Những chuyện “lạ” ở Bệnh viện TP Hà Tĩnh

Nhớ tới những lần đưa người thân và bạn bè đi cấp cứu ở một số cơ sở y tế với thủ tục rườm rà... Và, tôi thấy mình cần phải kể lại những chuyện “lạ” này để mọi người cùng biết.

Chuyện thứ nhất: Kiên quyết bắt nhập viện

"Lương y như từ mẫu". Ảnh minh họa
"Lương y như từ mẫu". Ảnh minh họa

Bố tôi đến khám tại Bệnh viện TP Hà Tĩnh khi tình trạng sức khỏe rất tồi tệ, do chủ quan nên không biết rằng đã bị xuất huyết tiêu hóa trước đó 4-5 ngày. Điều đó đồng nghĩa với việc cơ thể của ông đã mất một lượng máu rất lớn. Lúc đó đã hơn 4h chiều, ông một mình làm thủ tục thăm khám bình thường, bởi nghĩ rằng bệnh tuổi già, không có người thân đi cùng. Gặp y tá Diệu Linh, bố tôi nhanh chóng được làm các thủ tục thăm khám. Ngay lúc nhìn sắc thái và cử chỉ của bố tôi, y tá Diệu Linh và bác sỹ Minh hình như đã tiên lượng được tình huống xấu nên hỏi han rất kỹ các triệu chứng. Nghe xong, Bác sỹ Minh đo huyết áp, cho làm các xét nghiệm cần thiết, chẩn đoán ngay bố tôi bị xuất huyết tiêu hóa và yêu cầu ông nhập viện ngay để cấp cứu, điều trị. Do đang đi một mình, lại không mang theo thẻ và sổ bảo hiểm, cũng như không mang theo nhiều tiền mặt, bố tôi xin thăm khám bình thường rồi về nhà, thứ hai mới nhập viện. Nhưng bác sỹ Minh đã kiên quyết bắt bố tôi nhập viện, vì tình trạng xuất huyết tiêu hóa của bố tôi đã kéo dài ngày, chuyển biến xấu, kèm theo chứng bệnh cao huyết áp, nếu không cấp cứu kịp thời thì vô phương cứu chữa. Mọi lo lắng của bố tôi về thời gian (lúc này đã gần hết giờ làm việc ngày thứ 6), thủ tục nhập viện..v..v… được bác sỹ Minh và kịp trực nơi phòng khám đảm bảo cứ yên tâm, mạng người là trên hết và ngay lập tức đưa bố tôi vào phòng cấp cứu để truyền dịch, dùng máy và dung dịch hỗ trợ cầm máu, hạ huyết áp…

Sau khi thực hiện các thao tác cấp cứu cần thiết, kịp trực mới gọi điện thông báo cho gia đình. Chợt nghĩ, nếu như hôm ấy bác sỹ không kiên quyết bắt bố tôi nhập viện cấp cứu, mà để đến thứ 2 như yêu cầu của ông thì chắc không cứu kịp.

Chuyện thứ hai: Dứt khoát từ chối phong bì

Chiều hôm ấy tôi đi công tác tại huyện Vũ Quang, về đến bệnh viện thì đã 9h đêm. Nhìn bố tôi nằm cấp cứu ở khoa nội, hai tay hai ống truyền dịch, với chiếc máy hỗ trợ cầm máu đặt phía đầu giường, bác sỹ và y tá thường xuyên ghé qua theo dõi, trong lòng đã lo lắng lại càng thêm lo lắng. Như một phản xạ có điều kiện, tôi bỏ tiền vào mấy chiếc phong bì, lựa lúc chỉ có một mình bác sỹ hoặc y tá vào thăm khám là đưa phong bì, bỏ vào túi áo blu. Nhưng lần nào đưa cũng bị trả lại, với lời từ chối rất nhã nhặn và lịch sự. Thực tâm, lúc đó tôi đưa phong bì như một lời cảm ơn vì đã kịp thời cấp cứu và quan tâm theo dõi cho bố tôi- một hành động rất bình thường của người nhà bệnh nhân ở các bệnh viện. Nhưng bác sỹ Lực, y tá Vân… người nào cũng từ chối phong bì tôi đưa. Anh trai của tôi kể, từ đầu tối đến giờ, anh đã chứng kiến một số người đưa phong bì cho y tá, bác sỹ, nhưng lần nào cũng thấy kíp trực đêm hôm đó từ chối. Tôi chợt thấy ngượng cho hành vi của mình!

Chuyện thứ ba: Đến niềm nở, ở tận tình, ra về dặn dò chu đáo

Trong đêm đầu tiền nằm tại phòng cấp cứu, bố tôi được bác sỹ Lực, y tá Vân tận tình theo dõi, chăm sóc. Chỉ một triệu chứng bất thường như da tái nhợt, vã mồ hồi cũng đều được kíp trực đêm hôm ấy quan tâm. Điều làm tôi cảm động nhất là khi tôi đi mua sữa cho ông lúc nửa đêm (bố tôi không được ăn trong 3 ngày), y tá Vân đã tận tình chỉ bảo loại sữa nào tốt cho ông, cũng như cửa hàng uy tín bán loại sữa đó. Khi mua sữa và nước lọc về, y tá Vân đã chủ động bảo tôi đưa sang bỏ vào tủ lạnh bên phòng trực của y, bác sỹ, nhằm bảo quản chất lượng cũng như để bố tôi uống được mát hơn, tốt hơn. Đêm hôm ấy, mặc dù đã được nhắc nhở phải theo dõi truyền dịch cũng như máy hỗ trợ cầm máu, nhưng vì mệt quá tôi đã ngủ thiếp đi. Khoảng 2h giờ sáng thức giấc, đã thấy y tá Vân đang thay dung dịch truyền và chỉnh máy hỗ trợ cho bố tôi. Khẽ hỏi, tôi được biết chị đã căn giờ để sang theo dõi, dẫu có người nhà bệnh nhân chị cũng chưa yên tâm.

Bệnh nhân sử dụng Ghế vệ sinh di động- sản phẩm đạt giải 3 tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ X (2008 – 2009), do bác sỹ Trần Nguyên Phú, - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP. Hà Tĩnh sáng tạo
Bệnh nhân sử dụng Ghế vệ sinh di động- sản phẩm đạt giải 3 tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ X (2008 – 2009), do bác sỹ Trần Nguyên Phú, - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP. Hà Tĩnh sáng tạo

Những ngày sau đó, theo lời bố tôi thì ông nằm điều trị ở bệnh viện mà như ở nhà. Không khí yên bình, thoáng đãng và sạch sẽ. Được đội ngũ y, bác sỹ tận tình thăm khám, chăm sóc. Thỉnh thoảng Ban giám đốc cũng trực tiếp từng giường bệnh thăm hỏi tình trạng của bệnh nhân và khuyên nhủ cách phòng bệnh, tình cảm ấm áp như người nhà.

Tôi đưa bố tôi đến làm thủ tục ra viện sau thời gian điều trị nội trú và ngoại trú. Gặp nhiều y, bác sỹ tươi cười thăm hỏi. Trước khi cầm trên tay cơ số thuốc và cuốn cẩm nang theo dõi và điều trị bệnh cao huyết áp, tôi và bố tôi được bác sỹ dặn đi dặn lại những vấn đề cần kiêng cữ trong ăn uống, sinh hoạt để tránh tái phát bệnh tình, cũng như giữ gìn sức khỏe tuổi già cho bố tôi.

Ra khỏi cổng bệnh viện, dẫu thâm tâm không ai muốn quay lại nơi này, nhưng nghĩ đến những chuyện “lạ” như trên, không chỉ tôi và rất nhiều bệnh nhân cũng như người nhà bệnh nhân đã từng điều trị tại bệnh viện TP Hà Tĩnh đều mong muốn quay lại để nói một lời cảm ơn!

Tôi kể ra đây, để mọi người cùng biết, và hi vọng Bệnh viện nào cũng có đội ngũ y, bác sỹ như ở Bệnh viện TP Hà Tĩnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast