Tiêm vắc-xin Quinvaxem đúng lịch để phòng bệnh cho trẻ

(Baohatinh.vn) - Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, người dân nên chủ động tiêm vắc-xin “5 trong 1” Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) cho trẻ thay vì bị động chờ vắc-xin dịch vụ, bởi điều này rất nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ và gây nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại.

Tại Hà Tĩnh, mỗi năm có hơn 60.000 liều vắc-xin Quinvaxem được tiêm cho trẻ an toàn, hiệu quả. Riêng năm 2015, có gần 80.000 liều được tiêm cho trẻ trong chương trình TCMR, đạt tỷ lệ trên 96%, không có trường hợp tai biến xảy ra. Nhiều năm nay, Hà Tĩnh luôn là một trong những tỉnh có tỷ lệ tiêm Quinvaxem cao nhất nước.

Tiêm vắc-xin cho trẻ đúng lịch là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất.

Tiêm vắc-xin cho trẻ đúng lịch là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất.

Bác sỹ Nguyễn Lương Tâm - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: “Thời gian gần đây, nhiều gia đình có tư tưởng chờ vắc-xin dịch vụ để tiêm cho con thay vì tiêm miễn phí trong chương trình TCMR. Điều này ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch và phòng bệnh của trẻ”.

Bác sỹ Tâm cũng khẳng định, chất lượng và độ an toàn của vắc-xin sử dụng trong chương trình TCMR không khác mấy so với các loại vắc-xin sử dụng trong tiêm chủng dịch vụ. Khác nhau cơ bản giữa vắc-xin Quinvaxem với các vắc-xin “5 trong 1” hoặc “6 trong 1” chủ yếu là thành phần ho gà toàn tế bào. Quinvaxem có chứa thành phần toàn tế bào nên có thể xảy ra các phản ứng sau tiêm như sốt, đau hoặc sưng tấy nhẹ tại chỗ tiêm, quấy khóc... nhưng hiệu quả miễn dịch tốt hơn vắc-xin chứa thành phần vô bào. Trong khi đó, tỷ lệ phản ứng nặng và tử vong của Quinvaxem so với vắc-xin chứa thành phần vô bào như Pentaxim là như nhau.

Để giảm thiểu các nguy cơ phản ứng sau tiêm, khi đưa con đi tiêm chủng, các bà mẹ cần mang theo sổ tiêm chủng và thông báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con. Đặc biệt lưu ý các phản ứng mạnh với lần tiêm trước như sốt cao, quấy khóc kéo dài, nôn trớ, phát ban, sưng nề vùng tiêm... để bác sĩ chỉ định phù hợp. Trẻ cần được theo dõi 30 phút tại điểm tiêm chủng và tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 48 giờ sau khi tiêm. Cần đưa ngay trẻ tới bệnh viện hoặc cơ sở y tế nếu có các dấu hiệu bất thường như sốt cao, co giật, khóc thét, quấy khóc kéo dài, bỏ bú, khó thở, tím tái... để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Sau tiêm chủng, trẻ có thể sốt nhẹ, đau tại chỗ tiêm, các bà mẹ cần chú ý đến trẻ, cho bú nhiều hơn, theo dõi nhiệt độ, không đắp bất cứ thứ gì lên vị trí tiêm. Khi trẻ sốt, cặp nhiệt độ và theo dõi sát, dùng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của cán bộ y tế. Nếu không tiến triển, cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám, xử lý.

Không tiêm vắc-xin Quinvaxem cho trẻ nếu tiền sử có phản ứng mạnh đối với liều tiêm trước như: sốt cao liên tục trong vòng 48 giờ sau tiêm vắc-xin; sốc sau tiêm vắc-xin; khóc dai dẳng trên 3 giờ trong vòng 48 giờ; co giật kèm theo sốt hoặc không sốt trong vòng 3 ngày...; không tiêm cho trẻ nhỏ dưới 6 tuần tuổi vì vắc-xin có thể không hiệu quả do còn miễn dịch từ mẹ; hoãn tiêm cho trẻ nếu trẻ đang ốm, sốt hoặc mắc các bệnh cấp tính.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast