất lớn. Doanh thu giảm, thị trường tăng trưởng khó khăn và đặc biệt là việc lấy lại niềm tin cho người tiêu dùng không phải dễ. Dù cơ quan chức năng vào cuộc, có thông tin rõ ràng nhưng sự vào cuộc còn rất chậm và thông tin khó đến với người dân hơn là tin đồn. Trong khi chờ kết luận của cơ quan chức năng, người tiêu dùng và doanh nghiệp, hộ sản xuất đã thiệt đơn, thiệt kép.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast