Nhiều năm liền làm tốt công tác DS-KHHGĐ

Nhiều năm trở lại đây, xã Thạch Khê (Thạch Hà) được đánh giá cao trong việc thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ. Có được điều đó là nhờ cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã chỉ đạo thực hiện tốt Nghị quyết (NQ) 13 của HĐND tỉnh. Thạch Khê là địa phương nhiều năm liền làm tốt công tác giảm sinh và duy trì hiệu quả các thôn nhiều năm liền không sinh con thứ 3 trở lên.

Là xã khó khăn, cộng với tâm lý của người dân vẫn còn nặng nề “trọng nam khinh nữ”, “đông con hơn nhiều của”... nên công tác DS–KHHGĐ ở Thạch Khê gặp nhiều trở ngại. Tuy nhiên, từ khi HĐND tỉnh ban hành NQ 13, xã Thạch Khê đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác DS–KHHGĐ.

Chủ tịch UBND xã Dương Đình Tiến cho biết: “Xác định đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng góp phần vào sự phát triển kinh tế, ổn định chính trị ở địa phương, hàng năm, UBND xã đã tiến hành hội nghị đánh giá tình hình hoạt động đối với công tác DS–KHHGĐ, từ đó rút kinh nghiệm chỉ đạo hoạt động để công tác dân số đạt hiệu quả hơn”.

Triển khai đề án 52 về "kiểm soát dân số vùng biển" tại xã Thạch Khê.
Triển khai đề án 52 về "kiểm soát dân số vùng biển" tại xã Thạch Khê.

Từ khi triển khai NQ 13 của HĐND tỉnh, xã Thạch Khê luôn tiên phong trong công tác DS–KHHGĐ của toàn huyện. Xã vận động nhân dân thực hiện KHHGĐ để phát triển kinh tế, XĐGN gắn với cuộc vận động “đưa hương ước dân số vào xét duyệt làng văn hóa”. Theo đó, thôn nào sinh con thứ 3 trở lên đều không được xếp làng văn hóa hoặc bị cắt tiêu chuẩn làng văn hóa. Thạch Khê có nhiều thôn nhiều năm liền không có người sinh con thứ 3. Trong đó, Thôn Phúc Lộc 10 năm liền, thôn Tây Hồ 12 năm liền không có người sinh con thứ 3. Đến nay, tỷ lệ các cặp vợ chồng chấp nhận sử dụng các biện pháp tránh thai đạt 73%, tỷ lệ gia đình đạt gia đình văn hóa 83%. Các chỉ tiêu trong NQ 13/NQ-HĐND đề ra như: bố trí kinh phí cho công tác DS–KHHGĐ, giảm tỷ suất sinh thô, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên… xã đều đạt được. Thạch Khê nhiều năm liền được UBND huyện, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh tặng giấy khen.

Đạt được thành quả trên là nhờ đội ngũ cộng tác viên tích cực “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền tư vấn, vận động các đối tượng trong độ tuổi thực hiện các phương tiện tránh thai. Chị Trương Thị Phương – Chuyên trách dân số xã cho biết: “Để công tác DS-KHHGĐ đến được với đông đảo nhân dân thì những cán bộ như chúng tôi thường xuyên lồng ghép tuyên truyền, phổ biến về Pháp lệnh Dân số; chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thông qua các buổi họp thôn, xóm. Cứ mỗi buổi tối, cộng tác viên dân số cùng với các tổ chức đoàn thể trực tiếp đi đến từng nhà dân, nhất là những gia đình có ý định sinh con thứ 3 phân tích cho họ thấy sự khó khăn, vất vả khi sinh nhiều con”.

Chị Nguyễn Thị Hạnh (thôn Tây Hồ) chia sẻ: “Được các anh chị phụ trách dân số khuyên nhủ, phân tích lợi hại của việc sinh đẻ có kế hoạch, gia đình tôi đã hiểu ra và quyết định dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt. Tôi thấy, sinh ít con thì mình có thêm điều kiện chăm sóc con cái và phát triển kinh tế gia đình. Hiện tại, vợ chồng tôi luôn sử dụng thuốc tránh thai để tránh tình trạng phải sinh con ngoài ý muốn”. Nhiều gia đình khác khi tiếp xúc với chúng tôi cũng thẳng thắn: “Thời buổi này, sinh 2 con là tốt nhất. Gia đình nào sinh nhiều con chắc chắn gặp nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế”.

Có thể nói, NQ 13 của HĐND tỉnh đã thực sự đi vào đời sống những người dân nơi đây, đã tác động làm thay đổi nhận thức của các cấp lãnh đạo cũng như người dân, đưa công tác DS–KHHGĐ của xã giành nhiều kết quả đáng mừng. Tuy nhiên, để đẩy mạnh công tác dân số đến với nhân dân, các cấp chính quyền cần tăng cường đầu tư thêm kinh phí để ngành dân số phát huy sức mạnh và hiệu quả trong công tác DS–KHHGĐ và CSSKSS cho nhân dân, góp phần vào sự phát triển KT–XH của địa phương.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast