Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trong mùa bão lụt

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa có văn bản số 899/DP-DT gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh: Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, TP. Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, về tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trong mùa bão lụt.

Lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Tĩnh kiểm tra, hướng dẫn người dân xử lý nước sinh hoạt bị nhiễm bẩn, phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ.

Lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Tĩnh kiểm tra, hướng dẫn người dân xử lý nước sinh hoạt bị nhiễm bẩn, phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ.

Trong những ngày qua, bão và mưa lũ đã xảy ra tại nhiều vùng thuộc các tỉnh : Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân. Đặc biệt, hiện nay đang trong mùa mưa bão nên nhiều địa phương có nguy cơ bị ngập lụt, gây ô nhiễm môi trường, bùng phát dịch bệnh...

Để triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dịch, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, không để dịch bệnh xảy ra sau khi nước rút ở những vùng bị ngập lụt, Cục Y tế dự phòng đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh, đặc biệt bệnh tiêu chảy cấp, đau mắt đỏ, nước ăn chân, xử lý rác thải, xác súc vật chết.

Tăng cường giám sát phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng đặc biệt tại các khu vực đã từng bị ngập lụt; duy trì thường trực đội cơ động chống dịch 24/24 giờ sẵn sàng xử lý khi có ổ dịch xảy ra; thực hiện kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm.

Các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế và dự báo dịch bệnh trong thời gian tới chủ động cấp đủ cơ số thuốc, vật tư phòng chống dịch bệnh cho nhân dân trên địa bàn, không để xảy ra dịch bệnh sau lũ lụt.

Chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch thau rửa và khử trùng nước giếng, nước sinh hoạt bằng Chloramin B và các hóa chất khử khuẩn thông thường khác để có nước sạch tại các vùng trọng điểm ngập lụt. Tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nước dùng trong ăn uống, sinh hoạt tại các nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung, đảm bảo nồng độ Clo dư luôn đạt 0,3-0,5 mg/lít tại vòi sử dụng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast