Vì sao bệnh nhân ào ào vượt tuyến?

Bấy lâu, trong lĩnh vực y tế, đã xuất hiện một vấn đề rất đáng quan tâm, đó là chuyện bệnh nhân thi nhau vượt tuyến. Người vượt tuyến vì các cơ sở KCB trong tỉnh không đáp ứng yêu cầu đã đành nhưng đáng bàn là trong số đó chiếm tỷ lệ lớn là bệnh nhân mà… các bệnh viện trong tỉnh có thể chăm sóc, điều trị tốt. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến hiện trạng này?

Cuối tuần, hầu hết các chuyến xe Hà Tĩnh – Hà Nội đều kín chỗ, trong đó có không ít hành khách là người Hà Tĩnh ra Hà Nội để kiểm tra sức khỏe và chữa bệnh. Họ tới các bệnh viện ở Hà Nội với những nhu cầu khác nhau. Có người thì điều trị viêm xoang, người điều trị đau dạ dày, bướu cổ, gãy tay, gãy chân… thậm chí, rất nhiều người chỉ để kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Bệnh viên trung ương quá tải do bệnh nhân địa phương thi nhau vượt tuyến
Bệnh viên trung ương quá tải do bệnh nhân địa phương thi nhau vượt tuyến

Chị Nguyễn Thị Vân, một cán bộ Nhà nước cùng đi với tôi trong một chuyến xe ra Hà Nội cho biết: “Chị đi kiểm tra sức khỏe ở bệnh viện 108. Lâu lâu chị lại đi một chuyến”. Tôi hỏi chị tại sao lại không kiểm tra ở Hà Tĩnh cho tiện. Các bệnh viện ở tỉnh ta giờ cũng đã trang bị đầy đủ các trang thiết bị y tế hiện đại, nhiều bác sỹ cũng có trình độ cao. Nghe tôi nói vậy, chị liền đáp lại: “Thực hư không biết thế nào nhưng nghe dư luận thì bệnh viện ở ta còn nhiều tiêu cực lắm. Vì vậy, vào đó chị thấy không yên tâm chút nào. Hơn nữa, ra Hà Nội cũng không mất nhiều thời gian. Chỉ cần một buổi sáng là chị kiểm tra xong tất cả một lượt, không phiền hà gì; đầu giờ chiều là có kết quả. Chị đi bệnh viện công nên chờ đến chiều lấy kết quả về luôn nhưng như mấy người bạn của chị thường đến phòng khám tư, nếu không có vấn đề gì, các kết quả xét nghiệm họ có thể gửi về sau cho mình”.

Cùng một thắc mắc, một câu hỏi nhưng các bệnh nhân đã nằm điều trị tại các bệnh viện ở Hà Nội về mà tôi đã gặp lại cho tôi một câu trả lời bằng sự trải nghiệm. Theo họ, thích nhất khi nằm điều trị tại các bệnh viện tuyến trung ương là thái độ phục vụ. Nhân viên y tế luôn ân cần, niềm nở với tất cả mọi người; không có biểu hiện gây phiền hà. Vì vậy, bệnh nhân cảm thấy rất yên tâm và có được niềm tin trong quá trình điều trị.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, còn một thực tế khác, tuy không vượt tuyến trên nhưng có không ít bệnh nhân Hà Tĩnh lại cùng nhau ra Vinh chữa trị. Số bệnh nhân này chủ yếu tập trung ở một số huyện như Nghi Xuân, Hồng Lĩnh, Đức Thọ, Hương Sơn, Vũ Quang… Trong số các bệnh nhân nói trên, có không ít người đã hy sinh cả quyền lợi BHYT để được chọn cơ sở KCB.

Như vậy, rõ ràng, lí do hàng đầu khiến các bệnh nhân thi nhau vượt tuyến là yếu tố tâm lý. Mặt khác, thực tế cũng có nhiều bệnh nhân xin được vượt tuyến vì quyền lợi BHYT. Cùng một mệnh giá BHYT nhưng quyền lợi các bệnh nhân được hưởng tại các tuyến lại khác nhau, trong đó tuyến Trung ương là được hưởng quyền lợi tối đa nhất. Vì vậy, bệnh nhân nào có thể xin được vượt tuyến là họ vượt ngay.

Vậy đâu là nguyên nhân chủ yếu? Suy cho cùng đều xuất phát từ phía các bệnh viện trong tỉnh. Nhiều bệnh viện thực sự chưa tạo được niềm tin đối với người dân, còn nhiều biểu hiện gây phiền hà, tạo nhiều dư luận xấu, làm méo mó hình ảnh của bệnh viện; chưa xây dựng được các mô hình KCB dịch vụ cao, đáp ứng theo yêu cầu của người dân.

Thực trạng trên đồng nghĩa với một lời nhắc nhở về công tác phục vụ đối với các cơ sở KCB trong tỉnh, đặc biệt là đối với các bệnh viện tuyến tỉnh. Điều này còn trực tiếp làm thất thoát một nguồn thu khá lớn đối với các bệnh viện trong tỉnh; góp phần gây áp lực quá tải đối với các bệnh viện tuyến Trung ương.

Thiết nghĩ, cùng với cung cấp các dịch vụ y tế tốt, giá cả phù hợp, coi trọng việc đào tạo trình độ, thái độ phục vụ, các cơ sở y tế trong tỉnh cần tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng dư luận, tạo hình ảnh tốt, tạo sức cạnh tranh lành mạnh để thu hút người dân. Mặt khác, cần triển khai xây dựng các mô hình dịch vụ KCB chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe theo yêu cầu của không ít người dân trên địa bàn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast