Trạm y tế đang mất dần tiêu chí chuẩn quốc gia

Hà Tĩnh hiện là một trong những tỉnh dẫn đầu toàn quốc về số lượng xã đạt chuẩn quốc gia (CQG) về y tế, với trên 80% xã. Tuy nhiên, hiện nay, đang xảy ra tình trạng nhiều xã mất dần "chuẩn" do không giữ được các tiêu chí đã được công nhận trước đó.

Bác sĩ Nguyễn Văn Anh - Trưởng Phòng Kế hoạch Sở Y tế Hà Tĩnh, cho biết: Năm 2009, ngành Y tế đã tiến hành khảo sát lại 10 xã đạt CQG về y tế từ năm 2003 đến năm 2007 trên địa bàn tỉnh. Kết quả sơ bộ có gần 50% số xã đạt chuẩn có điểm phúc tra giảm so với thời điểm được công nhận. Tại 12/12 huyện, thành phố, thị xã đều xuất hiện tình trạng trên, trong đó tập trung ở các huyện Thạch Hà, Kỳ Anh, Vũ Quang, Hương Sơn...

Từ ngoài nhìn vào, người lạ khó mà nhận biết đây là một trạm y tế và lại là trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. (Ảnh chỉ có tính minh họa)

Từ ngoài nhìn vào, người lạ khó mà nhận biết đây là một trạm y tế và lại là trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. (Ảnh chỉ có tính minh họa)

Các tiêu chí giảm điểm chủ yếu về cơ sở vật chất, nguồn lực con người... Cụ thể, ở các xã đạt chuẩn về y tế, tình trạng thiếu bác sĩ, trang thiết bị lạc hậu, cơ sở điều trị xuống cấp xuất hiện ngày càng nhiều. Đặc biệt, trong số 212 xã đã đạt CQG về y tế có tới gần 30% xã thiếu bác sĩ hoặc đang đào tạo bác sĩ. Bên cạnh đó, hầu hết các xã chuẩn mới chỉ đáp ứng được gần 50% danh mục kỹ thuật do Bộ Y tế quy định cho tuyến. Mặt khác, một số địa phương, kinh phí đầu tư cho xã CQG về y tế rất ít, thậm chí không có, dẫn đến các tiêu chí về môi trường như: tỷ lệ hộ dân sử dụng nhà vệ sinh hợp tiêu chuẩn, có công trình nước sạch... hầu như bị bỏ qua.

Mặc dù ngành Y tế đã có chế độ chính sách cho bác sĩ công tác tại tuyến xã, tuy nhiên vẫn chưa thu hút được nguồn nhân lực về đây làm việc. Để giữ chuẩn không chỉ dựa vào tiêu chí trạm y tế phải có bác sĩ mà còn phụ thuộc nhiều yếu tố, đặc biệt là kinh phí hoạt động và trang thiết bị y tế phục vụ bệnh nhân.

Theo quy định của Chính phủ, để duy trì hoạt động tại trạm y tế thì mỗi năm chính quyền địa phương xã phải hỗ trợ khoảng 10 triệu đồng nhằm đảm bảo công tác CSSK ban đầu cho nhân dân, lấy từ ngân sách địa phương nhưng Hà Tĩnh là một tỉnh nghèo, nhiều xã nguồn ngân sách rất hạn chế do không có thu, kéo theo trạm y tế không có kinh phí để duy trì 10 tiêu chí CQG.

Hiện nay, đề án đầu tư cho y tế tuyến xã của ngành Y tế đã được HĐND tỉnh phê duyệt và có cơ chế chính sách đầu tư cho trạm y tế. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí nên đến nay chưa triển khai. Thêm vào đó, nghị định 171, 172 ban hành thời gian qua đã làm vướng mắc hệ thống quản lý nhân lực y tế cơ sở. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc nhiều đơn vị sau khi được công nhận chuẩn lơ là trong việc giữ chuẩn và bảo đảm chất lượng khám chữa bệnh (KCB) ban đầu cho người dân ở tuyến cơ sở. Hệ quả là ở Hà Tĩnh đang xuất hiện hiện tượng người dân có nhu cầu KCB thường lên thẳng các cơ sở y tế tuyến huyện, tỉnh mà bỏ qua tuyến xã, gây nên tình trạng quá tải của các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh.

Việc thực hiện mục tiêu năm 2010 có 100% xã đạt CQG về y tế đã rất khó, song khó khăn nhất lại chính là việc làm thế nào để giữ chuẩn. Để giải quyết khó khăn trên, cùng với việc vận động chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể cùng tham gia đầu tư, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về xây dựng, gìn giữ các tiêu chí chuẩn, tỉnh và các địa phương có kế hoạch dành kinh phí để khen thưởng, động viên các xã đạt và duy trì chất lượng chuẩn; hỗ trợ các xã khó khăn giữ chuẩn.

Ngành Y tế cũng cần dồn sức xây dựng nguồn nhân lực cho tuyến xã, bảo đảm 100% xã chuẩn đều có bác sĩ; tiến hành tuyển bổ sung cán bộ cho tuyến xã; tổ chức đào tạo có địa chỉ cho 40 bác sĩ, dược sĩ tuyến xã, có chế độ, chính sách hỗ trợ, khuyến khích cán bộ y tế tuyến xã, đồng thời thực hiện triệt để việc luân chuyển cán bộ về hỗ trợ tuyến xã trong hoạt động KCB và chuyển giao KHKT hiện đại theo Đề án 1816 của Bộ trưởng Bộ Y t ế .

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast