Việt Nam có nguy cơ dịch sốt xuất huyết cao nhất ASEAN

Hơn 40% dân số thế giới có nguy cơ mắc sốt xuất huyết. Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng bởi sốt xuất huyết nhiều nhất trong khu vực ASEAN.

Diễu hành nâng cao nhân thức về sốt xuất huyết. Ảnh: VGP/Thúy Hà
Diễu hành nâng cao nhân thức về sốt xuất huyết. Ảnh: VGP/Thúy Hà

Vì vậy, để nâng cao nhận thức về bệnh sốt xuất huyết, ngày 15/6, “Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết” lần thứ 3 đã được tổ chức tại Việt Nam với 1.000 đại biểu đến từ các nước ASEAN, các tổ chức quốc tế, các đơn vị và nhân dân.

Tại Lễ mít tinh, Bộ Y tế đã kêu gọi cả nước phát động chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, tổ chức tuyên truyền làm chuyển biến nhận thức về phòng chống sốt xuất huyết.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện sốt xuất huyết đã lan rộng tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ với khoảng 2,5 tỷ người sống, trong đó có hơn 1,8 tỷ người thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hằng năm có từ 50-100 triệu người mắc bệnh và khoảng 20.000 người tử vong do sốt xuất huyết.

Năm 2005, WHO đã nhận định sốt xuất huyết có thể trở thành một vấn đề y tế công cộng khẩn cấp với những tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế-xã hội và khả năng lây lan nhanh chóng ra ngoài biên giới mỗi quốc gia.

Tại Việt Nam, sốt xuất huyết hiện lưu hành ở 3/4 số các tỉnh, thành phố trong cả nước. Trước năm 2000, sốt xuất huyết luôn là một trong những bệnh truyền nhiễm có số ca mắc cao hàng đầu, có năm lên đến 300.000 trường hợp và có trên 300 người tử vong.

Mặc dù có nhiều cố gắng trong công tác phòng, chống song đến nay sốt xuất huyết vẫn là nguyên nhân khiến khoảng 100.000 trường hợp phải nhập viện và gần 100 trường hợp tử vong mỗi năm, đặc biệt là trẻ em.

TS. Babatunde, đại diện WHO tại Việt Nam, cho biết 3/4 số ca mắc sốt xuất huyết trên thế giới được ghi nhận tại châu Á-Thái Bình Dương. Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng bởi sốt xuất huyết nhiều nhất trong khu vực ASEAN. Ngay cả Hà Nội cũng không phải miễn dịch với căn bệnh này.

Nguyên nhân là do thói quen dự trữ nước trong những vật dụng chứa nước nhỏ tại các hộ gia đình và đây là môi trường đẻ trứng lý tưởng của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết.

Theo ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, hằng năm, Hà Nội có hàng nghìn trường hợp mắc bệnh, điển hình là dịch sốt xuất huyết năm 2009 với hơn 16.000 người mắc và có 4 người tử vong.

Nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết tăng cao do ô nhiễm môi trường, mật độ dân số cao, tập trung nhiều khu nhà trọ với điều kiện vệ sinh chưa đảm bảo, nhiều công trình xây dựng dở dang, nhận thức của một bộ phận người dân về phòng, chống sốt xuất huyết chưa đầy đủ…

Hiện thế giới vẫn chưa có vắc xin hữu hiệu có thể phòng ngừa hoặc loại thuốc đặc trị virus sốt xuất huyết. WHO khuyến cáo, sốt xuất huyết có thể phòng ngừa hiệu quả nhất là giảm môi trường để muỗi có thể đẻ trứng và nơi bọ gậy phát triển.

Bên cạnh đó, sốt xuất huyết còn có thể được điều trị bằng sự kết hợp của các phương pháp điều trị hiện có, đặc biệt là nếu bệnh nhân được điều trị ngay khi xuất hiện các triệu chứng.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, các giải pháp trên phải bắt đầu từ sự nỗ lực của từng cá nhân trong cộng đồng.

Tại Việt Nam, trong 10 năm qua, việc điều trị sốt xuất huyết đã có nhiều thành công, làm giảm tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết xuống còn dưới 1/1.000 trường hợp.

Theo Chinhphu.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast