Nhiều khó khăn trong công tác phòng chống bệnh Lao ở Hà Tĩnh

Lao hiện là 1 trong 5 nguyên nhân gây tử vong cao nhất tại nước ta. Tại Hà Tĩnh, thời gian qua, mặc dù tỉnh đã có nhiều cố gắng; song công tác phòng chống lao (PCL) hiện còn đối mặt với nhiều khó khăn, nguy cơ lây nhiễm lao trong cộng đồng còn cao.

Việt Nam đứng thứ 12 trong 22 nước có bệnh lao cao nhất thế giới. Ước tính, mỗi năm có thêm khoảng 180 ngàn người mắc bệnh lao, trong đó có hơn 5% bệnh nhân lao đồng nhiễm HIV, gần 6000 bệnh nhân lao đa kháng thuốc và có trên 20 ngàn người chết do lao.

Người mắc bệnh lao ở nước ta chủ yếu ở độ tuổi lao động. Bệnh lao là nguyên nhân chủ yếu làm nghèo đói dai dẳng và trở ngại đối với việc phát triển kinh tế; mỗi bệnh nhân mất trung bình 3-4 tháng lao động, làm giảm 20-30% thu nhập gia đình.

Tại Hà Tĩnh, theo kết quả điều tra VINCOB-TB 06 và hoạt động thực tế, tỷ lệ mắc lao xếp loại trung bình trong khu vực Bắc Trung Bộ. Riêng từ năm 2008 - 2010, mỗi năm phát hiện khoảng 1.450 bệnh nhân lao mọi thể, trong đó lao phổi chiếm 750 bệnh nhân.

Bác sỹ Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Hà Tĩnh kiểm tra sức khoẻ cho bệnh nhân
Bác sỹ Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Hà Tĩnh kiểm tra sức khoẻ cho bệnh nhân

Hiện nay, mạng lưới phòng chống lao của Hà Tĩnh được triển khai và duy trì hoạt động có hiệu quả. Tại tuyến tỉnh, có 73 cán bộ công nhân viên, trong đó 45 cán bộ chuyên môn. Mỗi huyện, thành phố có 1 tổ chống lao bao gồm 1 cán bộ chuyên khoa, một xét nghiệm viên và 1 y, bác sỹ khoa lây lao; mỗi xã, phường có 1 cán bộ phụ trách chống lao.

Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Hà Tĩnh vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, vừa tiến hành xây dựng cơ bản. Đến nay, bệnh viện đã xây dựng xong với quy mô 100 giường bệnh; nhiều trang thiết bị hiện đại phục vụ KCB đáp ứng yêu cầu người dân được đầu tư như: máy x-quang, siêu âm màu 4D, máy thở, moniter, máy xét nghiệm huyết học, sinh hoá…

Bằng nhiều nỗ lực của mạng lưới PCL, các bệnh nhân lao trong tỉnh được bảo vệ bằng phương pháp hoá trị ngắn ngày có kiểm soát trực tiếp (dots). Riêng năm 2010, tổng số bệnh nhân lao các thể được phát hiện là 1.450 trường hợp. Hiện 100% bệnh nhân lao (đã phát hiện) được điều trị bằng hoá trị liệu ngắn ngày có kiểm soát trực tiếp. Tỷ lệ điều trị khỏi đạt trên 90%, cao hơn so với yêu cầu của chương trình phòng chống lao quốc gia đề ra.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực cố gắng nhưng công tác PCL tại Hà Tĩnh còn gặp nhiều khó khăn. Thực tế, con số phát hiện bệnh nhân lao nói trên chưa đúng với tình hình bệnh lao trong cộng đồng (ước tính mới chỉ đạt 60%). Mặt khác, đã xuất hiện một số bệnh nhân lao kháng thuốc trên lâm sàng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến lao kháng thuốc. Không ít bệnh nhân lao mặc cảm vì sợ dư luận cộng đồng làm ảnh hưởng đến gia đình nên tự ý mua thuốc về dùng, hậu quả là bệnh ngày càng nặng, khi đến bệnh viện thì lao đã kháng thuốc. Một số người sau 2 tháng điều trị, thấy bệnh "êm êm" rồi bỏ dở điều trị khiến vi khuẩn lao "nhờn" thuốc.

Việc kỳ thị đối với bệnh nhân lao cũng là một trong những nguyên nhân khiến người bệnh ngại đến kiểm tra tại cơ sở y tế. Lao kháng thuốc rất nguy hiểm. Ước tính, một người mang vi khuẩn lao kháng đa thuốc có thể lây sang 10 - 15 người khác. Và, người chưa từng mắc lao khi nhiễm vi khuẩn này cũng sẽ trở thành người mắc lao kháng thuốc. Bệnh nhân mắc lao kháng đa thuốc điều trị rất tốn kém, gấp khoảng 200 lần so với bệnh nhân lao bình thường, vượt quá khả năng của hầu hết bệnh nhân và chương trình chống lao trong cộng đồng nhưng tỷ lệ khỏi rất thấp…

Bác sỹ Trương Hồng lĩnh – Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Hà Tĩnh cho biết: “Khó khăn lớn nhất trong công tác PCL hiện nay là nguồn lực. Trước hết là nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu. Tại tuyến tỉnh, chỉ có 9 bác sỹ; huyện, thị, thành phố chỉ có 2 bác sỹ, còn lại là y sỹ, điều dưỡng viên và KTV… Nguồn nhân lực tuyến cơ sở lại không ổn định, thường xuyên chuyển đổi hoặc kiêm nhiệm.

Mặt khác, đến nay, tỉnh, các địa phương vẫn chưa có một cơ chế đặc thù để động viên bác sỹ, cán bộ an tâm công tác. Bên cạnh đó, các trang thiết bị thiết yếu phục vụ chuyên môn như test xét nghiệm nhanh, labo nuôi cấy, kháng sinh đồ… vẫn chưa có. Còn về ngân sách hoạt động lại quá hạn hẹp. Vì vậy, riêng việc truyền thông thay đổi nhận thức trong cộng đồng cũng phải rất hạn chế (vì không có ngân sách hoạt động). Đến nay, chương trình PCL vẫn chưa nhận được nguồn ngân sách hỗ trợ nào của tỉnh”.

Để phòng chống bệnh lao đạt hiệu quả, Hà Tĩnh cần đổi mới phương thức hành động. Phòng chống lao không chỉ là nhiệm vụ riêng của ngành Y tế mà cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cả cộng đồng. Chính quyền các cấp cần hỗ trợ kinh phí cho hoạt động PCL; có cơ chế đặc thù để thu hút, động viên đội ngũ cán bộ làm công tác PCL, nhất là đội ngũ bác sỹ để họ yên tâm công tác.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast