"Rớt" hạng bệnh viện - vì đâu nên nỗi?!

Xếp hạng là động lực thúc đẩy bệnh viện ngày càng hoàn thiện hơn về dịch vụ và chuyên môn. Bởi vậy, sau khi được xếp hạng, các bệnh viện đều không ngừng nỗ lực cải tiến chất lượng hoạt động. Đối với Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng (ĐD&PHCN) và Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Hà Tĩnh cũng vậy. Tuy nhiên, điều đáng bàn là mặc dù đã đạt được các tiêu chuẩn trên nhưng 2 cơ sở khám chữa bệnh (KCB) này vẫn bị "rớt" hạng. Vậy đâu là nguyên nhân?

Theo Quyết định số 2132/QĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 15/7/2013 về việc xếp hạng đơn vị sự nghiệp y tế, Hà Tĩnh có 1 đơn vị được xếp hạng I (Bệnh viện Đa khoa tỉnh); 8 bệnh viện được xếp hạng II và 8 bệnh viện đạt tiêu chuẩn hạng III. Điều đáng quan tâm là trong số các bệnh viện được xếp hạng đợt này, có một số đơn vị bị “rớt” hạng, trong đó có Bệnh viện ĐD&PHCN, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh.

Cùng với việc mua sắm, bổ sung các trang thiết bị hiện đại, 5 năm qua, Bệnh viện ĐD&PHCN còn xây dựng thêm 2 dãy nhà cao tầng để làm buồng điều trị và nhà hành chính.
Cùng với việc mua sắm, bổ sung các trang thiết bị hiện đại, 5 năm qua, Bệnh viện ĐD&PHCN còn xây dựng thêm 2 dãy nhà cao tầng để làm buồng điều trị và nhà hành chính.

Bị “rớt” hạng cũng là chuyện đương nhiên nếu đơn vị không đạt chuẩn theo quy định. Tuy nhiên, điều trái ngược đối với 2 đơn vị này là so với thời điểm xếp hạng trước đó thì đều đã có bước chuyển biến vượt trội.

Trước hết, về Bệnh viện ĐD&PHCN, 5 năm về trước, cơ sở vật chất của đơn vị còn hết sức nghèo nàn. Bệnh viện mới chỉ có mấy dãy nhà cấp 4; trang thiết bị phục vụ rất thô sơ. Đặc biệt là về nhân lực, mới chỉ có 7 bác sỹ; còn lại chủ yếu là trình độ trung cấp, sơ cấp.

Sau 5 năm phấn đấu, đến nay, Bệnh viện ĐD&PHCN đã tạo được bước chuyển vượt trội. Cơ sở vật chất được cải thiện; đã có thêm mấy dãy nhà 2 tầng, thêm nhiều buồng bệnh mới theo chuẩn mới; trang thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu của bệnh nhân. Về nhân lực, hơn 20% cán bộ, nhân viên có trình độ đại học trở lên. Riêng đội ngũ điều dưỡng, trước đây chủ yếu là trung cấp thì nay đã có hơn 10 người có trình độ cử nhân, cao đẳng; đội ngũ bác sĩ tăng thêm 4 người.

Cùng với việc cải thiện về cơ sở vật chất, chất lượng nhân lực, Bệnh viện cũng đã mở rộng đối tượng phục vụ. Ngoài phục vụ bệnh nhân chuyên khoa, Bệnh viện ĐD&PHCN là đơn vị đầu tiên triển khai KCB ban đầu cho người dân theo Thông tư 08 của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, Bệnh viện còn triển khai hiệu quả bệnh viện vệ tinh về điều trị cho người bị liệt do chấn thương tủy sống. So với 5 năm trước, khi bệnh viện được xếp hạng II, thì đơn vị đã có bước tiến gấp 5, 6 lần.

Đối với Bệnh viện Lao và Bệnh phổi cũng vậy, mặc dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng cũng đã nhanh chóng được đứng vào đội ngũ “có hạng”. Bệnh viện được xếp hạng II khi mới chỉ có 2 khoa lâm sàng; 7 bác sỹ; bình quân mỗi ngày phục vụ 30 bệnh nhân. Đến nay, Bệnh viện đã có đến 7 khoa, 5 phòng; 13 bác sỹ. Số lượng bệnh nhân phục vụ/ngày cũng đã tăng gấp đôi (từ 70-72 bệnh nhân/ngày).

Bệnh viện Đa khoa tỉnh thường xuyên đầu tư trang thiết bị nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Ảnh: Nam Giang
Bệnh viện Đa khoa tỉnh thường xuyên đầu tư trang thiết bị nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Ảnh: Nam Giang

Bệnh viện phát triển, chất lượng phục vụ được nâng cao trong 5 năm qua là điều thấy rõ đối với 2 cơ sở này. Tuy nhiên, điều băn khoăn là mặc dù đã nỗ lực phấn đấu không ngừng nhưng 2 đơn vị này vẫn bị “rớt” từ hạng II xuống hạng III. Lý giải về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tuấn thừa nhận, việc xuống hạng đối với Bệnh viện ĐD&PHCN và Bệnh viện Lao và Bệnh phổi không phải nguyên nhân do chất lượng đi xuống. Vấn đề của 2 đơn vị này là ở đội ngũ nhân lực. Cụ thể hơn là do bác sỹ chưa đủ. Vì vậy, chiếu theo việc tính điểm trong xếp hạng thì cả 2 bệnh viện chưa đạt được hạng II nên phải xuống hạng III.

Trao đổi với chúng tôi về việc “rớt” hạng của Bệnh viện, Giám đốc Bệnh viện ĐD&PHCN Nguyễn Thị Diện và Q. Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Trương Hồng Lĩnh đều cho rằng, việc xuống hạng sẽ ảnh hưởng nhất định đến phụ cấp của CBCNV và nguồn thu của bệnh viện. Tuy nhiên, cái được sẽ đáng kể hơn, đó là được cho dân. Cùng một điều kiện, chất lượng phục vụ nhưng nếu bệnh viện thuộc hạng III, chi phí chi trả cho KCB của người dân sẽ thấp hơn. Và như vậy sẽ đồng nghĩa với việc sẽ có thêm nhiều bệnh nhân đến với bệnh viện hơn.

Từ chuyện của 2 bệnh viện trên, mong rằng, các cơ quan chức năng cần tính đến tính chiến lược trong việc xếp hạng; đảm bảo việc xếp hạng đi đúng mục tiêu, không làm ảnh hưởng đến tinh thần làm việc của cán bộ, nhân viên các đơn vị và quyền lợi, niềm tin của người dân.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast