Phòng chống lao: Vẫn là chuyện biết rồi, khổ lắm!...

Hàng năm, Việt Nam có thêm gần 200 ngàn người mắc bệnh lao và trên 30 ngàn người chết do lao. Số bệnh nhân mắc lao mới và chữa khỏi bệnh trong cộng đồng mới được gần 60%. Điều đáng bàn là những khó khăn trong công tác phòng chống lao hiện nay vẫn là những chuyện: Biết rồi, khổ lắm!...

Theo báo cáo của chương trình phòng chống lao tỉnh, năm 2011, toàn tỉnh có 1380 bệnh nhân lao các thể, trong đó có 843 trường hợp AFB (+). Điều đáng lo ngại là số bệnh nhân lao được khám phát hiện giảm không đáng kể so với năm 2010, trong khi số người nhiễm AFB (+) lại tăng đáng kể; tỷ lệ người nhiễm HIV đồng nhiễm lao, lao kháng thuốc có xu hướng gia tăng.

Điều dưỡng viên Bệnh viện Lao và bệnh phổi chăm sóc bệnh nhân

Bác sỹ Trương Hồng Lĩnh – Phó Chủ nhiệm chương trình, phụ trách Bệnh viện Lao và bệnh phổi cho biết: Mỗi năm, vào ngày thế giới phòng chống Lao đều có một thông điệp nhằm kêu gọi cộng đồng huy động nguồn lực đẩy lùi, tiến tới thanh toán bệnh Lao. Tuy nhiên, công tác phòng chống lao hiện nay vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là hạn chế về nguồn lực.

Riêng Hà Tĩnh, công tác phòng chống Lao trong thời gian qua cũng đã có những chuyển biến. Đặc biệt, mạng lưới làm công tác phòng chống lao toàn tỉnh đã được kiện toàn và củng cố. Tuy nhiên, nhìn chung chưa áp ứng được yêu cầu. Toàn huyện mới chỉ có 2 đơn vị là Hương Khê và Can Lộc có bác sỹ là tổ trưởng tổ phòng chống Lao, còn lại là y sỹ. Tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi, nguồn bác sỹ cũng rất hạn chế; còn thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn kỷ thuật cao. Cơ sở vật chất phục vụ công tác phòng chống lao bấy lâu cũng chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi, trang thiết bị đã xuống cấp nhiều, chưa được cấp mới trong khi bệnh viện còn khó khăn trong công tác xã hội hóa, kêu gọi nguồn lực, chưa tự chủ được tài chính để có nguồn ngân sách đầu tư trở lại…

Tại lễ mit tinh hưởng ứng "Tháng hành động Quốc gia phòng chống Lao năm 2012," do Trung ương Hội CTĐ Việt Nam phối hợp với Chương trình chống Lao quốc gia tổ chức vừa qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân kêu gọi các tầng lớp nhân dân chủ động tích cực phòng chống lao vì sức khỏe của bản thân, gia đình và toàn xã hội. Phó Thủ tướng đề nghị các cấp chính quyền phải coi phòng chống lao là một trong các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội; các địa phương cần có kế hoạch phòng chống lao triệt để hơn nữa; các bộ ngành liên quan, các tổ chức xã hội, kinh tế và toàn thể nhân dân hãy tham gia tích cực các hoạt động phòng chống lao cùng phấn đấu thanh toán bệnh lao ở nước ta vào năm 2030.

Điều mà đại đa số cán bộ làm công tác phòng chống Lao hiện nay băn khoăn nhất đó là nguồn kinh phí để triển khai truyền thông cộng đồng và chủ động khám phát hiện bệnh nhân Lao trong cộng đồng. Theo bác sỹ Trần Thị Soa – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Hương Sơn, lâu nay, nguồn kinh phí phục vụ cho hoạt động phụ thuộc vào chương trình mục tiêu quốc gia hàng năm, rất hạn chế, do vậy rất khó khăn cho hoạt động. Công tác tập huấn chủ yếu giới hạn trong đội ngũ làm công tác Lao. Công tác truyền thông cộng đồng còn quá hạn chế nên nhận thức về phòng chống Lao trong cộng đồng chưa đầy đủ. Vẫn còn tình trạng kỳ thị, phân biệt; còn tình trạng dấu bệnh. Mặt khác, công tác khám phát hiện lâu nay chủ yếu còn thụ động, phụ thuộc vào người dân đến khám phát hiện. Ngoài ra, cơ sở vật chất của Trung tâm YTDP chưa thể đáp ứng. Cho đến nay, vẫn còn làm việc trong điều kiện tạm bợ, độ ẩm cao, chưa đảm bảo điều kiện cách ly. Một khó khăn khác nữa đó là tỷ lệ Lao kháng thuốc ngày càng gia tăng, trong khi đó các đối tượng này chủ yếu là người nghèo. Và với các đối tượng này, họ không có điều kiện để lên tuyến trên nên phải điều trị theo chương trình DOST. Mà nếu theo phác đồ điều trị thì phải mua thêm một số thuốc ở ngoài. Nói chung, bệnh nhân rất khó tuân thủ. Đây là một nguồn lây rất nguy hại.

Điều đáng buồn là những khó khăn trong công tác phòng chống lao nói trên vẫn là những điệp khúc biết rồì, khổ lắm… Và rồi, năm nào cũng như năm nào, không những không được cải thiện mà còn thêm khó khăn. Như năm nay chẳng hạn, hưởng ứng ngày thế giới phòng chống lao (24/3), chương trình phòng chống lao quốc gia phát động “tháng hành động phòng chống lao năm 2012” nhưng các đơn vị chuyên môn trong tỉnh không hề có kinh phí để triển khai hoạt động, có chăng, mỗi đơn vị tự chủ động hành động theo điều kiện…vận dụng.

“Để trẻ em sinh ra trong thế kỷ này được chứng kiến một thế giới không có người mắc và không có người chết vì bệnh lao”, như thông điệp của ngày thế giới phòng chống lao năm nay, thiết nghĩ, tỉnh cần quan tâm cam kết chính trị đầu tư nguồn lực của địa phương cho công tác phòng chống lao. Các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể và cộng đồng, mỗi người dân hãy tham gia tích cực hơn nữa vào công tác phòng chống lao.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast