“Nóng” với vệ sinh an toàn thực phẩm!

Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) là vấn đề được quan tâm hàng ngày, đặc biệt càng “nóng” hơn trong những dịp tết khi chỉ số tiêu dùng tăng gấp từ 5 đến 7 lần. Thời gian qua, nhận thức và hành vi về VSATTP trong người dân cũng đã có những thay đổi. Tuy nhiên, đến thời điểm này, vấn đề VSATTP vẫn còn nhiều yếu tố bất ổn, nhất là khi gần đây, các cơ quan chức năng đã liên tục công bố những con số đáng sợ.

Chất phụ gia … SOS!

Đến hẹn lại lên, cứ đến dịp chuẩn bị tết nguyên đán, các cơ quan chức năng lại ráo riết vào cuộc để kiểm tra VSATTP. Chuẩn bị cho tết nguyên đán năm 2012, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có Chỉ thị 07 tăng cường thanh kiểm tra hàng tết và thành lập 10 đoàn thanh kiểm tra liên ngành của trung ương kiểm tra tại 20 tỉnh, thành phố trọng điểm. Tại Hà Nội, Đoàn thanh tra của Cục ATVSTP, Bộ Y tế đã tiến hành kiểm tra 18 quầy hàng kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm tại chợ Đồng Xuân và trên phố Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã phát hiện nhiều sản phẩm phụ gia thực phẩm không có nhãn mác, nhãn mác không phù hợp, phụ gia nhập khẩu không có nhãn phụ tiếng Việt, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Tại thành phố Hồ Chí Minh, qua kiểm tra 17 cơ sở trong chợ đầu mối Kim Biên cũng phát hiện nhiều sai phạm tương tự. Phụ gia thực phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm đến trên 30% tổng số phụ gia thực phẩm được tiêu thụ trên thị trường.

Không biết người ta dùng chất bảo quản gì nhưng rất nhiều rau, quả mua từ chợ về không cần bảo quản bằng tủ lạnh nhưng vẫn giữ được rất lâu
Không biết người ta dùng chất bảo quản gì nhưng rất nhiều rau, quả mua từ chợ về không cần bảo quản bằng tủ lạnh nhưng vẫn giữ được rất lâu

Theo thống kê từ Cục VSATTP, trong thời gian qua, có gần 192.000 tấn phụ gia thực phẩm được nhập khẩu chính ngạch vào thị trường nước ta, trong đó các cơ quan chức năng đã phát hiện 1.251 tấn phụ gia thực phẩm độc hại. Điều đáng lo ngại hơn là lượng phụ gia nhập khẩu qua các con đường tiểu ngạch, nhập lậu cũng chiếm tỷ lệ rất lớn và không kiểm soát được.

Tại Hà Tĩnh, tuy không có con số thống kê cụ thể nhưng tình trạng sử dụng chất phụ gia trong chế biến thực phẩm không có kiểm soát cũng diễn ra phổ biến. Trong tháng hành động vì ATVSTP năm 2011, Đoàn kiểm tra của ngành y tế đã lấy các mẫu giò tại thành phố Hà Tĩnh thì hầu hết đều sử dụng chất phụ gia quá mức cho phép. Một thực tế đáng báo động nữa, các chất phụ gia không rõ nguồn gốc được bày bán tràn lan tại chợ thành phố Hà Tĩnh với mức giá rất dễ chịu.

Ông Nguyễn Công Khẩn - Cục trưởng Cục VSATTP, Bộ Y tế cho biết, tình trạng vi phạm khi cố tình sử dụng phụ gia thực phẩm còn diễn ra khá phổ biến. Cùng với khu vực miền Bắc, miền Nam, thì khu vực miền Trung và Tây Nguyên cũng đã phát hiện rất nhiều mẫu thực phẩm như đồ khô, mứt, dưa muối các loại, cá viên khô, bánh bao, phô mai, sữa tiệt trùng, thực phẩm chay, tương bột, mỳ ăn liền… đã sử dụng chất phụ gia, hoặc nhiều chất phụ gia cùng lúc với mức sử dụng quá giới hạn cho phép từ 20-40%, đã và đang gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của cộng đồng.

Thử đâu, vấp đấy!?

Mới đây, Viện Vệ sinh Y tế công cộng thành phố Hồ Chí Minh cũng đã công bố những con số đáng sợ. 94,4% các mẫu thịt heo sống kiểm tra trong thời gian qua đều không đạt chỉ tiêu Ecoli, loại vi khuẩn gây bệnh cơ hội và đứng hàng đầu trong căn bệnh tiêu chảy. Đồng thời, qua kiểm tra 1833 mẫu thực phẩm, có đến 47% các mẫu không đạt chỉ tiêu về ATVSTP, trong đó thịt chiếm 58,67% mẫu không đạt; rau chiếm 91,11% mẫu không đạt; thủy sản chiếm 84,17% mẫu không đạt.

Tại Hà Tĩnh, Đoàn thanh kiểm tra VSATTP tết nguyên đán 2012 đã tiến hành kiểm tra 38 cơ sở sản xuất, kinh doanh/7 huyện, thị, thành phố thì đã phát hiện 9 cơ sở vi phạm, trong đó có 4 cơ sở bị phạt hành chính, còn 5 cơ sở trực tiếp nhắc nhở.

Tại Hà Tĩnh, thịt đang là mặt hàng chưa thể kiểm soát VSATTP
Tại Hà Tĩnh, thịt đang là mặt hàng chưa thể kiểm soát VSATTP

Điều đáng lo ngại nữa, tình trạng vận chuyển các nội tạng động vật vào tiêu thụ trên thị trường vẫn còn rất phổ biến. Các cơ quan chức năng đã bắt và xử lý một số vụ vi phạm. Điển hình như ngày 22/12 vừa qua, Đội tuần tra 6.1 phòng CSGT tỉnh đã phát hiện chiếc xe Bắc Nam chạy tuyến Hà Nội – Quảng Ngãi chứa 200 kg/3 thùng gan và bì lợn đã bốc mùi hôi thối. Liệu có bao nhiêu chuyến hàng như thế và hơn thế đã lọt mắt các cơ quan chức năng để vào thị trường tiêu thụ?

Theo bác sỹ Phan Văn Hùng – Chi Cục trưởng Chi Cục VSATTP Hà Tĩnh, so với trước đây, nhận thức và hành vi về VSATTP trong người dân đã có chuyển biến đáng kể. Tuy nhiên, điều cần quan tâm nhất hiện nay là tình trọng vi pham VSAT thực phẩm phổ biến trên thị trường, điều này gây khó khăn cho người sử dụng.

Hàng năm, tỉnh cũng đã tổ chức các đợt kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý các cơ sở chế biến, kinh doanh sai phạm. Tuy nhiên, những hoạt động ấy cũng chỉ là “muối bỏ biển”. Các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm tại Hà Tĩnh tương đối nhiều nhưng không tập trung, hầu hết có quy mô nhỏ lẻ, manh mún theo kiểu hộ gia đình nên rất khó khăn trong vấn đề kiểm soát; công tác tuyên truyền và thanh tra không được thường xuyên do thiếu kinh phí và nhân lực.

Về vấn đề xử lý các vi phạm còn gặp nhiều khó khăn. Về tuyến tỉnh, chỉ có 2 thanh tra sở Y tế (kiêm nhiệm) mới có thẩm quyền xử lý vi phạm, Chi Cục VSATTP chưa có thanh tra. Tại các huyện, thị, thành phố, chỉ có Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch mới có thẩm quyền xử phạt, vì vậy chủ yếu kiểm tra là chính. Ngoài ra, chế tài xử phạt cũng chưa phù hợp với thực tế, ví dụ như quy định xử phạt hàng quá hạn là 20 triệu đồng. Như vậy, một xe ô tô chở hàng quá hạn, hay một gói mì tôm quá hạn tại các quầy hàng đều một mức, rất khó… Vì các lý do trên nên vấn đề xử lý vi phạm chưa nghiêm, chưa triệt để và chưa đủ tính răn đe.

Như vậy, rõ ràng, cho đến thời điểm này, vấn đề VSATTP vẫn chưa thể kiểm soát. Điều này đang là vấn đề “nóng” của cả nước. Đảm bảo VSATTP cho tết nguyên đán 2012, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã “mục sở thị” tại một số chợ đầu mối của thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, qua khảo sát, Bộ trưởng đã bày tỏ lo ngại, những vụ ngộ độc thực phẩm tập thể vừa qua mới chỉ là ngộ độc cấp tính, còn điều đáng ngại nhất là ngộ độc mãn tính, về lâu dài chắc chắn ảnh hưởng đến sức khỏe giống nòi.

Hiện nay trên thế giới có khoảng 2.000 loại hóa chất được sử dụng làm phụ gia trong chế biến thực phẩm, nhưng Việt Nam chỉ cho phép 258 chất làm phụ gia. Chất phụ gia là thành phần được thêm vào trong thức ăn và thức uống để cải thiện chất lượng, để thay đổi màu sắc, cũng như để kéo dài thời gian bảo quản và tồn trữ. Theo các chuyên gia Y tế thì đối với những phụ gia có trong danh mục được cho phép sử dụng ở Việt Nam, liều an toàn đối với người được tính bằng mg/kg trọng lượng cơ thể. Nếu không tuân thủ nghiêm ngặt quy định này sẽ rất nguy hiểm đối với sức khỏe con người. Đặc biệt là với những chất phụ gia công nghiệp, tính độc hại tăng gấp nhiều lần, như: kalisunfit, hydrosunfit có gốc vô cơ vừa tẩy mạnh, vừa có tính phá hủy, nếu sử dụng cho người sẽ làm vón ruột, hại niêm mạc đường tiêu hóa; một số chất phụ gia cũng bị nghi ngờ là nguyên nhân của vài loại ung thư. Đa số chất phụ gia hiện đang sử dụng cho thực phẩm chế biến thủ công trên thị trường đều là phụ gia công nghiệp, bởi những chất phụ gia thực phẩm nhập khẩu có giá rất đắt, từ 20-40 USD/100gr, có loại giá hàng triệu đồng/100gr nên giá thành sản phẩm sẽ lên cao và không được người tiêu dùng lựa chọn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast