Tận dụng cơ cấu “dân số vàng” để tăng tốc phát triển

Ngày 1/11/2013, dân số Việt Nam tròn 90 triệu người. Đây là một sự kiện có nhiều ý nghĩa trong lịch sử phát triển nhân khẩu học cũng như trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam, đánh dấu sự thành công vượt bậc của chính sách DS/KHHGĐ và Pháp lệnh Dân số năm 2003. Từ dấu mốc quan trọng này đã mở ra những cơ hội mới, vận hội mới cho đất nước, dân tộc bên cạnh những khó khăn, thách thức không nhỏ. Vấn đề đặt ra là làm sao tận dụng cơ cấu “dân số vàng” để tăng tốc phát triển KT–XH.

Thành công từ công tác dân số

Sau Tổng điều tra Dân số năm 1989, các nhà khoa học dự báo, vào năm 2010, dân số Việt Nam sẽ đạt 105 triệu người. Dựa vào dự báo đó, Việt Nam lẽ ra đạt 90 triệu người vào năm 2002. Tuy nhiên, nhờ những nỗ lực trong chương trình DS-KHHGĐ, đến ngày 1/11/2013, dân số Việt Nam mới đạt 90 triệu người, chậm hơn so với dự báo 11 năm. Như vậy, trong vòng hơn 20 năm qua, Việt Nam đã giảm sinh được 20,8 triệu người. Đây là thắng lợi hết sức to lớn của chương trình DS-KHHGĐ, góp phần quan trọng vào công cuộc XĐGN, cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao thu nhập bình quân đầu người và tạo đà cho KT-XH phát triển.

Với mức sinh giảm trong nhiều thập kỷ, Việt Nam bước vào thời kỳ “dân số vàng”. Trong ảnh là giờ học môn Toán ở trường Tiểu học Thạch Mỹ (Lộc Hà). Ảnh: Tuấn Hiển
Với mức sinh giảm trong nhiều thập kỷ, Việt Nam bước vào thời kỳ “dân số vàng”. Trong ảnh là giờ học môn Toán ở trường Tiểu học Thạch Mỹ (Lộc Hà). Ảnh: Tuấn Hiển

Với dân số 90 triệu người hiện nay, dự kiến, dân số Việt Nam năm 2015 khoảng 92 triệu người, chắc chắn đạt được chỉ tiêu quy mô dân số dưới 93 triệu người vào năm 2015 như chiến lược DS/SKSS giai đoạn 2011-2020 đề ra.

Nhờ mức sinh giảm trong hàng thập kỷ trước đó, từ năm 2007, Việt Nam đã chính thức bước vào thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”, tức cứ 2 người trong độ tuổi lao động (15-64) mới có 1 hoặc ít hơn 1 người trong độ tuổi phụ thuộc (dưới 15 tuổi và trên 65 tuổi). Đây là cơ hội có một không hai trong lịch sử phát triển nhân khẩu học của bất cứ quốc gia nào trên thế giới.

Lịch sử cho thấy, một số nước ở Đông Nam Á trở thành “con hổ, con rồng” kinh tế cũng nhờ thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”. Các nhà khoa học dự báo, thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” của Việt Nam sẽ kéo dài khoảng 30-35 năm. Đây là cơ hội hiếm có, duy nhất để Việt Nam có thể đi tắt, đón đầu và cất cánh bay lên. Chúng ta hiện có hơn 62 triệu người (69% dân số) trong độ tuổi lao động, là một nguồn nhân lực khổng lồ cho công cuộc CNH-HĐH đất nước, cho sự chấn hưng và phát triển của dân tộc Việt Nam.

Ở Hà Tĩnh, theo số liệu của Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, từ năm 2005-2012, quy mô dân số có giảm nhẹ (từ 1.283.373-1.244.291 người). Tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động (15-60) năm 2009 chiếm tới 61,3%, dự kiến, đến năm 2015, con số này chiếm tới 65,2%. Hiện nay, tỉnh ta có khoảng 824 nghìn người ở độ tuổi lao động và khoảng 25 nghìn người bước vào độ tuổi lao động hàng năm. Sự dồi dào của lực lượng lao động đang tạo ra cơ hội vàng cho sự phát triển của tỉnh nhà.

Tận dụng cơ cấu “dân số vàng”

Vấn đề đặt ra là làm sao để tỉnh ta tận dụng được lợi thế cơ cấu “dân số vàng” cho sự phát triển KT-XH khi chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế. Theo ước tính, hiện có 37,5% số lao động qua đào tạo nghề. Tuy nhiên, Hà Tĩnh hiện vẫn đang thiếu trầm trọng lao động trình độ cao và lao động dịch vụ cao cấp trong các ngành tài chính, ngân hàng, du lịch, bán hàng... Hơn nữa, tình trạng đô thị hóa ngày càng mạnh, nông dân mất đất, lớp trẻ không tìm được việc làm đã phát sinh nhiều vấn đề xã hội nhức nhối.

Hà Tĩnh tập trung công tác đào tạo nghề, tranh thủ cơ cấu “dân số vàng” để tăng tốc phát triển. Trong ảnh là giờ thực hành ở Trường Cao đẳng Nghề Việt - Đức
Hà Tĩnh tập trung công tác đào tạo nghề, tranh thủ cơ cấu “dân số vàng” để tăng tốc phát triển. Trong ảnh là giờ thực hành ở Trường Cao đẳng Nghề Việt - Đức

Trước tình hình đó, công tác đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực cần được đặt lên hàng đầu. Thời gian qua, Hà Tĩnh tập trung đa dạng hóa các loại hình cơ sở dạy nghề, liên thông các trình độ đào tạo nhằm mở rộng quy mô tuyển sinh. Việc liên kết đào tạo, hợp đồng trách nhiệm giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp, gắn đào tạo với GQVL cho học sinh sau tốt nghiệp ngày càng được chú trọng. Nhiều cơ sở dạy nghề trực tiếp ký hợp đồng đào tạo lao động cho các nhà máy, cơ sở sản xuất.

Có thể khẳng định, Hà Tĩnh xác định “gửi gắm” vào lực lượng lao động “vàng” khi huy động toàn bộ nguồn lực cho công tác đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực. Toàn tỉnh hiện có 39 cơ sở dạy nghề. Hầu hết các trường có xu hướng tăng cường xây dựng nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, phù hợp với ngành nghề mới mà doanh nghiệp có nhu cầu.

Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH cho biết: Hà Tĩnh đã thông qua đề án đào tạo nguồn nhân lực giai đoạn 2009-2015 và phê duyệt đề án dạy nghề và chuyển đổi nghề cho lao động Khu kinh tế Vũng Áng. Trong đó, các đề án đưa ra những nhận định, những thông tin về lao động, thị trường lao động, đào tạo nghề; nhu cầu nguồn nhân lực và các chính sách đầu tư trong giai đoạn tới.

Ngoài ra, đề án cũng đưa ra giải pháp gắn kết công tác dạy nghề với GQVL cho người lao động ở các khu, cụm công nghiệp như đẩy mạnh xúc tiến đầu tư các dự án vào các khu, cụm công nghiệp; khuyến khích các cơ sở dạy nghề đào tạo nghề theo đơn đặt hàng; qui hoạch, xây dựng, ban hành quy chế ưu tiên hoạt động kinh doanh dịch vụ tại các khu đô thị, khu công nghiệp dịch vụ mới hình thành; tổ chức xây dựng các khu kinh doanh dịch vụ, tạo thêm việc làm cho người bị thu hồi đất…

Hà Tĩnh đang tập trung tối đa mọi nguồn lực, tranh thủ cơ cấu “dân số vàng” để tăng tốc phát triển KT-XH và hoàn thành mục tiêu xây dựng tỉnh nhà trở thành trung tâm công nghiệp Bắc miền Trung và của cả nước.

7 trường hợp không vi phạm quy định sinh một hoặc hai con

1. Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu cả hai hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân (tỷ lệ sinh nhỏ hơn hoặc bằng tỷ lệ chết) theo công bố chính thức của Bộ KH-ĐT.

2. Cặp vợ chồng sinh lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên.

3. Cặp vợ chồng đã có một con đẻ, sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên.

4. Cặp vợ chồng sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi.

5. Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền, đã được hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp trung ương xác nhận.

6. Cặp vợ chồng đã có con riêng (con đẻ):

a) Sinh một hoặc hai con, nếu một trong hai người đã có con riêng (con đẻ);

b) Sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh, nếu cả hai người đã có con riêng (con đẻ). Quy định này không áp dụng cho trường hợp hai người đã từng có hai con chung trở lên và các con hiện đang còn sống.

7. Phụ nữ chưa kết hôn sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh.

(Nghị định số 20/2010/NĐ-CP và Nghị định số 18/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast