Nâng cao năng lực hoạt động của phòng y tế cấp huyện

(Baohatinh.vn) - Được thành lập từ tháng 3/2006, phòng y tế trực thuộc UBND các huyện, thị, thành phố. Từ đó đến nay, phòng y tế trong toàn tỉnh chưa phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ. Nguyên nhân chính là do thiếu nhân lực và sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền các huyện.

Thiếu và yếu

Một trưởng phòng, một nhân viên, từ khi thành lập đến nay, Phòng Y tế UBND thành phố Hà Tĩnh chỉ có chừng ấy nhân lực với nhiệm vụ khá nặng nề, quản lý nhà nước nhiều lĩnh vực, từ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân cho đến y tế dự phòng, khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, y dược học cổ truyền, thuốc phòng chữa bệnh cho người, mỹ phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe con người, an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP)… Cũng do lĩnh vực quản lý tỷ lệ nghịch với nguồn nhân lực nên hoạt động của phòng còn nhiều vấn đề phải bàn.

Hoạt động kiểm tra ATVSTP chỉ được tập trung trong những tháng cao điểm nên sau xử lý, tỷ lệ tái phạm cao.
Hoạt động kiểm tra ATVSTP chỉ được tập trung trong những tháng cao điểm nên sau xử lý, tỷ lệ tái phạm cao.

Dược sỹ Dương Đăng Ngọc - Trưởng phòng Y tế UBND thành phố Hà Tĩnh cho biết: Người ít, việc nhiều nên dù nỗ lực đến mấy cũng không thể đáp ứng được. Riêng việc tham dự họp theo thành phần của UBND thành phố đã chiếm hầu hết thời gian của 1 người. Bởi thế, mọi hoạt động chủ yếu là “chạy theo” và không thể bao phủ. Đơn cử như việc kiểm tra hành nghề y tế tư nhân trên địa bàn thành phố, số lượng khá nhiều nên phòng y tế không thể kiểm soát thường xuyên. Hàng năm, phòng phối hợp với Sở Y tế tổ chức thanh tra, kiểm tra theo định kỳ. Công tác ATVSTP cũng không kiểm tra được thường xuyên mà chỉ tiến hành trong tháng hành động, tháng cao điểm, lễ, tết nên tỷ lệ tái phạm sau xử lý rất cao.

Phòng Y tế huyện Lộc Hà cũng tương tự. Từ khi thành lập đến nay, chỉ có 2 cán bộ, nhân viên. Trưởng phòng Võ Thị Bằng chia sẻ: “Chức năng, nhiệm vụ được giao rộng, người ít nên hoạt động chưa thể đáp ứng được. Chúng tôi có đề nghị UBND huyện bổ sung nhân lực nhưng không được giải quyết vì lý do định biên chung của UBND huyện đã đủ”.

Thiếu nhân lực, năng lực hoạt động kém, thiếu sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền là thực trạng chung của hầu hết các phòng y tế. Bác sỹ Nguyễn Văn Sánh - Trưởng phòng Y tế huyện Hương Sơn cho biết: Cán bộ ít, lại chủ yếu là bác sỹ chuyên tu chuyển từ trạm y tế lên, do vậy, rất hạn chế về năng lực hoạt động. Kinh nghiệm quản lý, điều hành yếu; việc nắm bắt chủ trương, cảnh báo nguy cơ để làm công tác tham mưu không đáp ứng được. Mặt khác, kinh phí hoạt động của phòng quá hạn hẹp, khoảng 40-50 triệu đồng/năm. Mọi hoạt động của phòng do vậy cũng bị bó hẹp. Đấy là chưa kể đến chế độ, chính sách đãi ngộ chưa phù hợp nên cán bộ không an tâm công tác.

Cần sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền

Để nâng cao năng lực công tác, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cho phòng y tế, thời gian gần đây, Sở Y tế đã tổ chức hội thảo, tạo diễn đàn trao đổi thông tin cho cán bộ phòng y tế và tìm giải pháp tháo gỡ; tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức về quản lý nhà nước cho đội ngũ cán bộ.

Sở cũng đã tham mưu Sở Nội vụ bổ sung biên chế cho phòng y tế tối thiểu 4 cán bộ, nhân viên (trong đó có 1 bác sỹ, 1 dược sỹ và 1 cử nhân y tế công cộng)/phòng y tế… Đó là dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, để phòng y tế đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới còn đòi hỏi sự quan tâm hơn nữa của cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở, đặc biệt là về việc điều động nhân lực đủ năng lực và bố trí kinh phí, phương tiện hoạt động. Muốn vậy, đòi hỏi phải nhận thức đúng về vai trò quản lý nhà nước hết sức quan trọng của phòng y tế.

Một khi phòng y tế được nâng cao năng lực, hoạt động của phòng được tăng cường thì công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn sẽ tốt hơn, đặc biệt là việc xử lý vi phạm về hành nghề y tế tư nhân, ATVSTP... sẽ có nhiều dấu hiệu tích cực, không còn tái diễn cảnh “đá ném ao bèo” như hiện nay.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast