Xắn tay phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ

Mưa lũ thường phát sinh dịch bệnh. Nắm rõ quy luật đó nên ngành y tế luôn chủ động công tác phòng chống để đảm bảo sức khỏe cho người dân. Hiện, các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trước, trong và sau bão số 10 đang được ngành tập trung cao độ.

Cán bộ Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh kiểm tra và hướng dẫn người dân xử lý nước sinh hoạt bị nhiễm bẩn.
Cán bộ Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh kiểm tra và hướng dẫn người dân xử lý nước sinh hoạt bị nhiễm bẩn.

Là địa phương thường xuyên bị bão lụt nên công tác xử lý vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh sau lũ đã quen thuộc đến mức như… “đến hẹn lại lên”. Trạm trưởng trạm Y tế xã Đức Châu (Đức Thọ) Trần Quang Bá cho biết: phòng, chống lũ lụt cũng như xử lý các vấn đề về sức khỏe thì ở đây quá quen rồi. Cứ theo dõi thông tin, nước đến mức báo động 2 là chuyển bệnh nhân lên tầng 2 của trạm; đến mức độ 3 là lên thuyến vào trong đê. Nước rút, ngay lập tức khử khuẩn bẳng CloraminB.

"Chúng tôi vừa xử lý môi trường sau bão số 9 thì lại chuẩn bị cho bão số 10. Xã vừa nhận thêm được 400 viên khử khuẩn nước (làm sạch nước uống) và một số cloramin B; đã chuẩn bị thêm 2 cơ số thuốc dự phòng, chủ yếu là dịch chuyền, tiêu chảy, đau mắt đỏ. Ngoài ra, băng bó, cáng nẹp cũng đều chuẩn bị để dự phòng. Trẻ em và người già đã được các CTV y tế thống kê danh sách để theo dõi. Riêng phụ nữ mang thai sinh trong tháng đã có danh sách tại trạm, nếu sinh trong lũ trạm sẵn sàng hỗ trợ các phương án", ông Bá nói thêm.

Theo Giám đốc Trung tâm YTDP huyện Đức Thọ Hoàng Quốc Khánh, huyện có 7/28 xã thường xuyên bị ngập lũ nên đơn vị tập trung hơn cho các xã này. Đặc biệt, trước mỗi cơn bão, trận lụt luôn có tăng cường về nhân lực “cắm trạm” và các cơ số thuốc, hóa chất cho các đơn vị này. Nói chung, tinh thần phòng, chống lụt, bão, dịch bệnh sau bão luôn được chủ động và sẵn sàng các phương án ứng cứu.

Tại Kỳ Anh, công tác phòng, chống dịch bệnh sau lũ cũng luôn được chủ động. Đặc biệt, tại thời điểm này, đơn vị đang tích cực triển khai các kế hoạch phòng, chống cơn bão số 10. Bác sỹ Lê Văn Xuân – Giám đốc Trung tâm YTDP huyện Kỳ Anh cho biết: Đơn vị đã phân công trách nhiệm cho từng cán bộ phụ trách địa bàn. Cán bộ được phân công địa bàn nào thì về “cắm” tại địa bàn đó để giám sát hình dịch bệnh, hướng dẫn bà con VSMT, phòng, chống dịch bệnh và kịp thời báo về trung tâm các hỗ trợ (nếu cần). Riêng việc phòng, chống dịch bệnh cho bão số 10, đơn vị đã cấp cho mỗi xã 20 kg CloraminB và 4 cơ số thuốc phòng, chống dịch bệnh. Ngoài ra, Trung tâm cũng đã kiện toàn lại 2 đội cơ động, túc trực 24/24, sẵn sàng ứng phó mọi tình huống.

Thời điểm này, cả ngành y tế đang tích cực phòng, chống cơn bão số 10, trong đó công tác VSMT, phòng, chống dịch bệnh sau bão được tập trung cao độ. Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Thái Sơn cho biết: Ngoài chỉ đạo các đơn vị phòng, chống bão, lụt nói chung, Sở tập trung cho công tác đảm bảo nước uống cho bà con vùng lũ và xử lý VSMT, phòng, chống dịch bệnh sau lũ. Hiện các phương án phòng chống bão, lụt và dịch bệnh sau bão,lụt đã sẵn sàng.

Ngoài phương án tại chỗ, mỗi cơ sở khám chữa bệnh thành lập một đội cấp cứu cơ động. Riêng các Trung tâm YTDP, mỗi đơn vị có hai đội cơ động. Các đội cơ động sẵn sàng ứng cứu 24/24. Sở đã chỉ đạo phân phát 3 tấn CloraminB và các cơ số thuốc phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ và các hóa chất làm sạch nước đối với các giếng nước bị ngập nước trong vùng lũ về tận các địa phương. Ở tỉnh còn dự phòng 1 tấn CloraminB và các cơ số thuốc dự phòng cấp thêm. Nói chung, mọi phương án đã được sẵn sàng với tinh thần không để bà con vùng lũ bị thiếu nước không đảm bảo an toàn; đảm bảo VSMT và không để dịch bệnh bùng phát sau bão, lụt; đảm bảo sức khỏe cho người dân trong vùng bão, lũ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast