Tuân thủ nghiêm ngặt quy định, hạn chế tử vong do sốc phản vệ

Thời gian gần đây, số ca sốc phản vệ dẫn đến tử vong xảy ra khá nhiều, gây bức xúc đối với người nhà bệnh nhân và khiến dư luận hoang mang, lo lắng. Phóng viên Báo Hà Tĩnh đã có cuộc trao đổi với bác sỹ Võ Viết Quang – Trưởng phòng Nghiệp vụ, Sở Y tế xung quanh vấn đề này.

- Xin bác sỹ cho biết thế nào là sốc phản vệ và những tai biến do sốc phản vệ gây ra?

Phản vệ là phản ứng mẫn cảm toàn thân nặng đặc trưng bởi tụt huyết áp hay tắc đường thở đe dọa sinh mạng. Trong đó, bệnh nhân đã có tiếp xúc trước với kháng nguyên (thuốc, thực phẩm, hóa chất…) qua đường uống, tiêm truyền, hút, hít… Phản vệ qua trung gian IgE làm đại thực bào mất hạt, gây phóng thích chất trung gian hóa học.

Tùy theo độ nặng, các phản ứng phản vệ được phân độ: độ 1 sốt, đỏ da toàn thân, nổi mề đay; độ 2: buồn nôn, nhịp tim nhanh, tụt huyết áp, khó thở; độ 3: sốc, co thắt phế quản; độ 4: ngừng tim, ngưng thở. Phản ứng phản vệ độ 2 trở đi được chẩn đoán là sốc phản vệ.

Một trường hợp bị sốc phản vệ được Bệnh viên đa khoa Cẩm Xuyên cứu chữa kịp thời
Một trường hợp bị sốc phản vệ được Bệnh viên đa khoa Cẩm Xuyên cứu chữa kịp thời

- Bộ Y tế đã có Thông tư 08/1999/TT-BYT hướng dẫn phòng và cấp cứu sốc phản vệ. Thời gian qua, ngành Y tế Hà Tĩnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện thông tư này như thế nào, thưa bác sỹ?

Sở Y tế thường xuyên chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh phải cập nhật thông tin, kiến thức về chẩn đoán và cấp cứu sốc phản vệ theo quy định tại Thông tư 08/1999/TT-BYT cho bác sỹ, điều dưỡng công tác trong ngành. Tại buồng tiêm và khi thực hiện tiêm, truyền thuốc cho bệnh nhân tại buồng bệnh, yêu cầu bắt buộc phải có phác đồ cấp cứu sốc phản vệ và hộp chống sốc. Hàng tháng, trong họp giao ban, ngành luôn đề cập, nhắc nhở. Trong chương trình kiểm tra, đánh giá hoạt động của các bệnh viện hàng năm có nội dung về thực hiện thông tư này.

Theo báo cáo từ các bệnh viện, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 10 trường hợp sốc phản vệ, trong đó cấp cứu thành công 6 trường hợp; còn 4 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, đây là con số thống kê chưa đầy đủ vì thực tế vẫn còn một số cơ sở khám chữa bệnh chưa thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo, kể cả những trường hợp sốc phản vệ được cứu sống.

- Gần đây có một số trường hợp chết do sốc phản vệ khiến người nhà bệnh nhân hết sức bức xúc và phẫn nộ. Bác sỹ nghĩ gì về vấn đề này?

Sốc phản vệ với các biểu hiện bệnh cảnh diễn biến nhanh, tỷ lệ tử vong rất cao. Điều khiến nhiều người nhà bệnh nhân bức xúc vì có thể trước khi tiêm thuốc, người bệnh vẫn tỉnh táo, đi lại, ăn uống được nhưng sau tiêm xảy ra sốc phản vệ và dẫn đến tử vong.

Đa số các trường hợp sốc phản vệ xảy ra sau khi tiêm kháng sinh. Điều mà người bệnh, người nhà bệnh nhân và dư luận thắc mắc là có test kháng sinh trước khi sử dụng hay không? Về vấn đề này, trong Thông tư số 08, Bộ Y tế đã chỉ rõ: “Ở người có cơ địa dị ứng, sốc phản vệ có thể xảy ra ngay sau khi mới dùng thuốc lần đầu, hoặc sau khi dùng thuốc vài ba lần. Một người đã làm test nội bì với kết quả âm tính vẫn có thể bị sốc phản vệ khi dùng thuốc đó trong những lần dùng tiếp theo. Đó là những khó khăn của y học mà thầy thuốc, người bệnh, gia đình và mọi người cần biết”. Thực tế chứng minh đã có nhiều trường hợp bệnh nhân sử dụng kháng sinh đến ngày thứ 3, thứ 5... mới bị sốc phản vệ.

Để giảm các tai biến và tử vong do sốc phản vệ, Bộ Y tế đã đưa ra các hướng dẫn dành cho các thầy thuốc, các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện, trong đó quy định việc làm test (thử phản ứng) khi tiêm kháng sinh chỉ áp dụng cho kháng sinh Penicillin và Streptomycin. Ngoài ra, thông tư cũng đã ban hành các phác đồ về điều trị sốc phản vệ cho bác sỹ và điều dưỡng áp dụng. Vì vậy, người thầy thuốc cần phải khai thác kỹ tiền sử dị ứng, tư vấn cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân những tai biến có thể xảy ra sau tiêm; tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về tiêm an toàn; theo dõi sát bệnh nhân sau tiêm, chẩn đoán và xử trí cấp cứu sốc phản vệ theo quy định tại Thông tư 08.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast