Tình hình cung ứng vắc-xin phòng bệnh không có gì lo ngại

Gần đây, có nhiều thông tin phản ánh cho rằng năm 2015 tình hình cung ứng vắcxin cho chương trình tiêm chủng dịch vụ rất khan hiếm.

Dây chuyền sản xuất vắcxin tại một Nhà máy sản xuất vắcxin ở trong nước. (Ảnh: TTXVN)

Dây chuyền sản xuất vắcxin tại một Nhà máy sản xuất vắcxin ở trong nước. (Ảnh: TTXVN)

Trước luồng ý kiến trên, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược Nguyễn Tất Đạt cho biết, vừa qua, Cục Quản lý Dược có nhận được thông tin từ nhà sản xuất, các vắcxin phối hợp phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và bệnh do Hib có thay đổi về cơ sở sản xuất nên số lượng và thời gian vắcxin nhập khẩu về Việt Nam có thay đổi so với kế hoạch. Tuy nhiên, điều này không phải là điều quá lo ngại.

Theo ông Đạt, bởi thực tế, tại Việt Nam các vắcxin có khả năng phòng bệnh tương tự như các vắcxin trên vẫn đang được tiêm miễn phí cho trẻ trên toàn quốc trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Tất cả vắcxin trong chương trình đều được giám sát nghiêm ngặt về chất lượng, đảm bảo an toàn theo đúng tiêu chuẩn.

Chiến lược lâu dài của ngành y tế, của Chính phủ là các vắcxin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia bao phủ được tối đa các bệnh nguy hiểm có thể phòng tránh được bằng vắcxin ở trẻ em. Ở Việt Nam, sau hơn 25 năm triển khai, Chương trình tiêm chủng mở rộng đã đem lại hiệu quả rõ rệt, làm thay đổi cơ bản cơ cấu bệnh tật ở trẻ em.

Bộ Y tế vẫn tích cực làm đầu mối đề xuất Chính phủ đưa thêm vắcxin vào Chương trình. Cụ thể, năm 2010: thêm vắcxin phòng bệnh do Hib (dưới hình thức vắc xin phối hợp 5 trong 1), năm 2015: thêm vắcxin phòng bệnh do rubella (dưới hình thức vắc xin phối hợp sởi - rubella) và Bộ Y tế đang đề xuất thêm vắcxin phòng bệnh do rota virus, vắcxin phòng bệnh do phế cầu.

Tất cả các vắcxin trong chương trình tiêm chủng mở rộng luôn luôn sẵn sàng phục vụ nhân dân.

Về vắcxin tiêm dịch vụ, ông Đạt cho hay, cho đến thời điểm này, có 56 vắcxin có số đăng ký còn hiệu lực. Hiện nay, vắcxin dịch vụ được điều tiết do thị trường. Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế chỉ là cơ quan cấp phép chứ không có quyền bắt buộc các công ty phải nhập khẩu vắcxin dịch vụ về. Khác với vắcxin trong chương trình tiêm chủng mở rộng được dự trù hàng năm theo số lượng trẻ em và các chiến dịch tiêm chủng, vắcxin dịch vụ được nhập khẩu và phân phối theo cơ chế thị trường.

“Vấn đề khó khăn ở chỗ, vắcxin là một loại sinh phẩm, là một chế phẩm sống, không thể để lâu, không chế biến lại được. Vì vậy, chỉ khi các cơ sở tiêm vắcxin dịch vụ đặt hàng, các doanh nghiệp dược mới đi đặt hàng các hãng dược nước ngoài, và dĩ nhiên, lúc đó, các hãng sản xuất mới bắt tay vào sản xuất. Như vậy độ lùi thời gian giữa lúc nhu cầu rộ lên và vắcxin về đến cơ sở tiêm dịch vụ thông thường phải khoảng 3 tháng. Như vậy sẽ xảy ra hiện tượng khan hiếm cục bộ vắcxin," ông Đạt phân tích.

Hiện nay, các công ty sản xuất vắcxin của Việt Nam đã sản xuất và cung ứng được 10/12 loại vắcxin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Thực tế đã chứng minh, không có nhiều quốc gia tại khu vực hay các quốc gia có điều kiện tương đương Việt Nam có thể chủ động được vắcxin như vậy./.

Theo Vietnam+

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast