Thực hiện NQ 13 về DS/KHHGĐ: Những vướng mắc cần tháo gỡ

Nghị quyết (NQ) 13/2005/NQ-HĐND của HĐND tỉnh ra đời đã giải quyết những vấn đề “nóng bỏng" trong công tác DS/KHHGĐ trên địa bàn Hà Tĩnh lúc bấy giờ. Tuy nhiên, sau 8 năm thực hiện NQ, đến nay, nhiều chỉ tiêu đề ra vẫn chưa đạt như: giảm sinh, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3, kiểm soát tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh, ổn định tổ chức bộ máy làm công tác dân số... Điều này đòi hỏi phải có sự đánh giá, nhìn nhận để kịp thời đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác DS/KHHGĐ.

Tác động của Nghị quyết

Căn cứ vào kết quả của công tác DS/KHHGĐ giai đoạn 2000–2005, đặc biệt là việc hệ thống cơ quan dân số được sáp nhập vào Ủy ban Bảo vệ chăm sóc gia đình và trẻ em thành Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em, khiến ngành Dân số phải mất 2 năm mới ổn định lại. Mặt khác, Pháp lệnh Dân số ra đời năm 2003, một số cán bộ, đảng viên, người dân chưa hiểu đúng tinh thần Điều 10 nên việc sinh con thứ 3 “bùng nổ”, khiến cho dân số Hà Tĩnh tăng nhanh và mạnh từ năm 2003-2005.

Bác sỹ bệnh viện phụ sản Trung ương tập huấn lấy mẫu máu, sàng lọc sơ sinh tại huyện Hương Sơn.
Bác sỹ bệnh viện phụ sản Trung ương tập huấn lấy mẫu máu, sàng lọc sơ sinh tại huyện Hương Sơn.

Ở thời điểm ban hành NQ, so với mục tiêu chiến lược dân số đề ra là phải đạt được mức sinh thay thế, đạt các chỉ tiêu giảm sinh thì Hà Tĩnh không đạt được. Bên cạnh đó, hệ thống vận hành bộ máy dân số các cấp còn nhiều bất cập. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác dân số nhiều nơi còn buông lỏng. Nhiều địa phương không quan tâm đến công tác dân số, không bố trí kinh phí cho công tác dân số mà “phó mặc” cho tỉnh, cho trung ương…

Sau khi NQ 13 ra đời, chính quyền các cấp đã quan tâm hơn đến công tác DS/KHHGĐ. Nhiều huyện, thành phố, thị xã cùng với việc giao chỉ tiêu đã ghi ngân sách vào NQ HĐND hàng năm. Hoạt động truyền thông giáo dục, chăm sóc SKSS/KHHGĐ, các mô hình điển hình của tập thể, cá nhân ở các địa phương được quan tâm chỉ đạo nhân rộng.

NQ 13 quán triệt công tác DS/KHHGĐ là nhân tố chính trong việc hoạch định chính sách KT–XH của toàn tỉnh, của từng địa phương. Trong kế hoạch phát triển KT-XH hàng năm, chỉ tiêu dân số phải luôn được cân nhắc, đề ra một cách đúng đắn và phù hợp với địa phương. Đây còn là tiêu chí căn cứ để bình xét, xếp loại thi đua của các cơ quan, đơn vị, cá nhân. NQ 13 đã tác động đến những vấn đề lớn đối với việc thực hiện chính sách DS/KHHGĐ của tỉnh nhà.

Ông Nguyễn Huy Tú - Phó Chi cục trưởng Chi cục DS/KHHGĐ tỉnh cho biết: “Việc triển khai tuyên truyền NQ từ tỉnh đến cơ sở đều được quán triệt. Nhiều huyện đã ban hành văn bản chỉ đạo cụ thể hóa chính sách của HĐND tỉnh. Việc phối hợp thực hiện công tác DS/KHHGĐ giữa các ban ngành, đoàn thể được tốt hơn. Nhiều huyện, xã, phường, thị trấn đã giao chỉ tiêu kèm theo bố trí kinh phí như: TP Hà Tĩnh, Can Lộc, Nghi Xuân, TX Hồng Lĩnh, Thạch Hà, Kỳ Anh… Đặc biệt, nhiều huyện, thành phố, nhiều xã, phường, thị trấn đã bố trí ngân sách cho đội ngũ chuyên trách, cộng tác viên”.

Những vướng mắc cần tháo gỡ

Mặc dù NQ 13 ra đời đã chỉ ra được các vấn đề “nóng” trong công tác dân số tỉnh nhà lúc bấy giờ, nhưng đến nay, các chỉ tiêu cụ thể mà NQ đề ra vẫn chưa đạt được. Cụ thể, NQ đề ra tỷ lệ tăng dân số tự nhiên ở mức 0,88% (năm 2010) nhưng đến năm 2012, tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên của tỉnh vẫn ở mức 1,1%; tỷ suất sinh thô ở mức 13,12%o (năm 2010) nhưng đến năm 2012 vẫn ở mức 17,42%o; tỷ số giới tính khi sinh năm 2012 ở mức 113/100 (bé trai/bé gái), cao hơn so với tỷ số chuẩn và nằm trong những tỉnh mất cân bằng giới tính khi sinh cao.

Cán bộ Trung tâm DS/KHHGĐ huyện Lộc Hà chăm sóc SKSS cho chị em trong độ tuổi.
Cán bộ Trung tâm DS/KHHGĐ huyện Lộc Hà chăm sóc SKSS cho chị em trong độ tuổi.

NQ 13 của HĐND tỉnh nêu rõ: Mỗi xã, phường, thị trấn phải bố trí một cán bộ chuyên trách phụ trách công tác DS/KHHGĐ và thực hiện đúng chế độ BHXH, BHYT đối với những cán bộ này, nhưng đến nay, Hà Tĩnh vẫn chưa thực hiện được. 48/63 tỉnh, thành trên cả nước đã bố trí đội ngũ cán bộ dân số là viên chức và đưa vào biên chế. 14 tỉnh còn lại cũng đưa đội ngũ cán bộ dân số vào chức danh bán chuyên trách (theo Nghị định 92 của Chính phủ). Hà Tĩnh là tỉnh duy nhất trong cả nước chưa ổn định được đội ngũ làm công tác dân số cấp xã. Một hạn chế nữa, đó là quy định hàng năm chi 0,1% tổng chi ngân sách của địa phương cho công tác dân số nhưng nhiều nơi chưa thực hiện, hiện đang cấp theo kiểu “cú nhát”.

Một trong những hạn chế nữa khiến việc thực hiện NQ 13 của HĐND tỉnh không đạt được kết quả như mong đợi, đó là một số cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo triển khai NQ; việc ban hành các văn bản chỉ đạo vẫn còn mang tính chung chung, chưa cụ thể hóa được nội dung chính sách và không chỉ rõ các biện pháp để củng cố hệ thống công tác dân số, hỗ trợ cho đội ngũ làm công tác DS/KHHGĐ… Trong số các địa phương thực hiện NQ 13 chưa thực sự hiệu quả, phải kể đến huyện Hương Sơn, Hương Khê, Lộc Hà…

Ông Đường Công Lự - Chi cục trưởng Chi cục DS/KHHGĐ tỉnh nhận định: “NQ 13 của HĐND tỉnh đã bám sát những vấn đề “nóng” của công tác DS/KHHGĐ, đã có chính sách chỉ đạo chính quyền các cấp tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, sau 8 năm thực hiện NQ vẫn còn nhiều vấn đề chưa được tháo gỡ. Điều này đòi hỏi tỉnh phải có sự đánh giá, nhìn nhận để đưa ra các chủ trương, chính sách về công tác DS/KHHGĐ trong thời gian tới”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast