Sử dụng “thuốc giá thấp nhất” và chất lượng điều trị

Hơn 1 năm thực hiện Thông tư 01/2012/TTLT-BYT-BTC của liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính về việc hướng dẫn đấu thầu, mua thuốc trong các cơ sở y tế, thực tế đang đặt ra nhiều điều đáng phải suy nghĩ... Đại đa số các bệnh viện và những người trực tiếp kê đơn điều trị cho bệnh nhân đều không hài lòng với tiêu chuẩn “thuốc đầu vào có giá thấp nhất”!

Hà Tĩnh là tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai thực hiện Thông tư 01. Ban đầu, khi triển khai thông tư này, ngành Y tế gặp rất nhiều khó khăn vì Bộ Y tế chưa có các hướng dẫn cụ thể. Bên cạnh đó, một số bệnh viện chưa nắm bắt đầy đủ tinh thần của thông tư, nhất là về việc dự trù thuốc. Vì vậy, giai đoạn đầu đã xảy ra tình trạng “nóng” thuốc trong các bệnh viện.

Do đấu thầu thuốc theo giá thấp nhất nên các cơ sở y tế phải sử dụng dịch truyền Trung Quốc.
Do đấu thầu thuốc theo giá thấp nhất nên các cơ sở y tế phải sử dụng dịch truyền Trung Quốc.

Để đảm bảo các điều kiện CSSK cho người dân, ngành Y tế đã linh động khắc phục những bất cập trước mắt, tạo điều kiện cho các bệnh viện có đủ số lượng thuốc theo nhu cầu sử dụng. Nhờ vậy, trong hơn 1 năm qua, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc trong các cơ sở khám chữa bệnh (KCB).

Tuy nhiên, điều đáng bàn là về chất lượng thuốc. Kể từ khi ngành Y tế thực hiện đấu thầu thuốc theo Thông tư 01, nhiều danh mục thuốc có thương hiệu mà các bệnh viện quen sử dụng trước đây bị thay thế; đơn thuốc của các bệnh viện cũng bị đảo lộn, không đáp ứng yêu cầu.

Giám đốc một bệnh viện (không muốn nêu tên) bày tỏ băn khoăn: “Cho đến giờ, tôi vẫn không ủng hộ tinh thần đấu thầu thuốc theo thông tư mới này. Biết rằng là hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thực hiện tiết kiệm nhưng với ngành Y tế không thể lấy mục tiêu này làm đầu. Thuốc là loại hàng hóa đặc biệt; là yếu tố có vai trò quyết định trong việc CSSK, điều trị bệnh tật. Vì vậy, cần sự hợp lý, ưu tiên về chất chứ không thể làm theo phong trào”...

Thực tế này cũng đã gây bức xúc đối với hầu hết các bác sĩ (BS), những người trực tiếp kê đơn điều trị cho các bệnh nhân. Trong nhiều lần tiếp xúc, rất nhiều BS cho rằng, kể từ khi thực hiện theo thông tư mới này, họ đã phải “kê đơn ngoài” cho bệnh nhân nhiều lên. Biết rằng như thế là vi phạm nguyên tắc nhưng không thể không làm.

Các BS lý giải: Thuốc trong bệnh viện chỉ có theo danh mục, qui định theo tuyến. Đối với một số bệnh nhân, nếu chỉ dùng theo danh mục này đã “bó” rồi nhưng lại thêm “thuốc có giá rẻ nhất” nữa thì làm khó cho BS quá. Vì vậy, trong nhiều trường hợp, nếu không cho chuyển tuyến trên thì giải pháp tốt nhất vẫn là “vượt rào” mua thêm thuốc bên ngoài.

Nhiều BS còn bức xúc hơn cho rằng, có nhiều bệnh nhân phải chuyển tuyến không phải do BS không đủ trình độ để chữa trị mà là do thuốc. Trên lý thuyết thì có rất nhiều loại thuốc có cùng thành phần nhưng thực tế từ điều trị lâm sàng thì những loại thuốc có thương hiệu, có tiêu chuẩn châu Âu (giá thành sẽ cao hơn) thì hiệu quả điều trị cao hơn.

Bác sĩ phải “khống chế” điều trị bệnh theo danh mục thuốc diễn ra khá phổ biến. Tuy nhiên, đối với người trong ngành, ít ai dám lên tiếng “nói thẳng, nói thật”.

Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Thái Sơn cho biết: “Hà Tĩnh là địa phương triển khai Thông tư 01 đầu tiên nên gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trong thời gian qua, cơ bản các bệnh viện vẫn đủ thuốc để dùng. Hiện ngành đang chuẩn bị đấu thầu cho đợt tiếp, chuẩn bị thuốc sử dụng cho các cơ sở KCB từ tháng 10”.

Ông Sơn cũng cho biết, lần đấu thầu này sẽ có nhiều thuận lợi hơn như đã có Thông tư 11 hướng dẫn lập hồ sơ mời thầu của Bộ Y tế; các danh mục thuốc cơ bản đã được công bố và cập nhật. Ngoài ra, còn có thể tham khảo kinh nghiệm từ một số tỉnh bạn. Tuy nhiên, với kinh nghiệm của một người đã từng làm kinh doanh dược, ông Sơn cũng bày tỏ lo ngại nếu kéo dài đấu thầu thuốc theo tinh thần này sẽ không khuyến khích được các công ty dược nâng cao chất lượng thuốc. Mặt khác, kinh doanh thì phải gắn với lợi nhuận nên sẽ rất khó tránh khỏi tình trạng nhập nguyên liệu giá rẻ để sản xuất thuốc…

Hơn 1 năm triển khai Thông tư 01 của liên Bộ Y tế, Bộ Tài chính, ngành Y tế Hà Tĩnh đã tiết kiệm được 32 tỷ đồng cho quỹ BHYT. Riêng về mục tiêu “ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vẫn đang là vấn đề phải bàn vì đi kèm với nó còn có tiêu chí giá rẻ nhất. Vì thế, có không ít mặt hàng Trung Quốc đã “vượt qua” hàng Việt Nam, như dịch truyền chẳng hạn. Hiện tất cả các cơ sở KCB trong tỉnh đều dùng dịch truyền Trung Quốc vì giá thấp hơn dịch truyền Việt Nam.

Dư luận cũng đặt ra câu hỏi: Liệu có phải do ngành Y tế đã sử dụng “thuốc có giá thấp nhất” nhiều hơn nên trong thời gian qua đã khiến tỷ lệ tai biến tăng? Và một điều chắc chắn, nếu không sớm khắc phục tiêu chí bất cập về đấu thầu thuốc theo giá rẻ nhất như Thông tư 01 thì chính nó sẽ sớm trở thành “rào cản” thu hút tỷ lệ người dân tham gia BHYT trong thời gian tới.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast