Thầm lặng những bước chân…

(Baohatinh.vn) - Lúc vội vã, lúc trĩu nặng… những bước chân của cán bộ ngành y luôn để lại trong tôi cảm nhận thật đặc biệt. Dường như trong mỗi bước chân đều có tiếng lòng của người thầy thuốc dành cho bệnh nhân…

Tại Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh, để có thể nói chuyện được với một nhân viên ở đây trong giờ làm việc là điều rất khó. Bởi đơn giản, họ không có thời gian. Ở đây, mọi người thường xuyên vội vã, tất bật. Điều dưỡng viên Trần Thị Thanh Chương, người có thâm niên hơn 20 năm gắn bó với công tác cấp cứu tại BVĐK tỉnh chia sẻ: “Bệnh nhân ở khoa nặng quá, để đưa sự sống trở về với họ là vô cùng vất vả. Anh chị em ở đây nếu chỉ có chuyên môn giỏi, tâm huyết thôi chưa đủ mà còn phải có sức khỏe. Thời điểm bệnh nhân đông như tết vừa rồi thì không ai được nghỉ chân, liên tục đi lại hết ngày rồi đêm, chăm sóc hết bệnh nhân này đến bệnh nhân khác. Ngay cả ăn cơm trong ngày trực cũng hiếm khi đúng bận. Có hôm 6h chiều gọi cơm tối nhưng mãi đến 10h đêm mới được ăn”…

Bệnh nhân được điều trị tại BVĐK Hà Tĩnh
Bệnh nhân được điều trị tại BVĐK Hà Tĩnh

Vội vã để giành giật sự sống cho bệnh nhân, khi bệnh nhân qua cơn nguy kịch, tất cả mới thở phào nhẹ nhõm và dường như mọi mệt nhọc lúc này đều tan biến. Niềm vui, sự thanh thản lại trở về trên gương mặt của những người mẹ hiền.

Nhưng không phải lúc nào họ cũng được tận hưởng niềm vui đó. Trong mỗi giờ, mỗi ngày làm việc, chuyện vui buồn đều hiện hữu. Câu chuyện mà tôi được chứng kiến gần đây là một trong những câu chuyện gieo vào lòng cán bộ, nhân viên y tế của khoa những nỗi niềm trĩu nặng.

Đó là về một bệnh nhân tâm thần được đưa vào khoa nhưng bị người nhà bỏ rơi. Thế là, tất cả nhân viên y tế bỗng nhiên trở thành… “người nhà” của bệnh nhân. Hết chăm sóc, các điều dưỡng viên lại thay nhau đến người nhà của các bệnh nhân khác xin bỉm, sữa cho ông. Và trong khoảnh khắc ấy, những bước chân vốn vội vã của các anh, các chị lại như chùng xuống…

Nhiều nhân viên y tế tại Khoa Hồi sức tích cực tâm sự: Mỗi ca trực chỉ mong sao đến 7h sáng ngày hôm sau giao ban bệnh nhân vẫn còn ổn định. Có như thế về nhà mới ngủ bù được…

Mỗi lĩnh vực, mỗi chuyên khoa trong ngành Y tế đều có những đặc thù riêng. Và có lẽ điều đó cũng đã có những tác động lớn đến tính cách, thói quen của bác sỹ, nhân viên phục vụ. Hình ảnh cán bộ y tế tại Khoa Tâm thần của Bệnh viện Tâm thần tỉnh lại hoàn toàn khác. Tuy bước chân không phải liên tục vội vã như ở khoa cấp cứu nhưng nhiều khi họ lại phải chạy một cách bất thình lình.

Bác sỹ tâm thần Trần Hậu Anh tâm sự: Bệnh nhân tâm thần có rối loạn về mặt hành vi, nguy hiểm với người xung quanh, trong đó có cán bộ y tế. Môi trường làm việc ở đây rất nguy hiểm. Bệnh nhân thường kích động, la hét, quậy phá… Vì vậy, công việc chăm sóc bệnh nhân cũng có những đặc thù.

Chăm sóc bệnh nhân tại Khoa Tâm thần là công việc rất đặc thù và hết sức vất vả
Chăm sóc bệnh nhân tại Khoa Tâm thần là công việc rất đặc thù và hết sức vất vả

Những câu chuyện hàng ngày đã được các nhân viên y tế tại Khoa Tâm thần kể cho chúng tôi nghe. Nhiều lúc tiêm cho một bệnh nhân phải huy động hết thảy nhân viên y tế và người nhà; có hôm 4, 5 bệnh nhân cùng kích động một lúc... Có những bệnh nhân mang hung khí trong tay khiến cán bộ y tế không thể chỉ trấn áp mà còn phải dùng “mẹo”. Câu chuyện cũ về một bệnh nhân tâm thần đến giờ không ai có thể quên được.

Đó là, một hôm, khi mọi người đang làm việc thì thấy một bệnh nhân tay cầm dao bầu vừa chạy vừa la hét. Lúc ấy không có cách nào khác, để tránh nguy hiểm, mọi người tìm cách “lùa” bệnh nhân vào phòng. Khi vào phòng, bệnh nhân tự động chốt cửa lại. Lúc ấy, các nhân viên cùng người nhà đạp cửa xông vào, dùng chăn chiên trùm kín bệnh nhân và lấy con dao…

Làm việc trong khi tâm lý luôn lo lắng, môi trường độc hại, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng, vậy nhưng, trong câu chuyện với chúng tôi, các y, bác sĩ ở đây chỉ nói đến những nỗi niềm đối với bệnh nhân và làm thế nào để bệnh nhân được chăm sóc tốt hơn. Nào là chuyện phải thường xuyên cảnh giác để giữ tính mạng cho bệnh nhân vì bệnh nhân tâm thần thường tìm cách tự tử; rồi sự quan tâm của xã hội đối với bệnh nhân tâm thần; sự lo lắng khi trả bệnh nhân về với cộng đồng…

Bác sỹ Trần Hậu Anh trăn trở: Tỷ lệ bệnh nhân tâm thần ngày một cao, trong khi mọi sự quan tâm dành riêng cho họ như trước đây không còn. Bây giờ bệnh nhân vào điều trị có BHYT thì hưởng theo chế độ, nếu không thì phải tự chi trả. Mà hầu hết, gia đình các bệnh nhân tâm thần đều có hoàn cảnh rất khó khăn. Vì vậy, có những bệnh nhân vào điều trị vài ba ngày lại xin về vì không có tiền. Một vấn đề nữa là các bệnh nhân sau khi điều trị được trả về cộng đồng, nếu không có sự theo dõi, giám sát chặt chẽ của địa phương và gia đình thì dễ tái phát…

Trong phạm vi bài viết này, tôi chưa có điều kiện kể về những nhân viên y tế làm việc trong môi trường độc hại, lây nhiễm như lao, bệnh phổi, HIV; những cán bộ y tế ở vùng sâu, vùng xa… Hình ảnh vị giám đốc ở một bệnh viện miền núi đồng thời cũng là phẫu thuật viên duy nhất của bệnh viện mỗi khi đi họp lại lo lắng gọi điện cho đơn vị bạn nhờ giúp đỡ; một bác sỹ vừa mổ xong nhưng bệnh nhân thiếu máu đã vội vàng cởi bỏ chiếc áo blu và chìa cánh tay ra để chia sẻ những giọt máu của mình; những nhân viên y tế chân đất rẽ bùn đến với bệnh nhân vùng lũ... Và những lo lắng, trăn trở hằn sâu trong đôi mắt không ngủ của những y, bác sĩ trực đêm… Bao vất vả, hiểm nguy, những bước chân lặng thầm của họ vẫn miệt mài bước. Vì sức khỏe người dân, họ đã thầm lặng hy sinh, cống hiến.

Ông tổ nghề Y Hippocrates từng nói: “Bất cứ nơi nào nghệ thuật của y học là tình yêu thương thì đó cũng chính là tình yêu thương của nhân loại”. Tình yêu thương nhân loại đang lan tỏa “… với người bệnh cùng một ước mơ: hạnh phúc đến cho mọi người” (lời bài hát Người mẹ ngành y của bác sỹ Cao Thanh Hưng).

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast