L.T.S: Sau gần 2 năm triển khai bóc đất tầng phủ, năm 2011, dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê ở huyện Thạch Hà buộc phải tạm dừng do phát sinh nhiều hệ lụy về môi trường, xã hội và cả tính khả thi. Từ đó đến nay, vấn đề dừng hay tiếp tục triển khai dự án vẫn chưa ngã ngũ.
Tại Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022, mỏ sắt Thạch Khê là một trong hai dự án được Bộ Chính trị yêu cầu trước năm 2030 phải hoàn thành việc đánh giá hiệu quả đầu tư, hiệu quả KT-XH bền vững để xem xét. Trong chuyến thăm, làm việc tại Hà Tĩnh ngày 11/6/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến kiểm tra thực địa vùng mỏ và nhấn mạnh: Dừng hay triển khai đều phải có cơ sở khoa học!
Để cung cấp thêm thông tin và góc nhìn đa chiều về dự án, Báo Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bài viết của Giáo sư - Viện sỹ Nguyễn Huy Mỹ, người trực tiếp tham gia nghiên cứu và tiếp cận nhiều tài liệu về dự án từ những ngày đầu đến nay.
Câu hỏi “triển khai hay dừng dự án?”, không chỉ người dân Hà Tĩnh mà nhiều chuyên gia, những người đã từng tham gia dự án cũng luôn đau đáu trong lòng. Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sớm đánh giá lại thì không có cách gì khác, chủ đầu tư phải rà soát lại toàn bộ quy trình, đặc biệt là nghiêm túc tiếp thu, xem xét những phần việc, sai sót mà các chuyên gia nước ngoài khuyến cáo, chỉ ra. Tỉnh Hà Tĩnh cũng phải chứng minh một cách khoa học các lý do đề nghị dừng…
Video: Flycam toàn cảnh về mỏ sắt Thạch Khê.
Trước hết, đối với các chuyên gia, cái khó cho các nhà khoa học Việt Nam để xác định việc dừng hay triển khai dự án là còn thiếu thông tin. Và, với những vấn đề như: khoan thăm dò nước ngầm, nghiên cứu caster… chỉ là thông tin theo báo cáo của chủ đầu tư, chứ ít người biết số liệu ban đầu để tính là từ mô phỏng. Tại dự án điều chỉnh (được xem là sẽ triển khai) luôn nhắc đến do các cơ quan Nga làm, tuy nhiên thực tế hoàn toàn không như vậy.
Người dân các xã bị ảnh hưởng sống lam lũ trong khổ cực, thiếu thốn đủ bề suốt thời gian dài.
Với báo cáo khả thi năm 2007, có khoảng 31 tập sách, có tập dày hơn 350 trang giấy A4, tập mỏng xấp xỉ 100 trang, có lẽ chỉ có ít người lướt qua tổng thể. Còn việc đi sâu nghiên cứu phần tài liệu cốt lõi về khai thác, ổn định bờ mỏ, công nghệ vận tải, tháo khô, quản lý… (phần lớn là tiếng nước ngoài, phải qua một số công đoạn chuyển ngữ) thì để hiểu được tường tận, phát hiện các sai sót như đã trình bày là điều rất khó.
Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam (VUSTA) khảo sát hiện trường khu vực mỏ sắt Thạch Khê (tháng 6/2017).
Nói là ý kiến của các chuyên gia đầu ngành, nhưng có thể chủ yếu đang nặng về lý thuyết. Tại Thư viện quốc gia Nga có lưu giữ 4 luận án phó tiến sĩ trước đây về mỏ sắt Thạch Khê, nhưng các luận án này mới chỉ nghiên cứu về trữ lượng, chất lượng quặng. Vì vậy có thể nói, ở Việt Nam chưa có chuyên gia có kinh nghiệm thực tế về khai thác quặng sắt ở mỏ phức tạp, có nước ngầm, caster như mỏ Thạch Khê.
Đối với Công ty Cổ phần sắt Thạch Khê (TIC - chủ đầu tư), có thể lãnh đạo, cán bộ và các cổ đông của TIC đã nắm được thông tin về những sai sót, nhất là phần số liệu, khoan nước ngầm, caster…, nhưng họ chưa tiến hành kiểm tra đúng sai như thế nào? hoặc cho rằng “bây giờ mà khoan thăm dò nước ngầm, caster thì lấy đâu ra tiền và thời gian lại lâu”, cho nên chưa có phương án xử lý.
Về phía tỉnh Hà Tĩnh và Bộ KH&ĐT, các ý kiến của lãnh đạo và các chuyên gia thì nhiều, nhưng có thể nói ngắn gọn là mới chỉ mang tính định tính chứ chưa phải định lượng. Ví dụ, nói ảnh hưởng tới du lịch, văn hóa, môi trường... thì phải rõ ảnh hưởng như thế nào, sụt nước là bao nhiêu?... chứ không phải chung chung. Việc này cần phải có các chuyên đề, đề tài nghiên cứu đánh giá cụ thể, đủ sức thuyết phục.
Với những sai sót trong quy trình thực hiện dự án từ việc lập và thẩm định báo cáo tiền khả thi, báo cáo khả thi, thiết kế kỹ thuật như đã nêu trên, nhưng đến nay chủ đầu tư chưa có câu trả lời, chỉ nói “sẽ bổ sung” là hoàn toàn sai. Xin khẳng định lại, đây không phải bổ sung mà phải làm lại. Để trả lời câu hỏi “triển khai hay dừng dự án?”, đề nghị chủ đầu tư rà soát lại toàn bộ quy trình triển khai dự án, làm lại báo cáo tiền khả thi, báo cáo khả thi…; nếu không làm thì phải dừng ngay dự án.
Xã Đỉnh Bàn kiến nghị, cần giải quyết những vấn đề tồn đọng liên quan đến khai thác mỏ sắt Thạch Khê.
Nếu chủ đầu tư tiến hành lập các hồ sơ, báo cáo khả thi để chứng minh hiệu quả đầu tư, hiệu quả KT-XH bền vững (theo Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị) thì cần theo mốc thời gian cụ thể. Cùng với đó, phía Hà Tĩnh cần chứng minh các lý do đề nghị dừng đảm bảo căn cứ khoa học và thuyết phục.
Người dân vùng mỏ sắt Thạch Khê mong Trung ương dừng dự án khai thác quặng!
Để có câu trả lời rõ ràng, đủ cơ sở khoa học và hợp lòng dân, tất nhiên các cơ quan liên quan phải vào cuộc khẩn trương, trách nhiệm dưới sự đôn đốc, giám sát chặt chẽ của Chính phủ, chủ đầu tư và tỉnh Hà Tĩnh. Lộ trình để giải quyết dứt điểm càng sớm càng tốt, từ công tác chuẩn bị, lập báo cáo khả thi, tổ chức bảo vệ đến kết luận, giải quyết tồn đọng...
Theo tinh thần Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị, việc đánh giá hiệu quả đầu tư, hiệu quả KT-XH bền vững để xem xét đầu tư dự án khai thác, chế biến sắt Thạch Khê phải hoàn thành trước năm 2030. Chủ trương rất đúng vì đã hơn 11 năm qua, chưa có lời giải một cách khoa học cho việc dừng hay triển khai dự án. Tuy vậy, nếu để đến năm 2030 là quá lâu, tiếp tục ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân và định hướng chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đến khảo sát tại khu vực bãi tắm biển Thạch Hải (xã Thạch Hải) tháng 6/2022.
GS.TS Itxkovich - Chuyên gia Nga từng về khảo sát mỏ sắt Thạch Khê
Câu hỏi “triển khai hay dừng dự án?”, cùng với người dân Hà Tĩnh thì nhiều chuyên gia và những người từng tham gia dự án cũng luôn đau đáu. Tháng 12/2002, đoàn chuyên gia Nga về Hà Tĩnh, GS-TS Itxkovich - người từng được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm tại nhà riêng (quãng năm 1996-1997) nói rằng: “Hà Tĩnh đừng khai thác mỏ mà để phát triển du lịch, thiên nhiên, thành phố”.
Trước khi tạ thế (tháng 4/2021), GS-TS Itxkovich chưa nguôi trăn trở: “Việc này giải quyết được, sao lại để lâu thế?. Hãy để chủ đầu tư làm lại báo cáo khả thi, để họ chứng minh hiệu quả đầu tư, KT-XH của dự án như thế nào và Hà Tĩnh chuẩn bị tốt các phản biện thì sẽ rõ”.