Story

Tôi là vận động viên bóng bàn một tay

Tôi là vận động viên bóng bàn một tay

anh-1-6735.jpg
Tôi là Nguyễn Tiến Anh (SN 1978, trú phường Hà Huy Tập, tỉnh Hà Tĩnh), hiện là VĐV bóng bàn của đội thể thao người khuyết tật Hà Tĩnh và là thành viên của CLB Bóng bàn Thành Đông (phường Thành Sen, tỉnh Hà Tĩnh).
anh-2.jpg
Năm 15 tuổi, một tai hoạ ập đến với tôi khi không may gặp tai nạn giao thông, vĩnh viễn mất đi cánh tay trái. Nỗi đau đến quá bất ngờ khiến tôi sốc nặng, nhiều lần muốn buông xuôi số phận nhưng nhờ sự động viên của gia đình, tôi có thêm động lực để tiếp tục cuộc sống. Thay vì đau khổ, tôi chọn cách đứng dậy, bước qua mặc cảm, từng bước ổn định, vượt lên.
anh-3.jpg
Dần dần, tôi trở nên mạnh mẽ hơn. Tôi luôn tự nhủ rằng, mình mất đi cánh tay nhưng không được mất đi ý chí. Yêu thích thể thao từ nhỏ, 5 năm sau ngày mất cánh tay, tôi chọn chơi bóng bàn vì phù hợp với cơ thể của bản thân. Chính bóng bàn là “bạn đồng hành” giúp tôi tìm được bình yên, thêm niềm hy vọng suốt những năm tháng qua.
anh-4.jpg
Tôi nhận ra thể thao chính là phương thuốc, giúp những người khuyết tật như mình quên đi những khiếm khuyết, mang lại sự tự tin để bước ra xã hội. Dù đã từng tập chơi bóng bàn, nhưng việc mất đi cánh tay trái khiến tôi gặp vô vàn khó khăn. Tôi như trở thành người nhập môn, phải học lại từ đầu.
anh-5.jpg
Đối với một vận động viên bóng bàn mất một cánh tay, thử thách lớn bắt đầu ngay từ việc giao bóng. Khi chỉ còn một tay, mọi thứ trở nên phức tạp hơn rất nhiều. Tôi buộc phải học cách giữ bóng và vợt cùng lúc trong một tay, rồi thả bóng lên không trung và đánh trúng bóng khi nó rơi xuống. Tất cả chỉ trong tích tắc.

anh-6.jpg
Không chỉ giao bóng, việc đánh trả cú "sơ-vít" của đối phương cũng trở thành thử thách đặc biệt với tôi. Đối thủ thường tận dụng những pha giao bóng hiểm hóc với độ xoáy phức tạp và tốc độ cao đòi hỏi tôi phải có khả năng di chuyển nhanh, vừa giữ thăng bằng, vừa thực hiện cú đỡ bóng bằng một chuyển động chính xác.
anh-8.jpg
Khó khăn là vậy nhưng tôi không bao giờ nghĩ đến việc bỏ cuộc. Mỗi ngày đến các CLB bóng bàn xem họ tập rồi xin cầm vợt, nhặt bóng để làm quen. Dần dần khi đã cầm quen vợt, tôi tự tập các động tác giao bóng. Ban đầu, nhiều người ngại chơi cùng vì tôi vừa mất cánh tay vừa không biết thao tác với trái bóng. Nhưng thấy tôi đam mê, quyết tâm, mọi người đều động viên, hỗ trợ và chơi cùng. Đó là điều tôi rất hạnh phúc.
anh-7.jpg
Từng ngày cố gắng một chút, sau hơn 1 năm, tôi đã chơi thành thạo môn thể thao này. Trình độ của tôi ngày càng được cải thiện. Tôi đã thành thục các kỹ năng trong môn bóng bàn như: đập bóng, bạt bóng... Nhiều đồng đội khi thi đấu cùng rất ấn tượng với khả năng của tôi. Tôi rất vui vì điều đó.
anh-9.jpg
Theo thời gian, bóng bàn như ngấm vào máu của mình. Một ngày bận việc không thể ra thi đấu là tôi lại thấy nhớ đồng đội, không thoải mái trong người. Không chỉ sinh hoạt trong CLB, tôi còn cùng mọi người tham dự các giải phong trào để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm như: Giải Bóng bàn Báo Hà Tĩnh, Giải Bóng bàn Hội Nhà báo Hà Tĩnh, Giải Bóng bàn huyện Vũ Quang mở rộng...
a1tttt.jpg
Mỗi ngày, tôi dành khoảng 2 tiếng chơi bóng bàn. Bên cạnh giúp ích cho sức khoẻ, bóng bàn còn giúp tôi rèn luyện sự dẻo dai, tính tập trung trong từng đường bóng của đối thủ. Tôi nhận ra thể thao chính là phương thuốc, giúp những người khuyết tật như tôi quên đi những khiếm khuyết, mang lại sự tự tin để bước ra xã hội.
anh-14.jpg
Những năm tháng qua, tôi tự nhủ rằng, cuộc sống của mình sẽ thật tẻ nhạt nếu không có bóng bàn. Đầu năm 2024, tôi rất vui khi được tuyển vào đội thể thao khuyết tật tỉnh Hà Tĩnh, đi thi đấu nội dung bóng bàn các giải dành cho người khuyết tật.
anh-15.jpg
Năm ngoái, lần đầu tiên, tôi tham gia giải thể thao người khuyết tật toàn quốc. Dù cố gắng nhưng tôi phải dừng chân ở trận tứ kết. Năm nay, trước khi đi thi đấu, tôi đã nhờ các đồng đội ở CLB Thành Đông hỗ trợ, chỉ dạy thêm một số kỹ thuật.
anh-16.jpg
Năm nay, giải thể thao người khuyết tật toàn quốc diễn ra từ ngày 29/5 đến ngày 5/6/2025 tại TP Đà Nẵng. Tôi lọt vào trận chung kết và dẫn trước đối thủ set đầu nhưng sau đó không thể duy trì được phong độ nên nhận thất bại 1-3 chung cuộc, giành huy chương bạc. Dù có chút tiếc nuối nhưng được gặp gỡ, giao lưu với các đồng đội cùng chung đam mê khiến tôi rất xúc động.
anh-17.jpg
Tấm huy chương là thành quả sau bao ngày nỗ lực, không bỏ cuộc của tôi. Tôi luôn nhắc nhở bản thân rằng "tàn nhưng không phế", mất đi cánh tay nhưng không được mất đi ý chí. Giờ đây, mỗi khi rảnh rỗi, ngoài thi đấu cùng đồng đội, tôi còn hướng dẫn cách chơi cho các cháu yêu thích môn bóng bàn. Thành quả đạt được cùng với niềm đam mê, sự giúp đỡ của mọi người là động lực để tôi cố gắng để chinh phục những thử thách mới.