Nguy cơ ngộ độc thực phẩm mùa hè

Mùa hè với nền nhiệt độ cao liên tục từ 30 – 380C, độ ẩm không khí tương đối cao, mưa nhiều là những điều kiện thuận lợi để vi sinh vật phát triển, đặc biệt là các vi sinh vật gây bệnh qua thực phẩm. Tại Hà Tĩnh cho đến thời điểm này vẫn chưa xảy ra vụ ngộ độ nào đáng kể, tuy nhiên, nguy cơ tiềm ẩn vẫn còn rất cao.

Các cửa hàng ăn uống vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm chiếm tỷ lệ cao

Cho đến thời điểm này nguồn kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia vẫn chưa có nhưng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tỉnh vẫn đảm bảo mọi hoạt động. Đơn vị đã chủ động tháo gỡ ác khó khăn, tích cực tham mưu cho UBND tỉnh ra các văn bản chỉ đạo về đảm bảoVSATTP, đặc biệt là trong các đợt cao điểm mùa lễ hội và mùa hè. Các hoạt động thanh tra, kiểm tra về VSATTP được tiến hành ở các cấp.

Hầu hết các quán ăn ở các chợ đều "phơi" sẵn thức ăn trên bàn chờ khách

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 299 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, đơn ngành, hoạt động từ tỉnh đến các xã phường, thị trấn. Các đoàn đã thanh tra, kiểm tra được 6845 lượt cơ sở; phát hiện 1287 lượt cơ sở vi phạm (chiếm 18,8% cơ sở được thanh tra, kiểm tra) ; đã tiến hành xử lý 671 cơ sở, trong đó số cơ sở bị phạt tiền là 65 cơ sở với số tiền hơn 62 triệu đồng. Điều đáng quan tâm là, trong số các trường hợp vi phạm, chiếm phần lớn vẫn là nhóm dịch vụ ăn uống. Các Đoàn đã tiến hành kiểm tra 2627 cơ sở dịch vụ ăn uống, tỷ lệ đạt chỉ chiếm 60,21%.

Ông Phan Văn Hùng – Chi Cục trưởng Chi Cục VSATTP tỉnh cho biết : Mặc dù chưa có kinh phí cho hoạt động nhưng đơn vị đã chủ động xoay xở và đảm bảo được hoạt động. Điều đáng mừng là qua các đợt kiểm tra vừa rồi đã thấy được những chuyển biến tích cực. So với các năm trước, số lượng hàng quá hạn phát hiện ít hơn ; số thực phẩm sống để lẫn chín cũng đã được hạn chế. Các lỗi vi phạm chủ yếu là sản xuất, kinh doanh thực phẩm ở môi trường không đảm bảo vệ sinh; không tổ chức lưu mẫu thực phẩm theo quy định; các dụng cụ chứa đựng, gắp, múc, chế biến thực phẩm không đảm bảo vệ sinh; không bảo đảm các quy định về vệ sinh an toàn trong bảo quản, vận chuyển thực phẩm; không thực hiện khám sức khỏe cho người lao động trước khi tuyển dụng và không có giấy chứng nhận đã qua tập huấn về VSATTP cho nhân viên trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm …. Đối với các cơ sở vi phạm các Đoàn thanh tra đã xử lý nghiêm túc. Điều đáng mừng nữa, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh mới có 3 người bị ngộ độc thực phẩm ; chưa xảy ra vụ ngộ độc nào đáng kể. Đặc biệt là các bếp ăn mầm non, các lễ hội được kiểm tra thường xuyên, không để xảy ra vụ ngộ độc nào. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất vẫn là ở các dịch vụ ăn uống, trong số các cơ sở được kiểm tra, chiếm tỷ lệ gần 40% cơ sở chưa đạt. Ngoài ra, thức ăn đường phố vẫn đang là vấn đề bất cập.

Nguy cơ tiềm ẩn ngộ độc thực phẩm vẫn còn rất cao

Đã có những dấu hiệu chuyển biến tích cực về đảm bảo VSATTP nhưng không có nghĩa là chúng ta đang được sống trong một môi trường đảm bảo an toàn về thực phẩm. Những nguy cơ về ngộ độc thực phẩm vẫn luôn thường trực xung quanh.

Quan sát tất cả các quán ăn ở các chợ, ở các đường phố trên địa bàn toàn tỉnh chúng ta không khỏi lo ngại. Hầu hết người bán hàng và người tiêu dùng vẫn còn rất thờ ơ với vấn đề này. 100% quán ăn ở chợ chưa có tủ kính để bảo vệ thức ăn ; thức ăn vẫn luôn được bày sẵn trên bàn để ... chờ khách. Rải rác đôi quán hàng được chủ quan tâm hơn vấn đề đảm bảo VSATTP thì thức ăn trên bàn được phủ thêm một tấm màn màu...ố. Bên cạnh đó, hầu hết người phục vụ có thói quen dùng đôi tay trần bốc thực phẩm hoặc cắt thực phẩm chín; người tiêu dùng cũng dùng đôi tay trần không được rửa trước để bốc thức ăn... Rồi đến việc các nhà hàng, quán ăn tiết kiệm nước rửa chén bát... Đó là chưa kể đến các thức ăn có nguồn gốc động vật và các loại thực phẩm có nhiều dầu, đạm như cá, hải sản, sữa... nếu không được chế biến kỹ, bảo quản không cẩn thận, nấu xong không ăn ngay thì nguy cơ gây ngộ độc rất cao. Ngoài ra, mùa hè, lượng đá phục vụ giải khát cũng đáng kể, trong đó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về ATTP do nước dùng để làm đá không đảm bảo vệ sinh, hoặc các dụng cụ để vận chuyển đá, đập đá, đựng đá không đảm bảo vệ sinh...

Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong mùa hè, hạn chế tối đa các nguy cơ truyền bệnh qua thực phẩm đòi hỏi người tiêu dùng cũng như người sản xuất kinh doanh cần nâng cao kiến thức và ý thức về VSATTP. Đặc biệt, cần tuân thủ 10 nguyên tắc vàng trong chế biến thực phẩm. Ngoài ra, để nâng cao công tác đảm bảo VSATTP, ngành chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn kiến thức đảm bảo VSATTP đối với người trực tiếp chế biến thực phẩm trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các nhà hàng, dịch vụ ăn uống ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các bếp ăn tập thể, các cơ sở cung cấp thực phẩm, các dịch vụ ăn uống ; đôn đốc các cơ sở, nhà hàng, dịch vụ thực hiện các quy định của pháp luật về đảm bảo VSATTP như tổ chức tập huấn kiến thức về bảo đảm VSATTP cho nhân viên ; lập các sổ theo dõi nguồn gốc thực phẩm nhập vào; sổ lưu mẫu thức ăn hàng ngày ; sổ thực đơn...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast