Người dân Hà Tĩnh cần cảnh giác với bệnh dại trong mùa nắng nóng

(Baohatinh.vn) - Từ đầu năm đến nay, Hà Tĩnh ghi nhận nhiều trường hợp bị chó, mèo cắn, cào phải đi tiêm vắc-xin phòng bệnh dại. Nắng nóng là môi trường thuận lợi để bệnh dại bùng phát mạnh, vì vậy, người dân cần chủ động tiêm vắc-xin phòng dại định kỳ cho chó, mèo và cần đến ngay cơ sở y tế khi bị cắn, cào.

Người dân Hà Tĩnh cần cảnh giác với bệnh dại trong mùa nắng nóng

Chị N.T.T đưa con đến thăm khám tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Thời tiết nắng nóng là môi trường thuận lợi để bệnh dại bùng phát mạnh và đỉnh điểm thường là vào khoảng từ tháng 5 đến tháng 8.

Khoảng gần 2 tuần trước, trong lúc nô nghịch với chó của gia đình nuôi, con trai của chị N.T.T (trú tại xã Thạch Trị, huyện Thạch Hà) đã bị chó cắn.

"Ngay sau khi phát hiện cháu bị chó cắn, chúng tôi đã xử lý vết thương và theo dõi sát tình trạng của chó. Đến nay, thấy chó bị chết nên gia đình đã nhanh chóng đưa cháu đi tiêm phòng dại. Mong là cháu sẽ không bị ảnh hưởng” - chị N.T.T bày tỏ sự lo lắng khi đưa con đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiêm phòng.

Trường hợp bị vật nuôi cắn phải đi tiêm phòng như con của chị T. là không hiếm. Theo tổng hợp từ ngành y tế, từ đầu năm cho đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận gần 500 trường hợp đi tiêm phòng dại do bị chó mèo cắn/cào. Trong đó, quá trình theo dõi, có gần 300 trường hợp chó, mèo bị ốm và trên 100 trường hợp chó, mèo chạy rông, mất tích hoặc lên cơn dại. Đến nay, trên địa bàn Hà Tĩnh chưa ghi nhận trường hợp tử vong trên người do bệnh dại vì được tiêm vắc-xin, huyết thanh kháng dại kịp thời ngay sau khi bị chó, mèo nghi dại cắn/cào.

Người dân Hà Tĩnh cần cảnh giác với bệnh dại trong mùa nắng nóng

Con chị N.T.T được cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiêm vắc-xin phòng dại sau khi bị chó cắn.

Chị Nguyễn Thị Thanh Mộng - cán bộ Phòng Tiêm chủng - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Từ đầu năm đến nay, Phòng Tiêm chủng đã tiến hành tiêm phòng bệnh dại cho 50 người bị chó, mèo cắn, cào. Điều dễ nhận thấy là số lượng người tiêm tập trung nhiều vào những tháng nắng nóng gần đây. Vì vậy, cùng với tiêm chủng, chúng tôi cũng tuyên truyền, cảnh báo người dân quan tâm, đề phòng chó, mèo cắn/cào để phòng tránh bệnh dại”.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh dại phổ biến trên toàn thế giới, mỗi năm có trên 10 triệu người bị súc vật dại hoặc nghi dại cắn phải điều trị dự phòng bằng vắc-xin dại. Khoảng 60.000 - 70.000 người tử vong vì căn bệnh này, chủ yếu ở các nước thuộc vùng nhiệt đới.

Người dân Hà Tĩnh cần cảnh giác với bệnh dại trong mùa nắng nóng

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã có gần 500 trường hợp phải tiêm vắc-xin phòng dại do bị chó mèo cắn, cào.

Bác sỹ Trần Văn Tài - Phụ trách Phòng Khám, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Hiện nay, chưa có loại thuốc nào có thể chữa được bệnh dại. Khi đã nhiễm virus dại, người bị dại chắc chắn không có cách cứu chữa, khi lên cơn dại tỷ lệ tử vong là 100%.

Giải pháp duy nhất để cứu người khi bị chó mèo dại/nghi dại cắn là tiêm vắc-xin phòng dại hoặc huyết thanh phòng dại càng sớm càng tốt. Người dân ngay sau khi bị chó mèo cắn/cào cần rửa vết thương với xà phòng dưới vòi nước chảy trong khoảng 15 phút hoặc sử dụng các chế phẩm sát trùng như: cồn trắng, cồn i-ốt, ôxy già. Sau đó, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn tiêm phòng dại, tuyệt đối không dùng thuốc nam hay tự chữa bệnh tại nhà để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc”.

Ngành y tế khuyến cáo, để chủ động phòng bệnh dại, người dân cần tiêm vắc-xin phòng dại định kỳ cho chó, mèo; không thả rông vật nuôi, không tiếp xúc với con vật bị dại, nghi dại; không mua bán, vận chuyển chó, mèo ra, vào vùng dịch. Khi phát hiện hay nghi động vật bị dại cần báo ngay cho chính quyền, cơ quan thú y tại địa phương để có biện pháp tiêu hủy chó, mèo bị dại.

Đối với vắc-xin phòng bệnh dại, mỗi người nếu bị chó, mèo cắn/cào cần tiêm 5 mũi. Tuỳ tình trạng vết cắn/cào, có thể chỉ cần tiêm vắc-xin hoặc kết hợp với huyết thanh kháng dại. Hiện nay, vắc-xin dại đã được sản xuất theo công nghệ mới nên rất an toàn, đáp ứng miễn dịch cao khi tiêm đủ liều.

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast