Vệ sinh an toàn thực phẩm: “Lỏng” từ thành thị đến nông thôn!

(Baohatinh.vn) - Chợ TP Hà Tĩnh là đơn vị đầu tiên được Sở Công thương chọn xây dựng mô hình thí điểm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Tuy nhiên, mọi hoạt động được triển khai tại “mô hình thí điểm” này cũng chỉ là chiếu lệ.

“Mô hình thí điểm” chỉ là chiếu lệ

Là trung tâm mua bán, chợ TP Hà Tĩnh không chỉ cung cấp thực phẩm cho người dân thành phố mà cả trong toàn tỉnh. Tuy vậy, câu chuyện về đảm bảo ATVSTP ở đây vẫn luôn là vấn đề “nóng”.

“Nóng” trước hết chính từ những người buôn bán. Ngay giữa mặt hàng này với mặt hàng kia, họ đã “tố” nhau về các nguy hại và nguồn gốc thực phẩm. Khi được hỏi về vấn đề đảm bảo ATVSTP, chị Nguyễn Thị Vân, chủ một quầy rau bức xúc: Cá, thịt bán ở đây phần lớn có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhất là cá”… Còn chị V.A., chủ quầy hàng thịt lợn, dặn tôi: “Hôm nào trời oi bức, nắng nóng, sau 10h sáng, em không nên mua thịt lợn nữa vì hầu hết đều được dùng hàn the để bảo quản”…

Với nhiều chủng loại được nhập từ nhiều nơi, người tiêu dùng rất khó lựa chọn được rau, củ, quả đảm bảo ATVSTP.
Với nhiều chủng loại được nhập từ nhiều nơi, người tiêu dùng rất khó lựa chọn được rau, củ, quả đảm bảo ATVSTP.

Điều lạ hơn, khi hỏi về sự “có mặt” của các cơ quan chức năng kiểm soát chất lượng thực phẩm tại chợ thì hầu hết các tiểu thương đều trả lời là rất ít, thậm chí là chưa thấy. Chị Nguyễn Thị Lan, chuyên bán sỉ các mặt hàng rau, củ, quả cho biết: “Chị thường bán sớm, từ 3h-5h sáng nên hơn 10 năm nay chưa một lần gặp các đoàn kiểm tra đảm bảo ATVSTP”…

Cùng với các mặt hàng thịt, cá, rau, củ, quả, chất phụ gia thực phẩm tại chợ TP Hà Tĩnh cũng “nóng” không kém. Bất cứ ai cũng có thể dễ dàng hỏi mua các chất phụ gia độc hại hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ tại các quầy bán tạp hóa. Sau khi nghe tôi hỏi về hàn the, một chủ quầy hàng nhanh nhảu: “Em mua về làm bánh à. Chị có đây, mua mấy cũng được”… Qua tìm hiểu được biết, người mua hàn the khá nhiều, dùng để làm bánh, giò, bảo quản thực phẩm…

Ông Nguyễn Duy Hòa - Trưởng BQL chợ TP Hà Tĩnh thẳng thắn: “Chợ được chọn xây dựng thí điểm mô hình chợ đảm bảo ATVSTP nhưng còn quá nhiều bất cập. Riêng về nguồn gốc, chất lượng thực phẩm, vấn đề trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe con người đến nay chưa kiểm soát được”.

Ông Hòa còn cho biết, là mô hình thí điểm ATVSTP, chợ được tỉnh hỗ trợ 170 triệu đồng, BQL huy động tiểu thương 133 triệu đồng và trích nguồn thu 30 triệu đồng đầu tư làm hệ thống bàn bán thịt lợn và khoan giếng nước phục vụ dọn, rửa tại các khu vực kinh doanh thực phẩm; tỉnh hỗ trợ 400 triệu đồng nâng cấp mái đình thực phẩm. Ngoài ra, Sở Công thương còn tổ chức tập huấn và cấp chứng chỉ cho các hộ kinh doanh thực phẩm. Còn về kiểm soát chất lượng thực phẩm, BQL chỉ tuyên truyền, nhắc nhở các hộ kinh doanh, còn các hoạt động kiểm soát chuyên sâu chủ yếu phụ thuộc vào các ngành chức năng. Tuy nhiên, các hoạt động này còn rất mờ nhạt, quá yếu so với yêu cầu.

Như vậy, hoạt động xây dựng mô hình thí điểm chợ đảm bảo ATVSTP xem ra cũng chỉ mới mang tính chất chiếu lệ, chưa giải quyết được các vấn đề căn cơ. Nguồn gốc, chất lượng thực phẩm, vấn đề cốt lõi nhất vẫn chưa thực sự được quan tâm kiểm soát trong khi năm 2014, dự án này tiếp tục triển khai mô hình tại chợ Hội (Cẩm Xuyên). Với cách làm đó thì đảm bảo ATVSTP tại các chợ sẽ vẫn là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm…”; người dân tiếp tục đối mặt với các nguy cơ từ việc không kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng thực phẩm.

Mối nguy từ chợ nông thôn

Có mặt ở chợ Hội vào sáng sớm, chúng tôi tận mắt chứng kiến những chuyến hàng vào ra tấp nập. Theo một số chủ hàng tạp hóa, từ ngày chợ được hoàn thành và đưa vào sử dụng, nhờ sân bãi rộng, các xe chở hàng vào nhập tận nơi nên rất thuận lợi. Khi được hỏi về nguồn gốc số bánh kẹo vừa mua, chị Hà (Cẩm Huy) phân trần: “Nguồn gốc hàng hóa không biết, họ bán thì tôi mua. Các loại bánh kẹo được đóng trong bao lớn và bán theo cân, giá rẻ, tôi vẫn mua khi có công chuyện, mà chưa thấy ai bị ảnh hưởng đến sức khỏe”.

Nhếch nhác chợ nông thôn
Nhếch nhác chợ nông thôn

Theo quan sát của chúng tôi, tại nhiều quầy hàng tạp hóa, bên cạnh những mặt hàng được sản xuất trong nước có nguồn gốc rõ ràng, còn nhiều loại bánh kẹo nguồn gốc từ nước ngoài. Bao bì, nhãn mác và hạn sử dụng không rõ ràng nhưng vì giá rẻ, hình thức bắt mắt nên được nhiều người ưa chuộng.

Cũng lấy hàng từ các xe tập kết ở chợ Cẩm Xuyên, chị N.T.L, một người buôn bán lẻ đến từ xã Cẩm Hòa cho biết: “Nhiều năm nay, tôi chủ yếu lấy hàng ở đây. Rau, củ, quả giá rẻ, phù hợp với thị trường nông thôn. Hơn nữa, hàng được bảo quản nên ít bị hư hỏng”.

Những chuyến xe chở hàng về chợ Cẩm Xuyên không chỉ cung cấp cho các tiểu thương ở đâỵ mà còn phân phối về các chợ phiên, cửa hàng bán lẻ. Chị T.T.D - chủ cửa hàng kinh doanh tạp hóa và thực phẩm ở xã Cẩm Quan cho biết: “Lâu nay, tôi nhập hàng qua điện thoại chứ không phải vất vả đi lấy. Gọi điện là họ chở đến tận nhà, không kể ít hay nhiều”.

Chị cũng cho biết thêm: bán chạy nhất vẫn là các loại bánh kẹo dành cho trẻ em. Tìm hiểu nguồn gốc của các loại bánh này, chúng tôi nhận thấy đều không có nhãn mác hoặc nhãn mác không rõ ràng, không có hạn sử dụng. Giá các mặt hàng này lại khá “mềm”, chỉ cần vài nghìn đồng là có ngay một món. Có loại kẹo màu, khi ngậm vào miệng sẽ dính màu trên lưỡi và khắp vòm miệng. Loại kẹo có miếng dán hình các con thú cũng được trẻ em ưa chuộng. Chúng tôi thử dán một miếng trên cánh tay, trông tựa hình xăm và rất khó rửa sạch.

Chị Nguyễn Thị Thùy Linh (thị trấn Cẩm Xuyên) băn khoăn: “Bây giờ ra chợ chẳng biết đường nào mà lần. Chính chủ hàng cũng không rõ xuất xứ hàng hóa chứ nói gì đến chúng tôi”... Tại chợ Cày (Thạch Hà), khi chúng tôi hỏi về nguồn gốc rau, củ, quả… nhiều chủ hàng cho biết, được lấy từ Đà Lạt và được nhập từ chợ tỉnh. Tuy nhiên, khi được hỏi làm cách nào để nhận biết đó là rau, củ, quả Đà Lạt thì đa phần chủ hàng đều lúng túng.

Quả thật, bấy lâu nay, việc kiểm soát VSATTP các chợ vùng nông thôn dường như vẫn đang bị bỏ ngỏ. Và hơn ai hết, người tiêu dùng sẽ là những người trực tiếp gánh chịu hậu quả khi họ sử dụng hàng hóa không rõ nguồn gốc!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast