Tháo gỡ vướng mắc trong hỗ trợ viện phí cho người nghèo

(Baohatinh.vn) - Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thời gian qua, Hà Tĩnh đã triển khai tốt việc cấp thẻ BHYT và tổ chức khám chữa bệnh (KCB) theo BHYT cho người nghèo. Đặc biệt, gần đây, Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1007/QĐ-UBND về việc thành lập quỹ KCB cho người nghèo, góp phần thực hiện chiến lược xóa đói giảm nghèo của tỉnh.

Tháo gỡ vướng mắc trong hỗ trợ viện phí cho người nghèo ảnh 1

Bệnh nhân thận chủ yếu là người nghèo, điều kiện chăm sóc sức khỏe rất khó khăn nhưng chưa nhận được sự hỗ trợ từ quyết định của tỉnh.

Theo quy định, đối tượng được hỗ trợ một phần kinh phí KCB gồm: người thuộc hộ nghèo theo quy định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ; đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn theo quy định tại Quyết định số 30 ngày 5/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ; người thuộc diện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật và người đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước; người mắc bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo, mổ tim hoặc các bệnh khác gặp khó khăn do chi phí cao mà không đủ khả năng chi trả viện phí; trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật được hỗ trợ phẫu thuật tim bẩm sinh.

Các chế độ hỗ trợ gồm: tiền ăn, tiền đi lại. Hỗ trợ 50% chi phí KCB BHYT cho các đối tượng hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người thuộc diện được hưởng trợ cấp xã hội phải đồng chi trả theo quy định của Luật BHYT từ 100 ngàn đồng trở lên nhưng tối đa không quá 5 triệu đồng/người/lần hỗ trợ và không quá 3 lần/năm. Người mắc bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo, mổ tim gặp khó khăn do chi phí cao mà không đủ khả năng chi trả viện phí nhưng phải chi trả cho các cơ sở KCB từ 1 triệu đồng trở lên/đợt KCB thì được hỗ trợ 30% viện phí (tối đa không quá 10 triệu đồng/người/lần và không quá 3 lần/năm). Đối với các bệnh khác, khi người bệnh gặp khó khăn có tổng chi phí điều trị từ 50 triệu đồng/đợt KCB, nếu không có BHYT được hỗ trợ 30% chi phí KCB (tối đa không quá 20 triệu đồng/người/lần và không quá 3 lần/năm).

Tháo gỡ vướng mắc trong hỗ trợ viện phí cho người nghèo ảnh 2

Nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa Cẩm Xuyên chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân nghèo.

Giám đốc Sở Y tế Lê Ngọc Châu cho biết: Tổ chức thực hiện quy định này trước hết là trách nhiệm của ngành Y tế. Vì vậy, ngay sau khi có quyết định của UBND tỉnh, Sở đã chỉ đạo các bệnh viện tổ chức quán triệt cho cán bộ, nhân viên hướng dẫn, tư vấn và công khai nội dung đối với bệnh nhân; phối hợp với cơ quan huyện tuyên truyền và giám sát việc thực hiện, đồng thời nghiên cứu kỹ quyết định, nếu còn vướng mắc thì báo cáo kịp thời để có thống nhất trong chỉ đạo, đảm bảo thực hiện tốt các nội dung.

Tuy nhiên, quy định hỗ trợ một phần viện phí KCB cho người nghèo đang có những vướng mắc cần tháo gỡ. Quy định này có hiệu lực từ tháng 9/2014. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến nay, một số bệnh viện đã triển khai như Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Hương Sơn thực hiện hỗ trợ 31 bệnh nhân; BVĐK Vũ Quang hỗ trợ 43 bệnh nhân… Các bệnh nhân được hỗ trợ chủ yếu ở phạm vi tuyến huyện, chưa có bệnh nhân đa tuyến. BVĐK tỉnh, vẫn chưa triển khai quyết định này.

Theo các cán bộ phụ trách, nguyên nhân là do thủ tục chưa thống nhất và vướng mắc ở quyết định. Đối với BVĐK tỉnh nhóm bệnh nhân chạy thận nhân tạo cần được hỗ trợ nhất. Tuy nhiên, theo quy định, đối với những bệnh nhân có thẻ BHYT (chiếm đa số), nhiều bệnh nhân mỗi lần chạy thận phải đồng chi trả 90 ngàn đồng, trong khi đó, theo quy định của UBND tỉnh thì phải từ 100 ngàn đồng trở lên/người/đợt mới được hỗ trợ. Mặt khác, nhóm đối tượng này phải chạy thận thường xuyên, nhiều bệnh nhân chạy 3 lần/tuần, trong khi theo quy định không được hỗ trợ quá 3 lần/người/năm. Bệnh nhân chạy thận chủ yếu ngoại trú, theo quy định, không được hưởng chính sách hỗ trợ. Như vậy, quy định này không thể áp dụng đối với bệnh nhân chạy thận nhân tạo - đối tượng vốn gặp nhiều khó khăn, cần được hỗ trợ.

Ngoài ra, theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện vẫn còn rất nhiều bệnh nhân thuộc các nhóm đối tượng được hỗ trợ theo quyết định vẫn chưa tiếp cận được các thông tin này. Thậm chí, nhiều cán bộ y tế cũng chưa biết đến quyết định này để hướng dẫn bệnh nhân.

Thiết nghĩ, thời gian tới, ngành Y tế cần vào cuộc tích cực hơn nữa. Trước mắt là nhanh chóng nắm bắt và tháo gỡ vướng mắc để triển khai tốt quyết định, hướng đến mục tiêu hỗ trợ đúng đối tượng, tránh tình trạng thủ tục rườm rà, tiền hỗ trợ không đủ bù chi phí đi lại làm thủ tục thanh toán hỗ trợ. Mặt khác, cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội cần quan tâm phối hợp, nhất là trong tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ để người dân biết và chủ động tiếp cận với quyết định của tỉnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast