Tăng giá viện phí, chất lượng phục vụ người bệnh có nâng lên?

Thời gian qua, dư luận rất quan tâm đến dự thảo tăng viện phí. Nhiều vấn đề đã đặt ra xung quanh nội dung này.

Đứng về phía các bệnh viện, dự thảo này đã mở ra một hy vọng mới về sự tháo gỡ khó khăn cho tài chính. Thực tế bấy lâu, nhiều khung giá dịch vụ tại các bệnh viện đã trở nên quá bất cập. Ví như lệ phí khám bệnh có 3000 đồng/lần khám; dịch vụ sinh thiết ruột có 10 - 30.000 đồng… Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân chính khiến các bệnh viện luôn luôn kêu lỗ. Chính từ nguyên nhân này mà nguồn thu của các bệnh viện bị hạn chế. Vì vậy, không có nguồn để đầu tư lại cơ sở vật chất cho hoạt động bệnh viện; không có kinh phí để bảo dưỡng máy móc, làm giảm tuổi thọ thiết bị; khó khăn về nguồn chi cho điện, nước…

Khoa Lây - Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh hoạt động trong điều kiện cơ sở vật chất tồi tàn
Khoa Lây - Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh hoạt động trong điều kiện cơ sở vật chất tồi tàn

Cũng vì lý do đó mà tại hội nghị tham vấn cho dự thảo nghị định về cơ chế tài chính cho bệnh viện công lập diễn ra trong tháng 9 vừa qua, bà Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế đã khẳng định kiên quyết thay đổi giá viện phí. Theo bà Tiến, đời sống ngày một nâng cao, vậy nhưng hầu hết các bệnh viện ở các tỉnh còn tồi tàn quá. Tăng viện phí cũng là một giải pháp để chấm dứt tình trạng bà con đi bệnh viện phải “chiếu manh, chăn chiên như hồi chiến tranh, bao cấp”…

Như vậy, sự điều chỉnh viện phí là hợp lý. Theo ông Nguyễn Nam Liên - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính Bộ Y tế, lộ trình 2011-2012, viện phí bao gồm các chi phí trực tiếp chi cho bệnh nhân như thuốc, máu, dịch truyền, điện nước, bão dưỡng thiết bị. Từ 2013 trở đi sẽ thay thế cách tính viện phí hiện hành theo nhóm chẩn đoán.

Cũng theo ông Liên, 300 dịch vụ y tế tăng lần này chiếm 10% tổng số dịch vụ ngành y tế đang thực hiện. Cụ thể như giá khám bệnh sẽ tăng lên 30.000 đồng/lần khám; dịch vụ sinh thiết ruột sẽ tăng lên từ 300 đến 350 ngàn đồng. Khung giá giường bệnh (hạng 1) được điều chỉnh tăng từ 12-18.000 đồng/ngày lên từ 100 đến 180.000 đồng/ngày…

Vấn đề mà dư luận quan tâm hiện nay là liệu viện phí tăng nhưng chất lượng phục vụ có tăng? Viện phí tăng liệu mệnh giá BHYT sẽ tăng theo như thế nào? Và sẽ tác động trực tiếp đến cuộc sống người dân ra sao?

Với mệnh giá viện phí hiện tại, trong đó có nhiều khung giá rất thấp, nhưng thực tế đối với đại đa số người bệnh chúng ta, nhất là những người nông dân, nông thôn đều trở nên nghèo đi sau mỗi trận ốm. Vậy với những đối tượng này, với mức giá mới, khi đau ốm, bệnh tật, họ phải đối mặt với vấn đề chi trả ra sao. Một lo lắng khác, khi viện phí tăng, chắc chắn rằng mệnh giá BHYT cũng tăng. Liệu khi ấy, người nông dân, dân thường, kể cả các đối tượng cận nghèo có sự hỗ trợ 50% của Nhà nước, nhưng với mức chênh lệch mệnh giá phải nộp so với bây giờ liệu người dân có mặn mà?...

Rõ ràng, việc tăng viện phí là phù hợp, cần thiết để đáp ứng yêu cầu phát triển của bệnh viện. Tuy nhiên, vấn đề còn cần phải bàn nhiều là tăng với mức nào và lộ trình thực hiện ra sao để phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh sống của đại đa số người dân, tránh tình trạng vì tăng viện phí mà để lại gáng nặng cho bao gia đình, đi ngược lại với hành trình đảm bảo an sinh xã hội.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast