Thấy gì khi 26 tỷ đồng BHYT chi trả cho các bệnh viện tư ở Nghệ An?

Theo báo cáo của BHXH và Sở Y tế, năm 2012, các bệnh viện ở Hà Tĩnh đã phải chuyển tuyến quỹ BHYT cho các bệnh viện tư ở Nghệ An 26 tỷ đồng! Đây thực sự là con số rất đáng để chúng ta suy ngẫm.

Lý giải về vấn đề này, phía ngành y tế, các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) đều cho rằng, nguyên nhân là do những bất cập về qui định trong BHYT. Cụ thể, người có thẻ BHYT khi KCB trái tuyến, được thanh toán tối đa lên đến 70%. Mặt khác, việc tổ chức giám định BHYT tại các cơ sở y tế chưa được bao phủ; tại các cơ sở công thì rất chặt chẽ, trong khi tại các cơ sở tư nhân thì chưa có. Lợi dụng khe hở này, các bệnh viện tư ở Nghệ An đã ra sức khai thác quỹ BHYT bằng cách cho bệnh nhân sử dụng nhiều dịch vụ y tế, kể cả những trường hợp không cần thiết.

Chất lượng khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế của Hà Tĩnh đã được nâng cao nhưng do thủ tục hành chính còn rườm rà, thái độ phục vụ chưa chuyên nghiệp nên chưa níu chân được người bệnh trong việc thăm khám, điều trị
Chất lượng khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế của Hà Tĩnh đã được nâng cao nhưng do thủ tục hành chính còn rườm rà, thái độ phục vụ chưa chuyên nghiệp nên chưa níu chân được người bệnh trong việc thăm khám, điều trị

Có thể xem đây là một trong những nguyên nhân chính, song, chúng ta cũng cần có một cái nhìn khách quan, toàn diện hơn. Tại sao Hà Tĩnh có bao nhiêu cơ sở KCB có xếp hạng lại để người dân ồ ạt “chạy” đến các cơ sở KCB tư nhân chưa được xếp hạng ở Nghệ An? Trả lời câu hỏi này, mỗi ngành, mỗi người đều có cách lý giải khác nhau. Nhưng có một điều chắc chắn rằng: không một ai lại “thích” đi KCB ngoại tỉnh trong khi các cơ sở KCB gần đáp ứng được nhu cầu!

Trao đổi với chúng tôi, hầu hết các bệnh nhân từng đi KCB tại các bệnh viện tư ở Nghệ An đều cho rằng: Sở dĩ họ “thích” ra đó là vì có nhiều sự lựa chọn. Thủ tục tại các cơ sở tư nhân này rất nhanh gọn, thuận lợi; thái độ, tác phong của các nhân viên y tế lúc nào cũng ân cần, niềm nở, tận tình, chu đáo. Đến đó, họ thấy mình được tôn trọng, chăm lo. Dù đồng tiền chi trả không hề nhỏ, nhưng như lời tâm sự của một bệnh nhân thì “quan trọng nhất là sức khỏe, tính mạng con người”… Như vậy, vấn đề mấu chốt ở đây là ở tâm lý người dân và cung cách phục vụ của các cơ sở KCB. Người dân cần các thủ tục hành chính đơn giản, thuận tiện và sự niềm nở, tận tình của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế.

Điều đáng ghi nhận là thời gian gần đây, các cơ sở KCB tại Hà Tĩnh đã có những chuyển biến tích cực. Đặc biệt, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thực sự có bước đột phá so với trước. Tuy nhiên, xét về góc độ tâm lý người dân cũng như thực tiễn thì vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu: thủ tục hành chính còn rườm rà; cung cách phục vụ, ứng xử, tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế mặc dù đã có sự cải thiện đáng kể nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần chấn chỉnh.

Mặt khác, công tác tư vấn cho bệnh nhân tại các cơ sở KCB còn rất hạn chế. Nếu như bệnh nhân được tư vấn đầy đủ, họ sẽ cảm thấy tin tưởng, an tâm khi đến KCB; hiểu được dịch vụ y tế nào là cần thiết và không cần thiết, tránh được những hiểu nhầm không đáng có trong suy nghĩ của không ít bệnh nhân: do “không có gì cho bác sỹ” nên cứ phải nằm chờ đợi, hoặc không được chuyển tuyến!

26 tỷ đồng/năm đã chuyển ra cho các bệnh viện tư ở Nghệ An (đấy là chưa kể đến số tiền không nhỏ mà người dân cùng chi trả) trong khi rất nhiều cơ sở KCB tại Hà Tĩnh còn thiếu nguồn thu để tái đầu tư cho các dịch vụ y tế. Điều đáng bàn nữa là số tiền này lại chi trả cho các dịch vụ mà các cơ sở KCB ở Hà Tĩnh thừa năng lực, điều kiện để làm!

Thiết nghĩ, thay vì chờ các nhà quản lý, cơ quan chức năng chỉnh sửa những bất cập trong các qui định về BHYT thì ngành Y tế Hà Tĩnh và các cơ sở KCB trong tỉnh cần chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thu hút bệnh nhân, hướng về nhu cầu và tâm lý để vừa đảm bảo quyền lợi KCB cho người dân, vừa tăng thêm nguồn thu để tái đầu tư cho y tế, một trong những điều kiện quan trọng đảm bảo cho phát triển bền vững.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast