Người bệnh gánh chịu hậu quả!

Trên địa bàn Hà Tĩnh hiện có gần 500 cơ sở bán lẻ thuốc tư nhân và 262 tủ thuốc tại các trạm y tế xã, phường. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là việc bán thuốc theo đơn của bác sỹ (BS) vẫn không được kiểm soát một cách chặt chẽ. Hơn ai hết, người bệnh phải chịu mọi hậu quả từ việc dùng thuốc không theo chỉ định của BS.

Quản lý lỏng lẻo mua bán thuốc tân dược:

Có mặt tại hầu hết nhà thuốc tây tại TP Hà Tĩnh, chúng tôi không khỏi bất ngờ bởi khách hàng tỏ ra khá chủ quan khi mua thuốc, trong khi nhà thuốc cứ mặc nhiên “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”. Tại nhiều nhà thuốc, việc mua bán thuốc diễn ra khá đơn giản.

Rất nhiều bệnh nhân đến mua thuốc mà không có đơn. Ảnh: Hồng Hải
Rất nhiều bệnh nhân đến mua thuốc mà không có đơn. Ảnh: Hồng Hải

Không chỉ những loại thuốc chữa bệnh thông thường, với loại thuốc bắt buộc phải bán theo đơn và đòi hỏi phải theo dõi chặt chẽ trong quá trình sử dụng vẫn có thể mua bán một cách dễ dàng, chẳng cần đến đơn thuốc. Câu chuyện phóng viên ghi lại được tại quầy thuốc H.N. (đường Nguyễn Công Trứ - TP Hà Tĩnh) là một ví dụ.

Một cô gái nói với nhân viên quầy thuốc: “Chị ơi, bán cho em liều thuốc. Con em bị viêm phổi nhẹ, đã uống kháng sinh mấy ngày nay nhưng không khỏi”. Người bán thuốc hỏi: “Con em bao nhiêu tuổi, nặng bao nhiêu kg, có sốt, ho, sổ mũi hay nhức đầu không?”. Cô gái ngập ngừng rồi trả lời qua loa một số triệu chứng. Sau đó, chị bán thuốc đưa cho 3-4 loại thuốc khác nhau gồm kháng sinh liều cao, thuốc bổ, rồi dặn dò số lần uống.

Tại một số quầy thuốc tại đường Hải Thượng Lãn Ông còn có tình trạng dược sỹ đứng tên nhà thuốc vắng mặt thường xuyên, để cho dược tá, dược sĩ trung học… tự ý bán thuốc theo lời kể của người bệnh, thậm chí, tự ý hướng dẫn dùng thuốc vượt quá thẩm quyền.

Mặc dù tại quầy thuốc có ghi rõ ràng thuốc kê đơn nhưng người bán vẫn cứ bán mà không cần đơn. Ảnh: Hồng Hải
Mặc dù tại quầy thuốc có ghi rõ ràng thuốc kê đơn nhưng người bán vẫn cứ bán mà không cần đơn. Ảnh: Hồng Hải

Việc khám bệnh thường mất nhiều thì giờ, phiền phức nên người dân thường dễ dãi chấp nhận sự mách bảo, tự ý mua thuốc dùng. Dược sĩ Nguyễn Thị Liên (nhà thuốc T.L. - TP Hà Tĩnh) cho biết: Rất nhiều khách hàng đến quầy thuốc của chị hỏi mua các loại thuốc từ nhức đầu, sổ mũi, đau bụng đến thuốc an thần, huyết áp… nhưng không hề có đơn của BS.

“Mình không bán thì người ta cũng mua chỗ khác, nên trước khi bán phải hỏi thật kỹ về tiền sử người bệnh có dị ứng, phản ứng với những thành phần thuốc hay không. Quan trọng là vậy nhưng nhiều người mua thuốc không quan tâm đến yếu tố này. Họ luôn tin rằng, thuốc sẽ giúp khỏi bệnh, nhưng không mấy lưu ý đến việc sử dụng đúng cách, đúng liều lượng. Điều này rất nguy hiểm” - dược sỹ Liên giải thích.

BS Hà (phòng khám tai – mũi - họng trên đường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh) cho biết, thời gian qua, phòng khám tiếp nhận nhiều trường hợp bị các chứng bệnh tai, mũi, họng, khi đến khám thì bệnh đã trở nặng vì trước đó đã tự ý mua thuốc về điều trị không đúng bệnh, không đúng liệu trình... Theo BS Hà, người bệnh không nên tự ý mua thuốc khi chưa đến các cơ sở KCB và tuyệt đối không dùng những đơn thuốc cũ cho những lần điều trị tiếp theo. Khi ốm đau, nên đến các cơ sở KCB để được các thầy thuốc khám, kê đơn, hướng dẫn điều trị. Kê đơn thuốc là việc rất quan trọng đối với cả bệnh nhân và thầy thuốc. Người bệnh không có đơn thuốc sẽ không có căn cứ uống đúng liều lượng thuốc, thời gian, những thức ăn kiêng, chống chỉ định với thuốc. Từ đó, người bệnh dễ gặp rủi ro do phản ứng phụ từ thuốc gây ra.

Theo quy định của Bộ Y tế, việc tùy tiện bán các loại thuốc bắt buộc phải bán theo đơn nếu bị phát hiện sẽ bị xử phạt từ 5 - 7 triệu đồng, thậm chí còn bị tước giấy phép hành nghề của các dược sỹ.

Các nhóm thuốc phải bán theo đơn gồm: thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, thuốc kháng sinh, tim mạch, ung thư... Những loại kể trên chỉ được phép bán khi người bệnh trình đơn thuốc của BS.

Việc quá “vô tư” của cả người bán lẫn người mua thuốc là nguyên nhân chính dẫn đến sự nhầm lẫn của dược sỹ khi bán thuốc. Chính vì quá “chiều khách”, đôi lúc, nhà thuốc sẽ bán cả những loại thuốc thuộc danh mục bắt buộc phải kê đơn thuốc trước khi bán mà Bộ Y tế đã quy định. Cũng có không ít trường hợp, nhà thuốc hoặc dược sỹ vì muốn tăng doanh số nên ngoài thuốc bán theo sự mô tả triệu chứng của bệnh nhân, họ sẵn sàng bán kèm theo một số loại thuốc hỗ trợ khác. Điều này có thể sẽ gây những biến chứng vô cùng nguy hiểm cho người bệnh.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng chịu trách nhiệm quản lý dược của địa phương cần có biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ các hiệu thuốc tư nhân. Ngoài việc xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm của các hiệu thuốc để răn đe thì quan trọng hơn là việc quán triệt toàn bộ các hiệu thuốc khi bán thuốc cho người bệnh phải căn cứ theo đơn thuốc của BS.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast